Tôi có thỏa thuận và ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) có thời hạn 2 năm với mức lương 1.255.500 đ/tháng và được cộng thêm 17% BHXH vào lương là 213.435 đ/tháng, tổng cộng là 1.468.935 đ/tháng. Xin hỏi khi hết hạn HĐ, tôi sẽ được tính trợ cấp thôi việc căn cứ mức lương nào? Tôi được hưởng trợ cấp 1 tháng lương hay ít hơn (vì tôi làm việc bán thời gian)? Chế độ nghỉ phép năm là bao nhiêu ngày theo Luật Lao động?
* Tôi có con và cháu đang ở độ tuổi lao động cũng đi làm dạng bán thời gian tại các doanh nghiệp tư nhân với các trường hợp sau: 1/ Đã tham gia BHXH ở nơi làm việc chính và có ký HĐLĐ làm thêm ngoài giờ với doanh nghiệp tư nhân khác vào những thời gian rảnh rỗi khoảng 4 giờ/ngày (26 ngày/tháng); 2/ Chỉ làm việc với 1 doanh nghiệp tư nhân và có tham gia BHXH tại doanh nghiệp đó. Thời gian làm việc khoảng 4 giờ/ngày (26 ngày/tháng).
Đối với trường hợp 1, khi thanh toán lương có được trả thêm 17% BHXH vào lương không? Nếu làm bán thời gian thì chế độ nghỉ phép năm có được tính bằng như người LĐ làm việc 8 giờ/ngày không?
Trường hợp người lao động mới ký HĐLĐ và tham gia BHXH được 4 tháng thì nghỉ thai sản, vậy có được chế độ gì từ người sử dụng lao động không?
Tất cả các trường hợp trên khi cả hai bên đồng ý chấm dứt HĐ có được hưởng trợ cấp thôi việc không và cách tính thế nào là đúng với Luật Lao động? (Hoàng Thị Sâm)
- Tư vấn của Việc Làm Online:
Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 114/2002/NĐ-CP ngày 31-12-2002 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động (BLLĐ) về tiền lương thì tiền lương làm căn cứ tính các chế độ trợ cấp thôi việc là tiền lương theo hợp đồng lao động, được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi sự việc xảy ra, gồm tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp khu vực, phụ cấp chức vụ (nếu có).
Bên cạnh đó, khoản 2 mục II Thông tư 21/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22-9-2003 của Bộ LĐ-TB&XH Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 9-5-2003 của Chính phủ về HĐLĐ có quy định: HĐLĐ với người đã nghỉ hưu đang hưởng lương BHXH hàng tháng và người làm việc có thời hạn dưới 3 tháng thì ngoài tiền lương theo cấp bậc công việc, người lao động còn được người sử dụng lao động thanh toán các khoản sau: BHXH; Bảo hiểm Y tế (BHYT); Nghỉ hàng năm; Tiền tàu xe đi lại khi nghỉ phép do hai bên thỏa thuận.
Hơn nữa, Luật Lao động nước ta cũng không có quy định số giờ làm việc tối thiểu mà chỉ hạn chế số giờ làm việc tối đa (Điều 68 BLLĐ). Vì vậy tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc khi bạn chấm dứt HĐLĐ của bạn là mức lương 1.255.500 đ/tháng - là mức lương bạn ký trong HĐLĐ.
Về các chế độ mà bạn được hưởng, khi đã nghỉ hưu, nếu làm việc theo HĐLĐ mới thì ngoài quyền lợi theo chế độ hưu trí, bạn vẫn được hưởng quyền lợi đã thỏa thuận theo HĐLĐ (khoản 2 Điều 124 BLLĐ). Do đó, chế độ nghỉ phép năm mà bạn được hưởng cũng giống như những người lao động khác (bạn có thể tham khảo thông tin về thời gian nghỉ phép năm tại đây).
Đối với trường hợp người lao động đã tham gia BHXH ở nơi làm việc chính và có ký thêm HĐLĐ với doanh nghiệp khác, theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 44/2003/NĐ-CP ngày 9-5-2003 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLLĐ thì chỉ đối với những HĐLĐ ký với người đã nghỉ hưu, người làm công việc có thời hạn dưới 3 tháng thì khoản BHXH, BHYT, tiền tàu xe, nghỉ hàng năm mới được tính gộp vào tiền lương hoặc tiền công của người lao động.
Về câu hỏi chế độ nghỉ phép năm của người làm việc bán thời gian có giống như những người lao động làm việc 8giờ/ngày không, như đã trình bày ở trên, Luật Lao động nước ta không có quy định về mức thời gian tối thiểu khi ký HĐLĐ. Vì vậy, các chế độ mà người lao động bán thời gian được hưởng cũng giống như những người lao động làm việc đủ 8giờ/ngày.
Đối với trường hợp người lao động nữ mới ký HĐLĐ và tham gia BHXH được 4 tháng thì không được hưởng chế độ thai sản theo quy định của Luật BHXH (như: thời gian hưởng chế độ khi khám thai; thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu; Thời gian hưởng chế độ khi sinh con; Trợ cấp 1 lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi…).
Cụ thể, tại khoản1 Điều 14 Nghị định 152/2006/NĐ-CP ngày 22-12-2006 của Chính phủ Hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc: “Lao động nữ sinh con và người lao động nhận nuôi dưới 4 tháng tuổi phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi”.
Mặc dù không được hưởng chế độ thai sản theo quy định của Luật BHXH nhưng trong thời gian nghỉ thai sản, ngoài việc được nghỉ trước và sau khi sinh con, cộng lại từ 4 đến 6 tháng, khi hết thời gian nghỉ thai sản, người lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương theo thỏa thuận với người sử dụng lao động (Điều 114 BLLĐ).
Ngoài ra, người lao động nữ khi kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi còn được hưởng các quyền lợi khác từ người sử dụng lao động như: Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ, trừ trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động; Người lao động nữ được tạm hoãn việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ, kéo dài thời hiệu xem xét kỷ luật, trừ trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động (Điều 111 BLLĐ).
Khi người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ, nếu người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức từ đủ 12 tháng trở lên, người sử dụng lao động có trách nhiệm trợ cấp thôi việc, cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương, cộng với phụ cấp lương (nếu có) (Điều 36, Điều 42 BLLĐ).
Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề lao động việc làm, kỹ năng nghề nghiệp, quyền lợi của người lao động... bạn đọc có thể gửi về chương trình "Tư vấn việc làm" tại địa chỉ: [email protected]
Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ unicode). Xin chân thành cảm ơn!
KIM NHUNG thực hiện
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận