07/11/2013 03:51 GMT+7

Chế tài mạnh mới dẹp "nghị định trên trời"

NGỌC THIỆN
NGỌC THIỆN

TT - 70 ý kiến phản hồi bài “Nghị định “trên trời rơi xuống” (Tuổi Trẻ ngày 6-11) hầu hết đã bày tỏ sự đồng tình với phân tích của tác giả về nguyên nhân ra đời của các văn bản vô lý và xa rời cuộc sống nhưng vẫn cứ được ban hành.

Không sát cuộc sống

Tôi đồng ý với bài viết của luật sư Trần Hồng Phong. Trong nghị định 145/2013 quy định không cho phép tặng quà tại các buổi lễ, dịp kỷ niệm... và áp dụng cho cả tổ chức kinh tế (doanh nghiệp). Doanh nghiệp trong việc kinh doanh còn phải làm những động tác như marketing, quảng bá thương hiệu, mà muốn làm được những việc này trong hội họp không tổ chức tặng quà để quảng bá thì họ làm cái gì? Mấy ông công chức soạn ra văn bản này phải bao quát xã hội hơn, đừng nặn ra những cái phiến diện gây phiền phức cho cộng đồng.

Mệt mỏi và tốn kém

Tôi hoàn toàn đồng tình và đánh giá cao sự phê bình thẳng thắn của tác giả bài viết trên. Thiết nghĩ đã đến lúc những cơ quan, đơn vị tham mưu mà cụ thể là những con người ngồi trong phòng lạnh hãy suy nghĩ thực tế hơn, cẩn trọng hơn để không đưa ra các quy định áp đặt chủ quan, thiếu khả thi và phản cảm. Việc ban hành văn bản, nghị định, quy định trong thời gian gần đây đã cho thấy chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa đơn vị tham mưu đề xuất với đơn vị có chức năng kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp. Thứ hai là cần lắm việc triển khai trưng cầu ý kiến của người dân là đối tượng trực tiếp thực thi những quy định ấy. Nếu không, nó chỉ mang lại sự phiền toái, mệt mỏi và tốn kém tiền từ chính tiền thuế của dân.

Làm chuyện “trên trời”?

Chúng tôi là doanh nghiệp rất đồng tình ủng hộ những phê phán của luật sư Trần Hồng Phong. Đúng quả là không sai chút nào khi ông bà ta vẫn thường nói “nhàn cư vi bất thiện” đối với những người làm ra những văn bản kiểu này. Quá xa rời cuộc sống. Sao ăn lương của dân mà đi làm chuyện trên trời như vậy?

Do chưa xử nghiêm

Tôi nghĩ không riêng gì nghị định 145/2013 xa rời cuộc sống đâu, nhiều thông tư, nghị định ban hành ra tốn kém rồi lại bỏ. Ví dụ như yêu cầu điền tên bố, mẹ vào chứng minh nhân dân, chẳng ra làm sao cả nhưng cứ ban hành, rồi lại bỏ. Nguyên nhân chính là người tham mưu ra những điều vô lý đó chẳng sao cả.

Phải chế tài

Các kiểu quy định trời ơi thế này cần phải quy ra thành tiền, cụ thể: từ lúc nó sinh ra đến lúc bị bỏ đi tốn kém bao nhiêu tiền của (thời gian nghĩ ra nó, in ấn, họp hành, triển khai thực hiện...). Khoản tiền đó phải trừ vào túi những người tham mưu, soạn thảo các văn bản này. Có thế các ông mới chịu suy nghĩ thấu đáo, thiệt hơn chứ không chỉ nhắm mắt gật gù nghe theo các quân sư quạt giấy. Nếu không có những chế tài mạnh mẽ như vậy, chắc chắn sẽ còn có thêm nhiều quy định “trời ơi” kiểu chứng minh nhân dân ghi tên bố mẹ, ngực lép không được lái xe...

NGỌC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp