Mỗi lần đưa đò, người chủ đò níu vào sợi dây để giảm bớt lực của dòng nước chảy xiết. Dẫu biết nguy hiểm, đánh cược với tính mạng trên chiếc đò nhỏ đã cũ, xập xệ nhưng người dân không còn cách nào khác.
Cả xe đạp, xe máy, người và công cụ lao động đều phải đưa lên đò qua sông. Đi chợ, đến trường học, trạm xá hay việc đồng áng đều phải đi qua đò.
Anh Trần Văn Lâm ngồi bên bờ sông chờ đón con gái. Thấy xe đưa đón học sinh dừng, anh vội lên đò qua bên kia sông để đón con. Con gái của anh mới học lớp 2, chỉ cần qua sông là có xe đón đến trường nhưng ngày hai lần, anh đều đưa con qua đò rồi mới về.
“Mình đi cùng mới an tâm chứ làm sao dám để con đi một mình, dù trên đò có nhiều người. Mình là người lớn, lên đò với con, lỡ xảy ra chuyện gì còn xử lý kịp chứ trẻ con thì biết làm gì được. Mất thời gian nhưng đỡ lo lắng” - anh Lâm nói.
Theo ông Trần Văn Bình (45 tuổi, thôn Trung Lưu) - người đưa đò, mỗi ngày có khoảng 600-700 lượt đò qua sông. Sáng dậy từ 4g, đến 9g tối mới xong, chưa kể những lúc bà con có việc đột xuất. Nhiều lần trong thôn có người đau ốm, sinh đẻ, phải dậy cả đêm.
“Mùa nước cạn, dây thừng chỉ dài độ 60m là đủ kéo từ bên này qua bên kia sông, nhưng khi nước dâng cao phải kéo dây dài 120m mới đủ. Lúc nào nước lên cao quá, đò không đi được nữa thì chịu thua, coi như bị cô lập. Cũng nhiều lần bị lật đò rồi, may mắn chưa bị thiệt hại về người. Xe máy bị rơi xuống sông phải mang đi sửa suốt. Đò nhỏ, sông thì rộng, sức người làm sao chống sức nước mãi được” - ông Bình trăn trở.
Ông Phan Tiến Hùng, chủ tịch UBND xã Sơn Tây, cho biết: “Thôn Trung Lưu và Phố Tây có hơn 500 nhân khẩu. Ở cách bên kia sông nên bà con phải chịu nhiều trở ngại về đi lại. Có một cây cầu để không phải đi đò qua sông là mong muốn lớn nhất hiện nay của bà con hai thôn và của UBND xã. Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị với cấp trên, mong có cây cầu để bà con đi lại thuận tiện, an tâm làm ăn sinh sống, nhất là khi mùa mưa lũ về”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận