10/06/2015 09:26 GMT+7

​Chế tài đối tượng không thực hiện kết luận giám sát

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Chiều 9-6, thảo luận dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, đa số đại biểu đề nghị quy định chế tài, xử lý các đối tượng không thực hiện nghị quyết, kiến nghị, kết luận giám sát.

Quy định này được đề nghị nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác này.

“Vấn đề được đặt ra đối với hoạt động giám sát là lĩnh vực giám sát có được cử tri quan tâm hay không? Chất lượng các cuộc giám sát như thế nào? Có phản ảnh trung thực, khách quan thực tế cuộc sống hay không? Có nêu đích danh chịu trách nhiệm trước những tồn tại, hạn chế là ai? Hiệu quả, hiệu lực pháp lý của hoạt động giám sát thế nào? Các kiến nghị của hoạt động giám sát có được thực hiện nghiêm hay không?” - đại biểu Lê Văn Tân (Hà Nam) đặt hàng loạt câu hỏi. 

Ông Tân cho rằng thực tế nhiều cuộc giám sát của Quốc hội, HĐND chọn trúng vấn đề bức xúc, đưa ra nhiều kiến nghị, kết luận đúng tình hình nhưng hiệu lực, hiệu quả chưa được như mong muốn.

“Còn nhiều kiến nghị được chủ thể giám sát kết luận nhưng các cấp, các ngành thực hiện chậm, không biết đến bao giờ mới xong mà không ai chịu trách nhiệm. Ví dụ sau khi giám sát, Quốc hội kết luận ô nhiễm môi trường ở làng nghề là nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân, yêu cầu phải có biện pháp để khắc phục, nhưng tình trạng ô nhiễm lại ngày càng nặng hơn” - ông Tân nêu ví dụ.

Đại biểu Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) đề nghị quy định các kế hoạch giám sát phải được công bố công khai, sẵn sàng tiếp nhận kiến nghị của người dân để cơ quan giám sát có nhiều thông tin hơn, tiến hành cuộc giám sát tốt hơn.

“Cần quy định cụ thể hơn về hậu quả pháp lý của hoạt động giám sát. Mọi cuộc giám sát phải có kết luận giám sát, trong đó nêu rõ mặt làm được, chưa làm được của đối tượng chịu sự giám sát, nêu lên trách nhiệm về những hạn chế, chưa làm được, đồng thời nêu lên những kiến nghị yêu cầu đối tượng chịu sự giám sát phải thực hiện” - bà Hoa đề nghị. 

Bên cạnh đó, đại biểu Hoa cũng đề nghị có biện pháp chế tài nếu các đối tượng có liên quan từ chối tham gia phiên chất vấn, giải trình để cung cấp thông tin, đối chất, làm rõ vấn đề. Trong khi đó, đại biểu Lù Thị Lừu (Lào Cai) đề nghị dự luật “quy định rõ trách nhiệm thực hiện các kiến nghị, kết luận giám sát và đối tượng chịu sự giám sát phải báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện cho chủ thể có quyền giám sát”.

“Nếu tổ chức, đơn vị, cá nhân chịu sự giám sát thiếu trách nhiệm, chưa thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm các nghị quyết, kết luận, kiến nghị thì đòi hỏi chủ thể giám sát phải có trách nhiệm kiến nghị với cấp có thẩm quyền trực tiếp xem xét, xử lý. Do đó, tôi đề nghị ban soạn thảo dự án luật nghiên cứu, bổ sung hình thức tái giám sát và quy định trình tự, thời gian thực hiện tái giám sát” - đại biểu Trương Thị Ánh (TP.HCM) nói.

Quốc hội sẽ họp 3 kỳ trong năm 2016

Khác với chương trình làm việc thông lệ hằng năm, ông Nguyễn Hạnh Phúc, chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết năm 2016 Quốc hội sẽ có ba kỳ họp. 

- Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII diễn ra khoảng 10 ngày vào cuối tháng 3-2016, sẽ tập trung vào việc tổng kết công tác cả nhiệm kỳ; thực hiện giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021.

- Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, diễn ra khoảng 20 ngày vào cuối tháng 7-2016, chủ yếu tập trung làm công tác tổ chức bộ máy và nhân sự cấp cao của các cơ quan nhà nước; xem xét báo cáo về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021.

- Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV diễn ra cuối tháng 10-2016, tập trung vào các nội dung chính là kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng và hoạt động giám sát.  

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp