Bé Hải Đăng bình yên trong vòng tay mẹ - Ảnh: T.L. |
Con gái đầu lòng của chị Hà Thị Quỳnh Nga (37 tuổi, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) chào đời khỏe mạnh. Hai lần mang thai tiếp theo, con chào đời được 4 - 5 giờ thì bị tím tái, khó thở rồi qua đời.
Các bác sĩ không thể tìm ra nguyên nhân. Ngày 3-6-2014, lần vượt cạn thứ tư, chị Nga bấn loạn khi con trai vừa chào đời bị vàng da, tím tái, khó thở... Các xét nghiệm cho thấy bé bị nhiễm độc máu, phải thay máu trong khi bé thuộc nhóm máu hiếm RH-.
Con trai gấp rút được chuyển cấp cứu tại Bệnh viện Nhi trung ương, chị Nga vừa mổ xong phải nằm lại Bệnh viện Phụ sản trung ương. Giữa những ngày níu giữ sự sống cho con, chị ghi lại nhật ký như một lời cầu nguyện...
Nhật ký hi vọng
Ngày 7-6-2014, con vẫn được theo dõi và truyền dinh dưỡng, chưa được ăn gì, bố bảo nhìn con tội quá, có lẽ muốn ăn nên miệng luôn tóp tép, tay bị cắm ống truyền dụi vào má làm đỏ cả má lên.
Nhưng bố mẹ vẫn mừng bởi con vẫn ổn, tự thở, không có biểu hiện gì khác lạ. 9g sáng ngày thứ 2, bố điện thoại cho mẹ bảo con cần thay máu, mẹ gọi mọi người xuống để thử máu bởi con thuộc nhóm máu hiếm RH-.
Rất may lúc đó mẹ tìm được số điện thoại của bác Dung - phó Câu lạc bộ nhóm máu hiếm Hà Nội - và bác Dung đã liên lạc ngay để chú Minh vào cho con máu. Đã đủ máu để chiều đó truyền cho con, mẹ mới có thể thở nổi một hơi dài. Và mẹ không thể ngờ mổ lần ba mà 18 giờ sau mổ mẹ có thể đi lại được.
Ngày thứ 3 lại là thông tin xấu. Bác sĩ báo con phải thở máy, huyết áp không ổn định. Cả bố và mẹ gần như suy sụp. Quả thật mẹ không biết bấu víu vào đâu ngoài mấy dòng thông báo ngắn ngủi lúc 11g trưa của khoa sơ sinh về tình trạng của con.
Điều cả mẹ và bố đều không ngờ rằng vài dòng ngắn ngủi mẹ đăng trên trang Facebook của nhóm máu hiếm lúc mẹ hoảng loạn lại được các cô các bác quan tâm chia sẻ đến thế. Vài trăm cuộc điện thoại trong vòng hai ngày và hàng trăm người tình nguyện cho con máu.
Điều đó ủng hộ tinh thần bố mẹ rất nhiều. Con trai ạ! Con phải cố lên nhé, không được phụ tấm lòng của bao người dành cho con ở trên mọi miền đất nước. Con là chàng trai may mắn đấy, con trai của mẹ!
Ngày thứ 4 và thật sự dài khủng khiếp. Bố mẹ không biết làm gì ngoài việc cầu nguyện. Mẹ xin xuất viện sớm ở Bệnh viện Phụ sản trung ương để về với con, dù biết rằng chẳng thể gặp con hay ôm con vào lòng nhưng mẹ vẫn quyết định sang Bệnh viện Nhi trung ương để được gần con hơn.
Các bác sĩ tiên lượng tình trạng của con vẫn rất xấu. Bác Huyền Maika gọi điện cho mẹ nói mẹ cần bình tĩnh vì bác sĩ tiên lượng khả năng sống của con chỉ là 50/50. Mẹ nói với bác Huyền dù còn 10% mẹ vẫn tin con sẽ đủ nghị lực vượt qua.
Ngày thứ 7, mẹ năn nỉ từ sáng và vì thương mẹ nên các bác đồng ý cho mẹ vào gặp con. Mẹ điện thoại cho bố, để bố từ Thái Nguyên về nhằm kịp 6g chiều vào gặp con. Vào nhìn con yêu bé bỏng và chằng chịt dây nối quanh người, mẹ lặng người, chỉ biết cầm bàn chân bé xíu của con và thầm bảo: Cố gắng lên con nhé, con phải thoát thở máy thì mới được về bên mẹ!
Dù chưa đến bốn phút gặp con nhưng mẹ vẫn phải tỉnh táo và tranh thủ hỏi bác sĩ Hương, người đang trực tiếp theo dõi tình hình của con, vì mẹ hiểu các bác sĩ khoa sơ sinh rất bận. Bác sĩ bảo vẫn phải tích cực chiếu đèn và rất hiếm trường hợp phải thay máu lần ba như con nên khả năng nhiễm trùng máu rất cao. Mẹ thật sự lại cầu mong bác sĩ chẩn đoán sai, con sẽ không sao con yêu nhé!
Ngày thứ 9, bác quản lý nhà khách bệnh viện đến cửa phòng gọi: người nhà Nguyễn Hà Hải Đăng đâu lên ghép mẹ. Thật không thể tả được cảm xúc vỡ òa của mẹ và bà ngoại lúc đấy. 18g ngày thứ 10 kể từ khi con sinh ra mẹ mới được ôm con trong lòng. Nhìn con mẹ khóc ngon lành, khóc ngon hơn khi con nhập viện, khóc vì vui mừng...
Dành những gì tốt đẹp nhất cho con
Sau 16 ngày nằm bệnh viện, Hải Đăng được về nhà. Gia đình chưa kịp vui mừng thì Đăng bị sốt. Vợ chồng chị Nga tất tả đưa con vào bệnh viện. Bác sĩ chẩn đoán bé bị thiếu máu, men gan cao, quá trình thay máu các độc tố đọng lại gây nên tình trạng vàng da, ứ mật.
Chị Nga tiếp tục những ngày đằng đẵng ở bệnh viện cùng con. Nhiều người khuyên can: “Đứa trẻ yếu thế này thì chữa làm gì, sau này rồi cũng bị ngớ ngẩn”. Chị vẫn không nản lòng. Đăng nằm viện hai tháng mới được về nhà.
Thay máu ba lần khiến Đăng bị ảnh hưởng vận động, hiện chưa ngồi vững. Từ khi sinh con đến nay là chuỗi ngày vào ra bệnh viện triền miên của hai mẹ con.
Đều đặn mỗi tuần sáu buổi sáng, chị Nga đưa con đi tập vật lý trị liệu tại một trung tâm tư nhân. Ba buổi chiều trong tuần, chị đưa con đi tập vận động tại Bệnh viện Nhi trung ương. Rồi còn chụp chiếu, xét nghiệm, điều trị sỏi mật cho con.
Khuya 20-10, chị Nga ôm con nhập viện vì Đăng bị rối loạn tiêu hóa. Chồng thường xuyên công tác xa nhà, một mình chị chăm con. 16 tháng chăm con, chị tâm sự đã trải qua đủ cung bậc cảm xúc của cả cuộc đời: vui buồn, hạnh phúc, lo âu, tuyệt vọng rồi hi vọng.
Chị nói: “Con bị yếu cơ thì có thể kiên trì tập luyện được, nhưng điều làm tôi lo lắng nhất là con bị ảnh hưởng thính lực, nghe được nhưng không phân biệt được âm thanh. Tôi đã hỏi các bác sĩ rồi, trong trường hợp xấu nhất phải phẫu thuật để cấy ốc điện cực vào tai. Hai ốc điện cực mất 50.000 USD chưa kể chi phí phẫu thuật. Nếu cần, tôi sẽ bán nhà lo cho con”.
Người mẹ ấy luôn hi vọng con sẽ khỏe mạnh, hi vọng sau hai năm kiên trì tập vật lý trị liệu con sẽ đi lại được, hi vọng con sẽ chỉ phải đeo trợ thính chứ không cần phẫu thuật... Cái tên Hải Đăng chị đặt cho con cũng với hi vọng sinh mệnh con sẽ như ngọn đèn biển không bao giờ tắt. Với người mẹ ấy, chỉ cần con có mặt trên cuộc đời đã là một hạnh phúc lớn lao, dẫu có phải hi sinh gì đi nữa...
Theo một bác sĩ từng điều trị cho bé Hải Đăng tại Bệnh viện Nhi trung ương, việc bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bé Hải Đăng bị vàng da, tan máu nghiêm trọng, phải thay máu sau sinh. Hiện chức năng vận động, khả năng ngôn ngữ, thính lực của Đăng đều bị ảnh hưởng... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận