Phóng to |
Chiếc tàu Jeong Woo 2 đã phát tín hiệu cấp cứu vào rạng sáng 11-1 |
Phóng to |
Bản đồ khu vực biển Ross nơi chiếc tàu Jeong Woo 2 gặp nạn |
“Ba thủy thủ Việt Nam mất tích có khả năng đã thiệt mạng. Cả ba đang ngủ trong khoang tàu khi lửa bùng lên” - Hãng tin Yonhap dẫn lời lãnh sự Hàn Quốc tại New Zealand Woo Suk Dong cho biết. Trên tàu có 40 thuyền viên, thông tin từ phía Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết trong đó có 23 thuyền viên người Việt, số còn lại là người Hàn Quốc, Indonesia, Trung Quốc và Nga. 37 người đã được cứu và hiện đội cứu hộ vẫn ra sức tìm kiếm những người mất tích. Ngoài ba thuyền viên mất tích, còn có bốn thuyền viên Việt Nam bị thương.
Chạy đua giải cứu tàu Jeong Woo 2
Theo Trung tâm Điều phối cứu hộ của New Zealand (RCCNZ), con tàu Jeong Woo 2 phát tín hiệu cấp cứu vào lúc 3g sáng từ vùng biển Ross, cách New Zealand khoảng 3.700km về phía đông nam, cách căn cứ Nam Cực McMurdo của Mỹ gần 600km. The Washington Post cho biết hai con tàu khác của Hàn Quốc là Jeong Woo 3 và Hong Jin 707 bắt được tín hiệu và có mặt sau ba giờ để cứu các thuyền viên.
Trước khi đội cứu hộ đến, 25 thủy thủ đã di tản xuống các thuyền cứu hộ, 12 người khác ở lại trên tàu chờ do các thuyền cứu hộ đã bị lửa thiêu rụi. Trong số các thuyền viên được giải cứu, kênh TVNZ của New Zealand đưa tin bảy thuyền viên bị thương có hai người bị phỏng nặng.
Dave Wilson, một quan chức của RCCNZ, cho biết đám cháy được báo cáo là “vượt quá tầm kiểm soát” nhưng vẫn chưa xác định được nguyên do. Rất có thể ngọn lửa xuất phát từ khu vực dành cho thủy thủ ở trên tàu. Đến cuối ngày 11-1, lửa trên tàu vẫn chưa được dập tắt và con tàu bắt đầu chìm.
Tàu Jeong Woo 2 dài 51m, thuộc sở hữu của Tập đoàn Sunwoo, được đóng năm 1985 tại Nhật và được đăng ký ở Busan, Hàn Quốc. Tàu đang đánh bắt toothfish (còn gọi là cá mú Chile, được mệnh danh là “vàng trắng” ở vùng biển phía nam), cá đuối và cua tại vùng biển Nam Cực. Tàu Jeong Woo 2 có tổng trọng lượng lên đến 489 tấn với sức chuyên chở lên đến 2.749 tấn.
Phóng to |
Bà Nguyễn Thị Ơn bật khóc khi nghe tin con trai là thuyền viên Nguyễn Chí Công bị phỏng - Ảnh: V.Toàn |
Chưa rõ số phận thủy thủ Việt Nam
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 11-1, ông Geoff Lunt, trưởng nhóm giám sát - điều phối viên tìm kiếm và giải cứu của RCCNZ, cũng xác nhận: “RCCNZ đang điều phối chiến dịch tìm kiếm và giải cứu người mất tích”.
Tàu nghiên cứu Nathaniel B Palmer của Mỹ cũng đã đến khu vực tàu bị nạn vào chiều 11-1. Bảy thuyền viên bị thương đã được chuyển lên tàu Nathaniel B Palmer đến căn cứ McMurdo của Mỹ điều trị thêm trước khi đưa về New Zealand. Một tàu nghiên cứu khác của Hàn Quốc là Araon đang trên đường đến hỗ trợ và dự kiến đến khu vực tàu bị nạn vào 0g30 ngày 12-1 giờ New Zealand.
Đây không phải là vụ đắm tàu đầu tiên xảy ra tại vùng biển Nam Cực. Tháng 12-2010, một tàu đánh bắt cá Hàn Quốc chở theo đoàn thủy thủ Việt Nam cũng gặp nạn tại khu vực này khiến 22 người thiệt mạng.
Phóng to |
Ảnh thuyền viên mất tích Đặng Ngọc Quảng và vợ trong ngày cưới - Ảnh: gia đình cung cấp |
Nỗi đau ở quê nhà
Công ty Inmasco (công ty cung ứng lao động quốc tế và dịch vụ, thuộc Cienco 1) xác nhận trên tàu này có 13 thuyền viên của Inmasco (bốn thuyền viên người Quảng Bình và chín thuyền viên người Hà Tĩnh). Một trong ba thuyền viên bị nghi mất tích là anh Đặng Ngọc Quảng (27 tuổi, quê Kỳ Trung, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và hai thuyền viên bị phỏng gồm Ngô Văn Sĩ (33 tuổi, Kỳ Hà, Kỳ Anh) và Nguyễn Chí Công (22 tuổi, Kỳ Trung, Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Còn Công ty cổ phần phát triển nguồn nhân lực Lod cho biết có mười thuyền viên làm việc trên tàu Jeong Woo 2. Trong đó, hai thuyền viên có thể đã mất tích là Nguyễn Văn Sơn (23 tuổi) và Nguyễn Văn Đông (32 tuổi, cùng quê Nghệ An). Ngoài ra còn có hai người khác bị thương.
Tối 11-1, tại nhà ông bà Đặng Đình Ninh và Trần Thị Nhuận (thôn Tây Sơn, xã Kỳ Trung, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, bố mẹ thuyền viên Đặng Ngọc Quảng bị mất tích trên tàu Jeong Woo 2) bao trùm không khí tang thương bởi tiếng khóc. Chị Trần Thị Tứ (vợ anh Quảng) ôm con gái 18 tháng tuổi nức nở trước tin chồng gặp nạn. Bà Nguyễn Thị Ơn - mẹ của thuyền viên Nguyễn Chí Công - cũng chạy sang cùng khóc khi biết con mình bị phỏng.
Ông Nguyễn Đình Thân, thôn trưởng, cho biết gia đình hai thủy thủ này đều làm nghề nông, là hộ nghèo của xã. Anh Quảng, anh Công là hai anh em kết nghĩa và đều là con thứ ba trong gia đình sáu anh em. Anh Quảng đi biển theo tàu Đài Loan mới về được bốn tháng thì tiếp tục đi biển theo tàu Hàn Quốc. Còn anh Công lần đầu tiên đi theo tàu nước ngoài.
Hàng trăm người dân thôn Tây Sơn vây chật ngôi nhà nhỏ chia sẻ nỗi đau với người thân của các thuyền viên gặp nạn.
Các thuyền viên đều được mua bảo hiểm Ông Đỗ Hoàng Lê, trưởng phòng Hàn Quốc của Công ty Inmasco, cho biết 13 thuyền viên của công ty nói trên xuất cảnh thành hai đợt: bốn thuyền viên người Quảng Bình xuất cảnh ngày 12-7-2011, chín thuyền viên người Hà Tĩnh xuất cảnh ngày 5-11-2011. Các thuyền viên này đều được công ty mua bảo hiểm tại Việt Nam, nếu bị mất tích sẽ được bảo hiểm bồi thường 16.000 USD, còn người bị thương tùy vào mức độ sẽ được bồi thường. Ông Lê cũng cho biết các thuyền viên trên đi theo hợp đồng hai năm với mức lương từ 220 USD/tháng trở lên. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận