05/08/2012 07:10 GMT+7

"Chết" dưới áp lực bạn bè

THÁI BÌNH
THÁI BÌNH

TT - Nhiều bạn mới lớn đã bị sa ngã, vướng vào thói hư tật xấu từ áp lực của chính những người bạn thân thiết.

Do sợ bị bạn bè cô lập, cho ra rìa nếu không “cùng hội cùng thuyền”, nhiều teen đã bấm bụng “nhúng chàm” để bằng bạn bằng bè...

cDjEqzoy.jpgPhóng to
Giao tiếp và cùng làm việc trong nhóm bạn sẽ giúp teen định hình nhân cách. Trong ảnh: một nhóm trại sinh của trại hè “Tự hào chiến sĩ đặc công” (NVH Thanh niên TP.HCM tổ chức) thu được “chiến lợi phẩm” trong lúc “hành quân” xuyên rừng ngập mặn Cần Giờ - Ảnh: T.Bình

Sống, chết có nhau

Trong chuyến đi Bình Dương mới đây, chuyên viên tâm lý Lê Thị Minh Hoa được một học sinh lớp 9 xưng là “người Sài Gòn” đến làm quen. Bạn trẻ tên Phúc này kể từng đạt học sinh giỏi suốt sáu năm, lên lớp 7 thì học hành sa sút do nhóm bạn thân cứ rủ trốn học đi thụt bida, chơi game. Biết mình sai và muốn sửa, nhưng do nhóm bạn dọa “nghỉ chơi” nên Phúc “chơi luôn”. Chuyển sang trường khác, Phúc lại rơi vào nhóm bạn hay quậy phá, đánh nhau và chơi ma túy. Bị đuổi học, cha mẹ đành cho Phúc được tiếp tục học ở quê ngoại Bình Dương.

Một chuyên viên tham vấn kể có lần được một bà mẹ tìm đến nhờ hỗ trợ cách xử trí khi cô con gái học lớp 6 cứ lấy cắp tiền của mẹ. “Mỗi lần mất vài triệu, vài bữa lại mất một lần, tôi theo dõi và bắt được quả tang. Bị đánh đau nhưng con bé cứ chứng nào tật nấy”, bà mẹ nói. Sau lần gặp chuyên viên tham vấn, bà mẹ này bỏ công tìm hiểu và biết con gái dùng tiền ấy bao bạn bè ăn để được nhóm bạn cho chơi chung. “Nhóm ấy toàn con nhà khá giả nên cô bé sợ bị cho ra rìa”, chuyên viên kể.

Khi cô chủ nhiệm gọi điện thoại về nhà báo tin cậu con trai học lớp 9 bị nhà trường kỷ luật vì nhiều lần mang dép lẹp xẹp đến trường, cha mẹ N. Tân (ngụ quận 5) cứ chưng hửng, vì hằng ngày Tân vẫn mang giày đi học đàng hoàng. Theo dõi và lục soát cặp con trai, họ mới biết cậu đem theo đôi dép để trong cặp, khi vào trường mới mang vào. Thì ra Tân chơi chung với một nhóm bạn thích “chơi nổi” bằng cách cùng nhau chống lại quy định nhà trường “phải mang giày đến trường”. “Nó làm thế do sợ bị nhóm tẩy chay”, bà mẹ nói.

Nghịch ngợm hơn nữa phải kể đến nhóm “ngũ hiệp” ở một huyện ngoại thành TP.HCM. Theo thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, nhóm này có năm nam sinh lớp 10 cùng “thấy ghét” một cô giáo nên định bày trò chơi khăm cô. Có hai cậu trong nhóm phản đối do sợ bị kỷ luật, nhưng ba cậu còn lại nêu lý lẽ “chơi chung phải sống chết có nhau, ba thắng hai, không được cãi”. Cả bọn nghĩ ra cách đổ mực lên ghế nệm vải, cô giáo ngồi lên bị dính mực tèm lem nên cô đã khóc ngay trên lớp. Và nhóm teen này thật sự bất ngờ và ân hận khi chính cô giáo đó, với lòng vị tha của một nhà giáo, đã đề nghị cô chủ nhiệm cho ngưng việc “điều tra” thủ phạm.

Lấy “độc” trị “độc”

Theo các chuyên gia tâm lý, tuổi mới lớn được xem như giai đoạn chuyển tiếp trước khi chính thức bước ra xã hội một cách độc lập. Và nhóm bạn là một “xã hội thu nhỏ”, giúp trẻ học cách giao tiếp, cư xử với nhau. Đó vừa là nơi tâm sự, sẻ chia những băn khoăn của tuổi mới lớn, vừa là nơi giúp trẻ định hình cái tôi và cá tính. Trong giai đoạn này, bạn bè giữ vị trí cực kỳ quan trọng và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Thạc sĩ Khắc Hiếu nói: “Cha mẹ nói có thể không nghe, nhưng bạn bè nói thì dễ tiếp thu hơn hẳn. Bị bạn bè tẩy chay là một hình phạt đáng sợ nhất”.

Vậy phải ứng xử ra sao? Thạc sĩ Hiếu cho rằng khi bị bạn bè dùng áp lực ép làm một việc mà mình không muốn, bạn trẻ hãy từ chối thẳng thắn nhưng bằng thái độ chân thành. Song song đó, bạn trẻ hãy bày tỏ sự lo lắng cho “sức khỏe” của nhóm, gợi ra những hậu quả không đáng có mà cả nhóm có thể sẽ phải gánh chịu nếu tiếp tục những hành vi “bất thường” đó, đồng thời có thể đề xuất một ý tưởng khác hay hơn nhưng lành mạnh hơn.

“Nếu nhóm cứ lôi kéo rủ rê làm chuyện xấu, bạn trẻ cần bí mật báo cho giáo viên biết để kịp thời ngăn chặn”. Theo thạc sĩ Hiếu, bạn bè tốt không phải lúc nào cũng “xuôi theo chiều gió” mà đôi khi phải biết đứng về phía ngược lại để cảnh tỉnh bạn mình. Khi đó, giáo viên có thể dùng tập thể lớn hơn để giáo dục “tập thể nhỏ”, cụ thể hơn là sử dụng dư luận của cả lớp để điều chỉnh hành vi lệch lạc của nhóm nhỏ. Thạc sĩ Hiếu cho rằng đôi khi giáo viên cũng cần can thiệp, thâm nhập vào nhóm để kịp thời ngăn chặn những hành vi lệch lạc.

Theo một chuyên viên tâm lý, người lớn cần trang bị cho trẻ “chiếc khiên tự phòng vệ” bằng cách dạy trẻ biết phân biệt tốt - xấu ngay từ nhỏ, biết cách nói “không” với người khác một cách chân thành, biết tìm kiếm sự can thiệp của “bên thứ ba” khi bị bạn bè đưa vào tình huống khó xử. Còn thạc sĩ Trần Thị Ái Liên lưu ý dạy trẻ cách khẳng định bản thân trước bạn bè một cách lành mạnh như học giỏi, làm việc tốt, giúp đỡ cha mẹ...

Không nên tách rời hay xé lẻ nhóm

Theo thạc sĩ Hiếu, khi xử lý các vụ việc do nhóm bạn gây ra, người lớn (giáo viên, phụ huynh) nên tránh lên án trẻ chơi theo nhóm mà chỉ nên phê phán hành vi sai của nhóm. “Nếu phạt hãy phạt cả nhóm, vì các thành viên không biết cảnh tỉnh lẫn nhau. Tuyệt đối không xúc phạm tình bạn giữa chúng. Còn việc tách rời hay xé lẻ nhóm chỉ là biện pháp cuối cùng”. Thạc sĩ Hiếu nói thêm nhà trường cần quan tâm đến việc giáo dục kỹ năng ứng xử học đường, đặc biệt là ứng xử bạn bè. Riêng với các nhóm trong lớp, giáo viên cần “nắm” được thủ lĩnh nhóm để tác động và định hướng các thành viên còn lại. Ngoài ra, giáo viên cần biết cách sử dụng các nhóm khác để giám sát và cảnh tỉnh những nhóm “có vấn đề” hoặc kịp thời ngăn chặn những “ý đồ đen tối”.

THÁI BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp