Không cần đến cửa hàng, khỏi phải tay xách nách mang mà hàng lại được giao đến tận nhà. Chưa kể nhiều mức giá cực kỳ ưu đãi, cộng với các chương trình khuyến mãi đa dạng, hấp dẫn như ma trận níu chân khách hàng.
Mà đâu phải bạn nào cũng có kỹ năng quản lý tài chính cá nhân hay biết liệu cơm gắp mắm nên cứ thoải mái chốt đơn, mải mê săn sale đến "cháy túi"!
Hết tiền vì nghiện săn sale
Lê Thị Linh (23 tuổi) đã không ít lần rơi vào tình thế phải mượn nợ bạn bè, gia đình thanh toán các khoản chi. Thừa nhận mình nghiện mua sắm, thói quen này ngốn của Linh mỗi ngày chừng 6 - 8 tiếng lướt điện thoại, tìm đến hết sàn thương mại điện tử này đến các livestream bán hàng khác.
Linh kể đỉnh điểm có những đợt sale đã chốt hơn 20 đơn trong ngày trên nhiều sàn khác nhau.
Sức hấp dẫn của các chương trình khuyến mãi khiến cô không cầm lòng được đã đành, đằng này nhiều khi Linh đặt mua bạt mạng chỉ để giải tỏa căng thẳng. Có những sản phẩm mua về chỉ vì trong đợt giảm giá sâu chứ không mấy khi cô dùng đến.
"Các sàn hay có những chương trình mua kèm với giá tốt hoặc mua đủ số lượng để lấy mã khuyến mãi. Nhiều lúc thấy các món hàng có giá quá tốt nên mình quyết định mua về vì nghĩ cứ từ từ rồi cũng sử dụng nhưng cuối cùng bỏ xó" - cô giải thích.
Với Quỳnh Như (27 tuổi) xu hướng mua hàng ngày càng nhiều hơn từ khi bạn đăng ký phương thức mua trước trả sau. Thậm chí đã có lần vì mua quá tay, Như không thể thanh toán các khoản nợ đành phải vay mượn bạn bè để trả.
"Mình đã rất ngại, quyết tâm chi tiêu nghiêm túc hơn. Từ trải nghiệm cá nhân, đúng là những bạn trẻ kém kỹ năng quản lý tài chính cá nhân phải rất cẩn thận vì hoàn toàn có thể rơi vào cảnh nợ tín dụng với kiểu mua sắm trực tuyến này nếu không tỉnh táo" - Như nói.
Rất cần kỹ năng quản lý tài chính
Như bao bạn trẻ gen Z khác, Thanh Trúc (21 tuổi) nói mình hay nhiều người bạn mình đều rất thích mua hàng trên những trang thương mại điện tử. Một phần đến từ việc người trẻ sử dụng Internet và mạng xã hội quá nhiều. Trúc tự nhận kỹ năng quản lý tài chính cá nhân còn kém. Cho đến khi ba bệnh và cần số tiền lớn để xoay xở nhưng không đủ, bạn mới nhận ra tầm quan trọng của việc tiết kiệm.
"Mình nghĩ nhiều bạn trẻ ở Việt Nam sống chung với cha mẹ thường có kỹ năng quản lý tài chính không tốt. Thường sẽ được phụ huynh hỗ trợ, không phải lo lắng vấn đề cơm áo gạo tiền. Các bạn đồng trang lứa với mình cũng không nhiều người cho rằng cần quản lý chi tiêu lắm đâu nên đôi lúc chi dùng rất vô tư" - Trúc nói.
Tương tự Tường Vy - sinh viên năm cuối Trường ĐH Sài Gòn - cho rằng môi trường và hoàn cảnh có tác động rất lớn đến cách người trẻ chi tiêu và xây dựng kỹ năng quản lý tài chính cá nhân. Vy khoe thói quen tiết kiệm mình học được từ mẹ vì lúc nào mẹ cũng lo vun vén cho gia đình.
Vy cho biết nhiều người bạn mình dù đang học đại học nhưng đã có ý thức để dành tiền cho việc học cao học sau này. "Nhiều bạn được cha mẹ chu cấp, cứ gặp khó về tài chính hay cần mua gì đó đã có phụ huynh hỗ trợ thoạt nhìn có thể thấy sung sướng nhưng thực chất kỹ năng quản lý tài chính sẽ không tốt" - Vy phân tích.
Chính Vy cũng từng cho bạn bè mượn tiền mua đồ rồi khi được cha mẹ cho lại thì trả cô. Không chỉ một mà đã nhiều lần như vậy, các bạn ấy hầu như không tự vun vén chuyện chi tiêu phù hợp với khả năng tài chính hiện có.
Cả Vy và Trúc đều tự đặt cho mình giới hạn khi mua hàng trên các sàn thương mại điện tử. Trúc nói mình thường mua mỹ phẩm, quần áo và đồ gia dụng. Khi không gấp sẽ để các sản phẩm tạm vào giỏ hàng, chờ ngày sale có giá tốt thì mua. Và chỉ mua những thứ cần thiết cũng như cân nhắc rất kỹ các mặt hàng giảm giá nhưng công dụng không nhiều.
Trong khi đó Vy áp dụng nguyên tắc "cái cần sẽ suy nghĩ hai ngày, cái muốn thì cân nhắc hai tuần" như cách trì hoãn khi mua những món đồ không quá cần thiết. "Tiết kiệm nên đôi lúc cũng bứt rứt vì các sàn thường sẽ có nhiều chiến lược kích thích mua sắm. Việc ghi nhớ trong đầu là chỉ bấm nút đặt hàng khi thật sự cần thiết sẽ giúp ích rất nhiều việc kiểm soát chi tiêu của bản thân" - Vy bộc bạch.
Vừa thuận tiện, vừa cám dỗ
Thanh Trúc nói các sàn thương mại điện tử luôn tạo ra cảm giác FOMO (Fear Of Missing Out, tạm dịch: Hội chứng sợ bỏ lỡ) khiến khách hàng rơi vào cảm giác sợ sẽ không còn giá tốt nữa và phải mua ngay thời điểm nhìn thấy sản phẩm.
Theo Tường Vy, giới trẻ dễ bị cuốn hút bởi các voucher giảm giá, miễn phí giao hàng và công khai giá cả trên sàn thương mại điện tử. Với người ít có thời gian ra cửa hàng hoặc ngại trả giá, mua sắm trực tuyến là lựa chọn hữu hiệu.
"Mình thường chỉ chọn đi mua sắm tại cửa hàng khi cần một sản phẩm nào đó rất gấp trong ngày. Còn lại mình sẽ ưu tiên mua trực tuyến vì không chỉ tiện lợi mà còn tránh được tình trạng phải kỳ kèo trả giá, tránh được việc bị nói thách như đi mua hàng ngoài chợ hay các cửa hàng" - Vy nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận