Hàng tiêu dùng công nghệ luôn thu hút người dùng “vung tay chi tiền” Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trong các nhóm ngành hàng điện tử, viễn thông, điện gia dụng, điện lạnh và kỹ thuật số, mức chi dành cho các sản phẩm có nhiều tính năng, sở hữu công nghệ "độc, lạ" không chỉ dành riêng cho khách hàng "có điều kiện" mà còn "lây lan" sang cả phân khúc thu nhập trung bình trở xuống.
Quay cuồng với "mua thiếu", "trả góp"
Chật vật "xoay" đủ kiểu để sở hữu chiếc điện thoại thông minh đình đám của thương hiệu S. chưa bao lâu bằng cách trả góp 1,3 triệu đồng/tháng, Đình Cường - nhân viên văn phòng (Q.10, TP.HCM) lại "vật vã" khi thấy hãng điện thoại này ra tung ra mẫu mới với nhiều tính năng sử dụng được quảng cáo đầy hấp dẫn. Không chỉ tìm người bán rẻ lại chiếc phone "mới tậu", Cường suốt ngày lên mạng dò xem cửa hàng nào đang bán trả góp có mức giá tốt nhất để tình nguyện làm "con nợ", cốt sao phải mua cho bằng được phone thì mới yên. "Tôi biết mình có bệnh nghiện mua sắm. Tôi cũng biết với mức thu nhập như hiện giờ thì chi tiêu như vậy là quá tay. Nhưng tôi không bỏ được", anh Cường thừa nhận.
Không lâm vào cảnh phải mua trả góp như anh Cường vì nhà có điều kiện, nhưng anh Lê Hiệp (Q.Phú Nhuận) cũng bị vợ cằn nhằn suốt vì "cái tội" liên tục thay đổi một loạt đồ dùng gia dụng trong nhà mỗi khi thấy có sản phẩm mới ra thị trường. "Vật dụng cần sử dụng thì mua là đúng. Nhưng tôi không hiểu được vừa mua cái máy lọc không khí xong ảnh lại thay thêm cái máy lạnh có tính năng tạo ion, lọc khuẩn. Máy hút bụi đang dùng tốt tự dưng lại sắm mới cái loại sạc không dây, lại tốn thêm một đống tiền nữa", chị vợ anh Hiệp ấm ức "kể tội" chồng.
Theo quan sát "bỏ túi" của ông L.H, phụ trách marketing chuỗi thương hiệu điện máy có quy mô lớn tại TP.HCM, cứ 10 khách hàng đến tìm hiểu hàng điện máy thì quá nửa đó là khách hàng nam giới. Vì là thành phần chi trả chính nên dù thỉnh thoảng có những "hội ý" chớp nhoáng theo hướng tranh cãi, nhưng tỉ lệ "thành công" vẫn từ 70-80% do cánh mày râu dễ bị các sản phẩm có công nghệ mới, tính năng vượt trội thu hút", ông L.H chia sẻ.
“Lúc mua thì hào hứng và thường không tìm hiểu kỹ. Đến khi trả tiền hàng tháng mới thấy giá trị món hàng bỏ ra mua quá cao. Bên cho vay thì luôn chủ động… không cung cấp thông tin đầy đủ, cố tình gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, nên khiếu nại ở lĩnh vực này gia tăng là vậy"
Một chuyên viên chuyên xử lý thông tin khiếu nại - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng
Chi tiêu cần hợp lý
Theo công bố của Công ty nghiên cứu thị trường Gfk VN, chỉ tính trong hai quý đầu năm 2018, doanh thu bán lẻ thị trường hàng công nghệ điện tử VN xấp xỉ 112.000 tỉ đồng, tăng đến 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhóm sản phẩm điện tử có mức tăng "khủng" nhất, đến 38,4%, với quy mô thị trường lên đến hơn 25.000 tỉ đồng. Nhóm sản phẩm điện lạnh dù ‘khiêm tốn" hơn, doanh thu khoảng 20.049 tỉ đồng, nhưng nếu so với nhóm sản phẩm điện thoại di động ở mức gần 52.000 tỉ đồng, thì hai nhóm sản phẩm trên vẫn xếp hàng thua xa về mức chi tiêu mà người Việt đã vung ra thị trường.
Nhiều nghiên cứu về thị hiếu của người tiêu dùng Việt thời gian gần đây cho thấy, nếu tính tổng về mức độ tiết kiệm thì người VN không thua kém gì các nước trong khu vực, "nhưng vẫn rất hào phóng ở một vài hạng mục, đặc biệt trong lĩnh vực sản phẩm công nghệ", một chuyên viên của Kantar Worldpanel VN, công ty chuyên nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, thông tin.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ, việc người tiêu dùng Việt luôn "chạy" theo các sản phẩm công nghệ có giá trị cao, bất chấp các nhà sản xuất luôn sử dụng nhiều "chiêu" hòng kích thích nhu cầu muốn sở hữu ngày càng nhiều thiết bị công nghệ ở các lĩnh vực ngành hàng là có thật. Chính vì vậy, phần lớn các trung tâm kinh doanh sản phẩm điện máy, điện tử hiện nay đều liên kết với các ngân hàng, hoặc công ty tài chính, nhằm mở rộng nhiều dịch vụ cho vay tiêu dùng, cũng chỉ để đáp ứng nhu cầu "nóng sốt" này.
Cho vay tiêu dùng tăng trưởng 20%/năm
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), lĩnh vực cho vay tiêu dùng liên tục có tốc độ tăng trưởng cao trong 10 năm gần đây, trung bình 20%/năm, đạt quy mô 646.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, trong khi các ngân hàng thương mại có mức lãi suất trung bình dao động từ 10-25%/năm thì mức lãi suất của công ty tài chính đối với mua hàng trả góp lên đến 55-84%/năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận