Môn nhảy cầu của SEA Games 31 sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 11-5 tại Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình với 8 nội dung thi đấu. Đây là môn thể thao diễn ra và kết thúc trước cả khi SEA Games 31 khai mạc - ngày 12-5 - Ảnh: HOÀNG TÙNG
Để chuẩn bị cho SEA Games 31, đội tuyển nhảy cầu Việt Nam được tập trung từ ngày 1-1-2022 với 9 vận động viên đến từ hai địa phương chính là Hà Nội, Quảng Ninh
Dù tập trung từ đầu năm nhưng đội tuyển nhảy cầu Việt Nam không có địa điểm để tập luyện vì hồ nhảy tại Hà Nội và Cung thể thao dưới nước đều trong quá trình sửa chữa cho SEA Games 31. Mãi đến ngày 16-3, các vận động viên mới được tập nhảy với cầu lần đầu tiên tại hồ nhảy Trung tâm huấn luyện thể thao Hà Nội.
Ngày 25-4, đội tuyển nhảy cầu lần đầu được vào tập tại Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình - nơi diễn ra thi đấu của SEA Games 31. Do mới chỉ có hơn một tháng tập luyện với cầu, còn lại là tập chay trên cạn bằng các bài tập thể lực nên các vận động viên còn mắc nhiều lỗi kỹ thuật.
Nguyễn Tùng Dương (trái) là vận động viên từng đứng vị trí thứ 4 nội dung 3m cầu mềm nam tại SEA Games 30 năm 2019 ở Philippines. Tại SEA Games 31 trên sân nhà, anh được hy vọng có thể giúp nhảy cầu Việt Nam có huy chương dù điều kiện chuẩn bị cho đại hội gặp rất nhiều khó khăn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, HLV trưởng đội nhảy cầu Trương Anh Tài (trái) cho biết do thời gian tập luyện quá ít nên chỉ mong các vận động viên khi thi đấu không mắc lỗi. Hiện Nguyễn Tùng Dương và Ngô Phương Mai là hai niềm hy vọng lớn nhất của nhảy cầu Việt Nam.
Ngô Phương Mai là vận động viên đã từng dự liên tiếp 3 kỳ SEA Games từ 2015, 2017, 2019 và đều giành huy chương cho nhảy cầu Việt Nam.
Tại SEA Games 2019, Ngô Phương Mai giành huy chương đồng ở nội dung cầu mềm 3m nữ.
Phương Mai tiếp tục là niềm hy vọng lớn nhất của nhảy cầu Việt Nam tại SEA Games 31. Nhưng suốt hơn 2 năm qua vì dịch COVID-19, cô gần như không thể đi tập huấn và thi đấu quốc tế.
Tại SEA Games 31, Malaysia là đội tuyển được đánh giá mạnh nhất ở môn nhảy cầu. Việt Nam dù là quốc gia chủ nhà nhưng phong trào phát triển môn này rất kém bởi cả nước chỉ có 3 địa phương: Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh có bể nhảy cầu. Do cơ sở vật chất hạn chế nên để tuyển chọn, đào tạo vận động viên nhảy cầu ở Việt Nam là vô cùng gian nan.
Ngay cả ở thời điểm chưa có dịch COVID-19, nhảy cầu Việt Nam thường xuyên phải đi tập huấn Trung Quốc để phát triển thành tích. Lý do trình độ HLV Việt Nam hạn chế, cả nước có 3 địa phương có bể nhảy cầu nhưng chỉ có bể Cung thể thao dưới nước đủ tiêu chuẩn quốc tế để tập nhưng bể này lâu nay chưa bao giờ được dùng để cho vận động viên tập mà chỉ để thi đấu.
Muốn phát triển môn thể thao Olympic này, các địa phương và ngành thể thao phải đầu tư hơn nữa cho nhảy cầu. Trước mắt là phải đưa đội tuyển nhảy cầu Việt Nam đến tập luyện ở bể đạt tiêu chuẩn là Cung thể thao dưới nước. Sau SEA Games 31, với hệ thống thiết bị tập luyện và thi đấu mới được đầu tư, hy vọng ngành thể thao sẽ tận dụng để làm nơi tập luyện cho các vận động viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận