05/06/2017 17:45 GMT+7

​Chế độ ăn, uống cho người bệnh sốt xuất huyết

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai

Cùng với việc điều trị bằng các đơn thuốc, chế độ ăn, uống đối với người bệnh bị sốt xuất huyết cũng rất quan trọng trong việc hồi phục sức khỏe.

Giai đoạn tiến triển bệnh (sốt)

Giai đoạn này, người bệnh nên ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng từ 4 nhóm thực phẩm cơ bản, bao gồm: nhóm chất bột đường (gạo, ngô, khoai…); nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, đậu đỗ…); nhóm chất béo (dầu, mỡ…) và nhóm vitamin, chất khoáng và chất xơ (rau, củ, quả…). Thức ăn cần được chế biến lỏng, nhuyễn, dễ tiêu như cháo, súp…

Trong bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân có cảm giác mệt mỏi, chán ăn, tình trạng xuất huyết niêm mạc, xuất huyết tiêu hóa làm cho bệnh nhân bị thiếu dinh dưỡng, thiếu máu nghiêm trọng.

Do đó, cần tăng cường các thực phẩm cung cấp chất đạm, như trứng, sữa, cá, thịt gà… giúp bệnh nhân chống lại vi rút sốt xuất huyết. Protein được đưa vào chế độ ăn uống sẽ giảm sốt từ từ và giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng, đồng thời bổ sung các chất dinh dưỡng cho cơ thể bị mất khi bị bệnh.

Khi sốt xuất huyết, bệnh nhân bị mất nước, cùng với triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, kém uống lại càng gây mất nước thêm. Vì vậy, điều tối quan trọng trong chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết là phải cho bệnh nhân uống thật nhiều nước (mỗi lần vài ngụm, uống liên tục trong ngày).

Đối với trẻ nhỏ hơn 5 tuổi uống 500 – 1500 ml/ngày; trẻ nhỏ lớn hơn 5 tuổi: 2000 - 2500 ml/ngày; người lớn: 2500 – 3000 ml/ngày. Có thể sử dụng tất cả các loại nước: nước suối, nước đun sôi để nguội, nước cam, nước chanh, nước dừa, nước ép rau củ, trái cây, Oresol...

Nếu trong trường hợp người bệnh bị nôn ói, ói nhiều thì phải dùng Oresol để bù nước và chất điện giải. Việc bù đủ nước là vô cùng cần thiết, người bệnh có thể dùng trà thảo dược, trà gừng có tác dụng giảm sốt; nước chanh có nhiều vitamin C, giúp loại bỏ độc tố vi rút ra khỏi cơ thể; nước dừa bổ sung chất điện giải, chất khoáng bị mất do cơ thể bị mất nước; nước ép rau củ, nước ép trái cây nhằm cung cấp dinh dưỡng cơ bản, giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng.

Ngoài ra, cần bổ sung thêm nhiều vitamin C để tăng cường hệ miễn dịch, tăng sức bền thành mạch, giảm tình trạng xuất huyết. Người bệnh có thể ăn các loại trái cây giàu vitamin C như: dâu tây, ổi, kiwi, đu đủ, cam…, bởi vitamin C cũng có ảnh hưởng trực tiếp lên các vi khuẩn, vi rút hoặc ăn các loại rau xanh giúp sản xuất các tế bào lympho.

Một điều đặc biệt mà người bệnh nên chú ý, do đặc thù của bệnh sốt xuất huyết là rất dễ xảy ra tình trạng xuất huyết nên cần tránh những thức ăn, uống có màu đỏ, nâu, đen trong suốt giai đoạn theo dõi bệnh, như các thực phẩm: xá xị, coca, nước trái cây sẫm màu, canh củ dền, dưa hấu, huyết heo, huyết vịt… Mục đích là để không bị nhầm lẫn, có thể nhận biết dễ dàng bệnh nhân có bị xuất huyết tiêu hóa hay không. Không nên ăn những chất quá nhiều dầu mỡ sẽ gây đầy bụng, khó tiêu.

Không nên kiêng khem quá mức, mà nên ăn những thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và nên chọn những thức ăn mà bệnh nhân thích để tránh tình trạng chán ăn.

Giai đoạn phục hồi

Ở giai đoạn này người bệnh cần bổ sung dinh dưỡng để mau phục hồi lại sức khỏe. Dùng được tất cả các loại thực phẩm đã kể trên, kể cả những thực phẩm không nên dùng ở giai đoạn đang sốt. Nhưng cần chế biến thức ăn ở dạng đặc để tăng độ đậm đặc năng lượng.

Nếu người bệnh chưa ăn được nhiều nên bổ sung thêm 2 đến 3 ly sữa mỗi ngày, cũng nên chú ý rau xanh và trái cây trong bữa ăn để bổ sung vitamin và khoáng chất.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp