Xe cộ nối đuôi đi qua nút giao An Sương, TP.HCM - Ảnh: ĐỨC PHÚ
Ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết thời gian TP quan tâm và bố trí vốn thực hiện các dự án giao thông. Nhưng nếu so với các địa phương khác, vốn đầu tư dành cho giao thông tại TP vẫn còn hạn chế.
Ông Lâm viện dẫn như Hải Phòng có số km chiều dài đường bằng 1/10 của TP.HCM, dân số chỉ hơn 2 triệu người nhưng năm 2019, địa phương này dành vốn đầu tư cho giao thông hơn 10.000 tỉ đồng.
TP.HCM vốn dành cho hạ tầng giao thông cả giai đoạn 2015-2020 chỉ hơn 50.000 tỉ đồng, trong đó, số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng đã chiếm hơn 50%.
Ông Trần Quang Lâm phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: ĐỨC PHÚ
Theo ông Lâm, việc đưa so sánh nêu trên để đánh giá sự bất cập, thiếu đồng bộ dẫn đến hầu hết các dự án giao thông tại TP đều chậm hơn quy hoạch rất nhiều.
Cụ thể như dự án Vành đai 2 theo Nghị quyết của HĐND TP phải khép kín trong năm 2020, đến nay còn dang dở. Tốc độ dân số tăng cùng xe cộ liên tục gia tăng gây áp lực cho hạ tầng giao thông càng thêm nặng nề.
Theo báo cáo về nguồn vốn cho các dự án thuộc chương trình giảm ùn tắc giai đoạn 2016 -2020 chỉ đáp ứng khoảng 27% so với nhu cầu dự kiến.
Về nguồn vốn ngoài ngân sách, mặc dù được kỳ vọng rất lớn nhưng thực tế việc thu hút vốn từ hình thức đối tác công tư PPP chỉ đạt 13% tức khoảng gần 17.000 tỉ đồng. Qua đó cho thấy, kết quả đạt được của nguồn vốn kêu gọi đầu tư không lớn như kỳ vọng.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ - chủ tịch HĐND TP - đánh giá nhìn chung các dự án, công trình giao thông trọng điểm đến nay đã đạt một số kết khả quan.
Nhiều công trình đã đi vào sử dụng góp phần giảm ùn tắc, tai nạn. Tuy nhiên, trong khi số tiền cho giao thông đạt tỷ lệ giải ngân cao, cũng có nhiều công trình đang chậm tiến độ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân như nút giao Mỹ Thủy (quận 2), kênh Hàng Bàng (quận 5, quận 6), cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè)…
Việc công trình giao thông chậm hoàn thành xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan. Phần lớn do thủ tục pháp lí chưa chặt chẽ, sự phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương chưa nhịp nhàng, đồng bộ.
“Phải xác định công trình nào cần hoàn thành ngay, tập trung đề xuất tháo gỡ. Đồng thời đề xuất giải pháp để tham mưu TP giải quyết dứt điểm các dự án BOT, BT còn vướng mắc”, bà Lệ đề nghị các sở ngành TP.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận