Nạn nhân là bà Trần Thị Lý (sinh năm 1964). Hung thủ là ông Nguyễn Minh Mẫn. Cái chết ấy là đỉnh điểm trong bi kịch của một cuộc sống gia đình mà người vợ phải lầm lũi chịu đựng một người chồng nát rượu, bạo lực.
Phóng to |
Mẹ chết. Cha ở tù. Anh chị đều đi làm xa. Chỉ còn Minh Phòng trong căn nhà vắng lạnh. - Ảnh: My Lăng |
Bi kịch của cam chịu
“Khoảng 11g trưa, tôi đang nấu cơm thì nghe tiếng cãi nhau của vợ chồng mợ Lý chú Mẫn bên đó - bà Nguyễn Thị Hạnh, chị dâu ông Mẫn, kể - Chừng nửa tiếng sau thấy im lặng. Lát sau thấy thằng Phòng mặt tái bệch, hốt hoảng chạy qua kêu: Bác Hạnh cứu mẹ cháu với! Mẹ bị cha đâm rồi! Tôi chạy sang thấy chú Mẫn máu me bê bết bồng mợ Lý từ vườn vô đặt lên ghế. Mợ Lý không nói được câu gì, bất động, mắt mở. Chiếc áo mợ ấy mặc máu ướt đỏ. Được mấy phút thì mợ nhắm mắt lại, đi...”.
Hình ảnh kinh hoàng trong buổi trưa định mệnh ấy sẽ vĩnh viễn là phần ký ức ám ảnh tâm trí hai người con nhỏ nhất của bà Lý, ông Mẫn: Nguyễn Minh Biên (15 tuổi) và Nguyễn Minh Phòng (12 tuổi).
“Sau này nghe hai đứa nhỏ kể lại cha mẹ chúng cãi nhau chuyện thằng Biên thi vào lớp 10 Trường THPT Nghi Lộc 5 không đạt kết quả. Lúc ăn cơm chú Mẫn vẫn chửi mợ Lý vì chuyện này. Như mọi hôm thì mợ nhịn, hôm đó mợ cãi lại: tại anh uống rượu chửi bới suốt ngày không lo làm ăn để cho con học hành... Chú Mẫn lớn tiếng chửi. Mợ Lý sợ chú ấy hất đổ nồi cá không có cho con ăn tối nên bưng ra gốc cây trong vườn. Chú Mẫn lấy dao rượt theo đâm”.
Hung khí là con dao gọt trái cây mà hằng ngày bà Lý vẫn dùng cắt gọt hoa quả cho chồng con. Trước đó một ngày (trưa 8-8), ông Mẫn cũng cầm một con dao rượt đuổi chém bà Lý vào cánh tay phải. Nhờ chiếc áo dày và con dao bị cùn nên cánh tay bà Lý chỉ bị sưng to. Khi công an khám nghiệm tử thi vẫn còn thấy vết bầm đen ở cánh tay ấy.
“Ngày đám tang mẹ nó tội lắm - bà Hạnh rưng rưng kể - Đứa khôn lớn thì chưa về kịp. Hai đứa dại ở nhà khóc tợn. Ngày thứ hai con cái mới về đầy đủ. Đứa nào thấy mẹ như vậy cũng ngất xỉu. Cái cảnh đau thương quá. Chết vì tai biến, bệnh tật thì đỡ. Đằng này bị bố đâm. Hồi trước nhà nghèo, hai vợ chồng đi làm thuê làm mướn nuôi con. Cái nhà bây giờ là tiền đàn con lớn đi làm mới có ít đồng về làm nhà.
Trước chú ấy hiền lắm, sau này hay uống rượu, hư tính hư nết. Từ khi mấy đứa con lớn lên làm ra tiền cũng xảy ra chuyện. Mẹ thì muốn cầm giữ cho con, cha lại muốn cầm tiền tiêu xài. Mợ không cho, chú chửi đánh suốt. Khi mợ chết rồi, để lại 3 triệu cho ba đứa con giấu trong cái tất cất trong thùng mì gói. Bây chừ vợ thì chết, chồng đi tù. Mấy đứa con bơ vơ. Có cha cũng như không.
Thằng anh lớn lấy vợ trong Sài Gòn. Đứa con gái thứ hai lấy chồng ở Tân Kỳ. Hai chị lớn lấy chồng trong Sài Gòn, làm công nhân, thu nhập bấp bênh. Thằng Biên thì đang làm thuê ở Lào. Từ lúc mẹ mất, nó ít nói lắm, hay buồn. Có lần nó bảo vì nó nên mẹ mới chết. Tết vừa rồi nó xin chủ cho về đón tết cùng em. Đợt giỗ mẹ nó xong, các anh chị lớn gửi thằng Phòng cho tôi. Phòng ở với bác từ đó đến giờ. Ngày mẹ mới mất tối nào thằng Phòng cũng khóc. Bây giờ vẫn khóc. Nó khóc mê, quàng tay qua ôm bác mà gọi: mẹ ơi, mẹ ơi...”.
Những bữa cơm chan đầy nước mắt
* Chỉ vì một củ khoai sạn trong khi ăn, Vũ Tiến Đại (Cẩm Đông, Cẩm Giàng, Hải Dương) đã bực tức chửi bới vợ và dùng chân đá mạnh vào mạng sườn vợ. Cú đá oan nghiệt ấy đã cướp đi mạng sống người vợ bao năm chung sống với mình. Mẹ mất. Bố vướng vào vòng lao lý đã khiến ba đứa con nhỏ của Đại bơ vơ giữa dòng đời. * Chỉ sau một trận cãi vã nhỏ, Nguyễn Văn Bình (44 tuổi) đã ra tay sát hại dã man vợ mình, chị Nguyễn Thị Giang (41 tuổi), rồi quẳng thi thể xuống giếng. Đó là vụ án rùng rợn xảy ra vào tháng 10-2012 ở ấp Ba Tầng (xã Phú Vĩnh, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai). Hơn 20 năm chung sống, có với nhau bảy đứa con nhưng với người phụ nữ ấy là một chuỗi tháng năm dài sống trong ngược đãi và bạo hành. * Gần đây nhất, ngày 10-5-2013, chỉ vì bị vợ cằn nhằn, một người chồng ở buôn Ea Rông B (Krông Na, Buôn Đôn, Đắk Lắk) đã đâm chết vợ bằng một nhát dao vào bụng thủng dạ dày. Và còn biết bao cái chết tức tưởi dưới tay chồng như thế không thể kể hết. |
Từ ngày mẹ mất, bố ở tù, căn nhà vắng lặng đến lạnh lẽo. Căn nhà mà sáu người con đã lớn lên ấy giờ chỉ còn một mình Minh Phòng. Cậu bé đang học lớp 9 Trường THCS Nghi Văn. Phòng phải quen dần với cuộc sống côi cút, với những bữa cơm không còn mẹ nấu, với những chiều đi học về thui thủi một mình trong căn nhà vắng...
Từ ngày mẹ mất, Phòng không đủ can đảm bước ra khu vườn, nơi bố đã đâm nhát dao trí mạng vào tim mẹ. Nhắc lại ký ức đau buồn ấy, không dễ dàng với một đứa trẻ sớm chịu quá nhiều nghịch cảnh, mất mát. Minh Phòng nói mà giọng lạc đi, đôi mắt u buồn đến tê tái người nghe: “Mỗi lần nhớ mẹ quá, em lại thắp nhang...”.
47 năm hiện diện trên cõi đời, người phụ nữ ấy ra đi, kỷ vật để lại cho những đứa con là mấy bộ quần áo cũ và một tấm ảnh đen trắng. Nỗi bất hạnh của một thân phận làm vợ còn hiển hiện rất rõ trong tâm khảm đứa con út. Đó là những bữa cơm trong cãi vã, chửi bới, căng thẳng triền miên.
“Bữa cơm nào cha cũng chửi mẹ - Minh Phòng kể - Tụi em cắm đầu ăn thật nhanh, không dám nhìn cha. Nhiều lần cha hất đổ mâm cơm. Em rất sợ, không dám ăn nữa, bỏ đi. Có lần đang ăn cơm, cha chửi mẹ rồi cầm dao rượt mẹ, em khóc, thương mẹ lắm nhưng không dám nói. Mỗi lần cha uống rượu nhìn rất sợ, không dám nhìn. Mỗi lần như thế cha hay đập phá đồ đạc, chén bát. Sau đó mẹ phải mua chén bát mới.
Có lần cha cứ bắt dọn vô rồi lại dọn ra nhiều lần nhưng mẹ không dám cãi. Nhiều lần đang chuẩn bị ăn cơm, cha đánh, mẹ bỏ đi không ăn nữa”. Nhưng Phòng lại nói: “Em giận cha lắm nhưng vẫn thương cha. Ngày em còn nhỏ cha không như vậy...”.
Bà Hạnh không giấu được bức xúc: “Trưa mợ ấy đi làm về mệt, đói nhưng vẫn cơm nước cho chồng con đàng hoàng. Chú ấy cứ rượu say là không cho vợ con ăn cơm, hất thức ăn ra đất. Một tháng 30 ngày thì 25-26 ngày như thế. Có lần tôi qua thấy chú ấy làm con gà, ăn hết thịt còn lại xương bắt vợ con ăn. Tôi nhìn mà xót xa quá. Thương mợ Lý một mà thương hai đứa cháu nhỏ mười. Đến bữa cơm mà tụi nó cũng không được ăn yên lành.
Chú ấy tàn bạo quá, cứ có rượu vào là không còn tính người nữa. Nhiều khi ra đồng, ra chợ... thấy mặt mợ Lý cứ tím bầm, sưng húp. Có lần chú Mẫn còn lấy xích xe đạp đánh mợ. Mợ chạy nhưng chú đuổi kịp, bắt lại, đánh bầm đen chân tay cả tháng. Có lần tôi thấy mợ quỳ xuống chắp tay van lạy, chú vẫn không tha. Tôi vào can thì chú chửi bới, đe dọa sẽ giết cả vợ chồng tôi. Mỗi lần tôi khuyên nhủ thì chú càng đánh mợ tợn nên cũng không dám nói nữa”.
Nói đoạn, bà Hạnh thở dài: “Ngày mô cũng rượu nên ngày mô cũng có chuyện. Có bữa mợ đang ngủ chú hất nước vô mặt. Tối mô chú cũng đuổi mợ không cho vào nhà ngủ. Mùa đông cũng đuổi. Nửa đêm gà gáy mợ cũng bị đánh, bị đuổi ra khỏi nhà. Mỗi lần như vậy mợ lại chạy sang nhà tôi nằm khóc. Nhờ xã can thiệp nhiều lần rồi mà về chú không chừa. Chú ấy khéo nói, hứa sẽ thay đổi, xã cho về. Được mấy bữa chú ấy uống rượu vô, lại chửi lại đánh”.
Người vợ bất hạnh ấy đã từng bỏ về nhà bố mẹ đẻ, từng trốn vào Nam 3-4 tháng.
“Bên ngoại gọi về, bảo ở nhà nuôi con, sức yếu không đi làm thuê được. Nhà ngoại nhủ về, ông bà cho đất, làm nhà cho ở bên đó nhưng mợ ấy không chịu vì muốn ở bên này cho hai đứa con đi học gần trường. Nhiều lần tôi đã nói mợ giấu dao đi, nếu không thế nào cũng có chuyện. Không ngờ chú ấy làm thật... Tàn bạo quá”.
Người đã chết. Án đã tuyên. 18 năm tù giam. Cho dù 18 năm ấy có thể hồi tâm chuyển ý được một con người thì phần đời còn lại sẽ là khoảng thời gian không bao giờ bình yên trong lương tâm người đàn ông ấy.
________________________
Kỳ tới: 4 người, 3 bữa ăn, 100.000 đồng...
____________
Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4: Kỳ 5: Kỳ 6:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận