Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc trung tâm WTO nêu thực tế trên tại Hội thảo “Việt Nam và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) - nhìn lại một năm thực hiện” ngày 28-12.
Dẫn chứng từ điều tra mới thực hiện tháng 4/2016 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bà Trang nêu có tới 94% biết tới AEC, nhưng chỉ có chưa đầy 17% biết rõ về các cam kết trong AEC.
“Số DN tận dụng được các cơ hội từ AEC thời gian qua còn thấp hơn nữa. Thiếu thông tin chính xác và toàn diện về AEC là một trong những rào cản lớn nhất khiến các DN Việt Nam không tận dung được các cam kết này” – bà Trang nói.
Dẫn chứng từ thực tế, tính đến cuối tháng 11-2016, Việt Nam mới chỉ có 2 DN được cấp giấy chứng nhận xuất xứ. Thậm chí, do không chủ động tiếp cận quy định và tiêu chuẩn mà các nước ASEAN đặt ra, nên có trường hợp DN phải ngưng xuất khẩu vào thị trường này.
“Có chuyện Hội đồng Mỹ phẩm của ASEAN đã thông qua một loạt tiêu chuẩn kỹ thuật mới, trong đó có cấm một chất trong mỹ phẩm. Không may mắn là chất đó được một DN xuất khẩu mỹ phẩm của Việt Nam sử dụng chủ đạo làm nguyên liệu. Điều đó đồng nghĩa sản phẩm mỹ phẩm của DN này không thể xuất vào ASEAN” - bà Trang cho biết.
Thực tế năm 2016, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ASEAN giảm 5,6% trong khi nhập khẩu giảm 2%. Việt Nam đang đứng trước cơ hội thị trường rất lớn nhưng chưa tận dụng được và thậm chí còn có những DN bị loại ra khỏi cuộc chơi.
Ông Hoàng Văn Phương, Trưởng phòng ASEAN, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho rằng thách thức lớn nhất trong AEC đối với Việt Nam hiện tại là sức cạnh tranh từ hàng hoá từ các nước ASEAN. Với cơ cấu sản phẩm tương đối giống nhau trong cả 10 nước ASEAN, việc mở cửa thị trường sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận