Bảo Ngọc (24 tuổi, ở quận 6, TP.HCM) cho biết cô vốn không rành đường sá, nên thường sử dụng Google Maps để xem hướng dẫn đường đi.
Cách đây một năm, trong một buổi tối dừng xe ở đường Võ Văn Kiệt (quận 5) xem đường, cô bị hai thanh niên đi chung một xe máy chạy từ phía sau lên áp sát rồi giật phăng chiếc điện thoại chạy mất.
Đeo tai nghe chạy xe, coi chừng hậu quả
"Thôi thì coi như của đi thay người, chứ khả năng kiếm lại được gần như không có", Ngọc nói. Sau đó, cô phải vay mượn người thân để mua một chiếc điện thoại iPhone mới kèm tai nghe không dây cùng hãng để tiện sử dụng cho việc nghe gọi điện thoại và nghe chỉ đường khi chạy xe.
Nếu chạy đường xa như về quê hay đi phượt, cô còn dùng Airpods để nghe nhạc cho đỡ buồn ngủ. "Tôi mở âm lượng vừa phải để vẫn nghe được người ngồi sau nói chuyện, hoặc nghe tiếng còi xe".
Tai nghe (có dây và không dây) là thiết bị âm thanh phổ biến được nhiều người sử dụng trong điều kiện cho phép vì tính tiện lợi. Tuy nhiên, hiện nay không ít người trẻ tuổi đeo tai nghe khi chạy xe máy trên đường, mục đích chủ yếu để nghe điện thoại, nghe chỉ đường từ Google Maps và kể cả… nghe nhạc.
Việc sử dụng tai nghe khi điều khiển xe máy sẽ dẫn đến mất tập trung, giảm sự chú ý, khó nghe được tín hiệu giao thông từ còi xe khác, và tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. Ngoài ra, đây còn là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt.
Trên các hội nhóm mạng xã hội, một số người cũng bức xúc khi chứng kiến nhiều người trẻ (kể cả một số tài xế xe công nghệ, shipper) đeo tai nghe mọi lúc mọi nơi, nhất là khi tham gia giao thông.
Anh Phạm Thanh Toàn (ngụ Hóc Môn) đến giờ vẫn khó chịu và dị ứng với người đeo tai phone khi chạy xe trên đường.
Anh kể, trong lần về quê ở An Giang hồi trước Tết từng va chạm xe với một nam thanh niên khi anh bấm còi báo hiệu trong lúc băng qua một ngã tư không có đèn giao thông.
Lúc hai xe đụng nhau, anh Toàn mới biết người kia đang đeo tai phone nghe nhạc nên không nghe thấy tiếng còi xe của anh. May mắn, cả hai chỉ xây xát nhẹ.
Với Bảo Ngọc, cô cho hay mình biết việc đeo tai nghe khi chạy xe máy là phạm luật, thậm chí còn giảm thính lực, ảnh hưởng khả năng nghe của đôi tai nếu sử dụng thường xuyên và lâu dài. Nhưng nỗi sợ bị giật mất điện thoại vẫn còn khiến Ngọc chưa thể từ bỏ thói quen này. "Nhưng tôi cũng sợ có ngày sẽ bị công an giao thông bắt và xử phạt", cô cho hay.
Luật xử phạt thế nào?
Theo điểm c, khoản 3, điều 30 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh (như tai nghe, loa…), trừ thiết bị trợ thính.
Do đó, hành vi đeo tai nghe (dù bất kỳ lý do gì) khi đang điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy bị xem là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt.
Cụ thể, tại điểm H, khoản 4, điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 800.000 - 1 triệu đồng đối với người sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh.
Ngoài phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng (theo điểm b, khoản 10, điều 6 nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Đối với xe ô tô, nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi nghị định 123/2021/NĐ-CP không có quy định xử phạt đối với người điều khiển ô tô sử dụng tai nghe hay thiết bị âm thanh khi tham gia giao thông.
Vậy nên việc sử dụng tai nghe khi lái ô tô không bị xem là hành vi vi phạm pháp luật, và người điều khiển sẽ không bị xử phạt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận