21/01/2016 09:00 GMT+7

Chỉ 10 máy may, 30 ngàn quần áo Nike, Adidas... tràn ra tiệm

 LÊ SƠN - T.V.NGHI
LÊ SƠN - T.V.NGHI

TT - Tràn lan hàng nhái, giả thương hiệu. Các thương hiệu ngoại như Polo, Levi’s, D&G, Gucci... với giá chỉ từ 200.000-500.000 đồng/sản phẩm, dù hàng chính hãng lên tới cả triệu đồng/sản phẩm.

Giỏ xách, túi nhái hàng hiệu được bày bán tại chợ Bình Tây, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Giỏ xách, túi nhái hàng hiệu được bày bán tại chợ Bình Tây, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Từ đầu tháng 1-2016 đến nay, cơ quan chức năng triệt phá nhiều vụ sản xuất, kinh doanh quần áo giả mạo với số lượng cực lớn. Tuy nhiên, trên thị trường hiện vẫn đang tràn lan các loại quần áo nhái, giả mạo các thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước.

Không chỉ nhắm tới các thương hiệu nước ngoài mà cả những thương hiệu nổi tiếng trong nước, quần áo giả mạo mẫu mã, thương hiệu không chỉ khiến các doanh nghiệp trong nước gặp khó trong cạnh tranh mà còn mất uy tín trong mắt người tiêu dùng.

Vô tư sản xuất, buôn bán

Ông Nguyễn Ngọc Khánh Hùng, đội trưởng đội quản lý thị trường (QLTT) 12B - Chi cục QLTT TP.HCM, vừa cho biết đang hoàn tất hồ sơ để chuyển cơ quan điều tra về vụ sản xuất, kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu với số lượng “khủng” mới được phát hiện.

Trước đó, khi kiểm tra xưởng sản xuất tại số 9/28 đường Đông Hưng Thuận 2 (Q.12, do bà Trần Thị Ngọc Hà làm chủ), cơ quan này phát hiện hơn 8.000 sản phẩm quần áo thành phẩm giả mạo, chưa kể một lượng lớn nguyên phụ liệu không rõ nguồn gốc.

Tại thời điểm kiểm tra căn nhà xưởng kín cổng cao tường này, cơ quan chức năng phát hiện khoảng 20 công nhân đang hoàn thiện công đoạn gắn nhãn mác sản phẩm, đóng thùng chờ đưa đi tiêu thụ. Trên mỗi sản phẩm gắn đủ các loại thương hiệu nổi tiếng nước ngoài như Tommy, Lamborghini, Adidas, Diesel, Gucci. Một số lượng lớn nguyên phụ kiện cũng không chứng minh được nguồn gốc.

Tương tự, chỉ với 10 máy may, bà Phạm Trần Minh Ngọc, chủ Công ty TNHH DVTMSX Duy An (P.Đông Hưng Thuận, Q.12), cùng nhân viên sản xuất, chờ đưa ra thị trường hơn 30.000 sản phẩm quần áo giả mạo gắn các thương hiệu Nike, Adidas...

“Sản xuất quần áo giả quá dễ dàng, chỉ cần copy mẫu sau đó nhập nguyên liệu, thuê nhân công và gắn tem nhãn là hoàn tất. Hàng sản xuất xong được đưa đến đầu mối kinh doanh sỉ tại các chợ Tân Bình, An Đông để phân phối khắp cả nước. Ước tính trị giá lô hàng trong hai vụ vừa qua gần 10 tỉ đồng” - ông Hùng cho hay.

Theo lời khai ban đầu, các chủ sản xuất hàng giả chỉ có hợp đồng gia công sản xuất với một vài doanh nghiệp trong nước nhưng đã mở rộng sản xuất riêng hàng giả đem tiêu thụ. Với mẫu mã, màu sắc đẹp, liên tục cập nhật, giá rẻ nên quần áo giả thương hiệu dễ dàng giành thị phần trong ngành may mặc.

Chiều 20-1, khảo sát tại một cửa hàng kinh doanh quần áo lớn trên đường Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận), chúng tôi thấy cửa hàng này bày bán đủ loại quần áo mang các thương hiệu ngoại như Polo, Levi’s, D&G, Gucci... với giá chỉ từ 200.000-500.000 đồng/sản phẩm, dù hàng chính hãng lên tới cả triệu đồng/sản phẩm.

Chọn chiếc áo sơmi ngắn tay hiệu Polo, chúng tôi được nhân viên tư vấn cho biết hàng đang giảm giá từ 280.000 đồng còn 250.000 đồng. Tuy nhiên, khi hỏi đây là hàng Polo thật hay giả, nhân viên chỉ cho biết: “Hàng công ty đưa xuống nên anh yên tâm chất lượng, bên em có gần chục cửa hàng hệ thống”.

Tương tự, người mua có thể chỉ cần bỏ ra 50.000-90.000 đồng để mua sản phẩm áo thun gắn mác Lacoste, Tommy, Polo... Thậm chí, nhiều nhà hàng, quán ăn, công ty vô tư đặt “hàng hiệu” làm đồng phục cho nhân viên vì giá thành rẻ.

Đặc biệt, với chiêu mạo danh “hàng VN xuất khẩu” được công ty tuồn ra nên giá các sản phẩm quần áo giả đội lên khá cao.

Doanh nghiệp Việt điêu đứng ứng phó

Trao đổi với chúng tôi, nhiều doanh nghiệp may mặc trong nước cũng cho biết đang rất đau đầu với việc hàng nhái, ăn cắp mẫu mã.

“Mình ở ngoài sáng, còn họ ở trong tối. Mẫu mới đưa lên kệ buổi sáng, qua ngày hôm sau đã thấy mẫu may chào y chang ngoài chợ mà không làm gì được” - chị Thu, phụ trách phát triển mẫu của một công ty thời trang, nói.

Theo chị Thu, điều bức xúc nhất là những người cố tình làm nhái sản phẩm của công ty chị luôn chọn cái “đỉnh” nhất của đợt tung mẫu mới ra để “chôm”, nhìn kỹ lắm mới phát hiện 1-2 chỗ khác biệt.

“Có mẫu rồi họ đưa về các tổ hợp may gia công thực h1iện. Tùy theo nguồn cung cấp rót ra chợ hay shop cao cấp mà họ sử dụng nguyên liệu cao cấp hay vừa vừa. Nhưng lúc nào giá của họ cũng thấp hơn giá bán sản phẩm ngay tại cửa hiệu của mình ít nhất 20% thì làm sao cạnh tranh nổi” - chị Thu bức xúc.

Trong khi đó, theo chị Thu, để thiết kế ra được mẫu mới, tổ phát triển mẫu của công ty phải mất vài ngày cho đến một tuần, với bao công sức và tâm huyết.

Theo các công ty kinh doanh hàng thời trang, tình trạng sao chép mẫu, làm giả logo của các thương hiệu thời trang uy tín trong nước diễn ra từ nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa có cách khắc phục. Thậm chí, tình trạng một số điểm bán chính thức của những thương hiệu này tiếp tay với người bên ngoài “đẩy” hàng dỏm vào bán cùng trong hệ thống cũng từng xảy ra, khiến nhiều thương hiệu thời trang quyết định không mở rộng điểm bán khi chưa chuẩn bị đầy đủ nguồn lực kiểm soát.

Chị Phạm Huỳnh (Q.Tân Bình) từng “quê độ” khi mua áo sơmi Việt Tiến tặng bạn nhưng mua trúng hàng nhái. “Trên biển hiệu ghi cửa hàng Việt Tiến, nhân viên chào mời nói hàng giảm giá đợt này chỉ 180.000 đồng/cái nên mình tin mua. Đặc biệt trên túi áo, sau gáy và cổ tay đều thêu, dán logo Việt Tiến nữa chứ” - chị Huỳnh bức xúc.

Ông Võ Văn Kiên Nhẫn, trưởng phòng kinh doanh nội địa Tổng công ty CP may Việt Tiến, cho biết nhiều năm nay công ty liên tục đương đầu tình trạng bị giả thương hiệu, bị thành phần xấu cố tình sản xuất sản phẩm có tên gọi na ná với sản phẩm chính hãng hòng đánh lừa người tiêu dùng.

Theo ông Nhẫn, những điểm bán mà người tiêu dùng thường thấy trước cửa hàng treo bảng hiệu mập mờ như “Đại lý bán sản phẩm quần áo cao cấp”, “Cửa hàng bán quần áo cao cấp”, bên hông có từ 1-2 hộp đèn quảng cáo chạy chữ “Sơmi Việt Tiến“, hoặc “Có bán sơmi Việt Tiến”, hay “Sơmi cao cấp Việt Tiến” đều không phải là đại lý chính thức của công ty.

Nếu vào những nơi này sẽ không khó tìm thấy các thương hiệu giông giống thương hiệu chính thức của Việt Tiến như “vicitien”, “victtien”, “vietHen”, “v-tien” được may sau cổ áo khá cẩu thả.

“Chúng tôi từng có những hướng dẫn cụ thể cho người tiêu dùng để phân biệt hàng nào thật, hàng nào giả nhưng cũng không ăn thua. Bởi mình càng mô tả chi tiết hàng thật thế nào, hàng giả họ cũng làm... y chang như thế. Nên cách phòng chống hữu hiệu nhất là cung cấp danh sách đại lý chính thức của công ty để người tiêu dùng biết đúng chỗ đến mà mua” - ông Nhẫn cho biết.

Đổ bệnh vì mặc quần áo giả

Chỉ sau một ngày “diện” chiếc quần jean “thương hiệu Levi’s” được mua tại chợ đêm Hạnh Thông Tây (Q.Gò Vấp) với giá 200.000 đồng, anh Trần Minh Hưng (Q.Tân Bình) cho biết cả vùng bụng và chân mẩn đỏ, ngứa ngáy.

Cứ nghĩ do bị dị ứng với thức ăn nên mua thuốc chống dị ứng thoa, nhưng sau đó anh Hưng phát hiện hiện tượng này cứ tái diễn khi anh mặc loại quần jean này. Để “chắc ăn”, anh Hưng đi khám da liễu mới tá hỏa khi phát hiện rằng thủ phạm gây ngứa chính do chiếc quần nhiễm nấm, vi khuẩn gây hại.

Theo một chuyên gia ngành may mặc, quần áo giả thương hiệu được sử dụng nhiều bởi giá rẻ và tâm lý “có chết ai đâu”, nhưng nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe là rất lớn vì đa số hàng hóa này đều không được kiểm soát chất lượng nguyên, phụ liệu đầu vào.

Các nghiên cứu cho thấy chất formaldehyde, thường được sử dụng trong ngành may mặc nhằm chống mốc và vi sinh vật khi vận chuyển, là một trong những tác nhân gây nên ung thư, thường có biểu hiện ở ngoài da như mẩn ngứa, nóng rát...

L.SƠN

Hơn 200 gói bột ngọt giả nhãn hiệu

Thông tin Chi cục QLTT Đồng Nai cho biết đội QLTT số 1 vừa bắt quả tang hai cơ sở kinh doanh giả nhãn hiệu bột ngọt Ajinomoto của Công ty Ajinomoto VN. Cụ thể tại cửa hàng tạp hóa Kim Phụng (P.Quang Vinh, TP Biên Hòa, do bà Nguyễn Thị Kim Phụng làm chủ) và cửa hàng tạp hóa tại ấp Long Đức 1, xã Tam Phước, TP Biên Hòa do bà Bùi Thị Phượng làm chủ có tổng cộng 207 gói bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto, trọng lượng từ 450 gam đến 1 kg/gói.

Theo một cán bộ QLTT, các gói bột ngọt giả nhãn hiệu bột ngọt Ajinomoto có 3 mép bình thường, 1 mép ở trên được ép thủ công nên không đều, khi nhìn kỹ bằng mắt thường sẽ thấy bọt li ti tại mép ép. Trong khi đó, các gói bột ngọt Ajinomoto chính hãng có 4 mép ép đều và giống nhau.

A LỘC

LÊ SƠN - T.V.NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp