05/10/2019 08:32 GMT+7

Cháy rừng Indonesia cũng không ô nhiễm bằng Hà Nội: cần giám sát không khí toàn diện

HỒNG VÂN thực hiện
HỒNG VÂN thực hiện

TTO - Với lượng bụi siêu mịn PM2.5 trung bình hằng năm, Hà Nội là thành phố ô nhiễm PM2.5 cao thứ hai ở Đông Nam Á. Cháy rừng ở Indonesia hiện nay cũng như khu vực bắc Ấn Độ cũng không ô nhiễm bằng!

Cháy rừng Indonesia cũng không ô nhiễm bằng Hà Nội: cần giám sát không khí toàn diện - Ảnh 1.

Người dân nín thở khi đi trên đại lộ Thăng Long, Hà Nội đầy bụi, nơi có nhiều công trình xây dựng đang thực hiện - Ảnh: NAM TRẦN

Trước các ý kiến nghi ngờ về số liệu quan trắc ô nhiễm, ông Lauri Myllyvirta, chuyên gia phân tích Phòng ô nhiễm không khí (Tổ chức Hòa bình xanh - Greenpeace) chia sẻ thông tin trên và cho rằng Việt Nam cần đầu tư hệ thống giám sát chất lượng không khí toàn diện. Ông nói:

- Để giám sát chất lượng không khí một cách chặt chẽ, khoa học, chúng ta cần thiết lập một hệ thống hay mạng lưới các điểm quan trắc trên cả nước với độ bao phủ tốt, mọi người đều có thể truy cập dữ liệu chất lượng không khí ở khu vực mình quan tâm.

“Cần theo dõi không chỉ riêng bụi siêu mịn PM2.5. Dữ liệu phải được cập nhật theo thời gian thực để mọi người có thể chuẩn bị và quyết định các biện pháp bảo vệ sức khỏe.

Ông Lauri Myllyvirta

"Số liệu không biết nói dối"

* Một số người cho rằng chỉ số ô nhiễm không khí của ứng dụng AirVisual là không đáng tin cậy vì theo lẽ thường, tại những khu vực đang xảy ra cháy rừng, không khí phải ô nhiễm hơn Hà Nội hoặc TP.HCM?

- Các chỉ số ô nhiễm không khí trên AirVisual chỉ giới hạn ở những vị trí có thể đặt thiết bị quan trắc.

AirVisual đã cố gắng tăng cường độ bao phủ về dữ liệu bằng các thiết bị quan trắc chất lượng không khí qua vệ tinh. Những con số không biết nói dối.

Dựa vào dữ liệu, chúng ta thấy đa số các khu vực bị ảnh hưởng bởi cháy rừng ở Indonesia hiện nay cũng như khu vực bắc Ấn Độ với mức ô nhiễm không khí cao nhất trên toàn cầu ở thời điểm này cũng không ô nhiễm bằng Hà Nội.

Điều này dĩ nhiên sẽ thay đổi phụ thuộc vào các mô hình khí hậu và theo mùa, nhưng tình hình hiện nay là vậy.

Dữ liệu của chúng tôi và của AirVisual đều ghi nhận: với lượng bụi siêu mịn PM2.5 trung bình hằng năm, Hà Nội là thành phố ô nhiễm PM2.5 cao thứ hai ở Đông Nam Á.

* Kết quả cảnh báo chất lượng không khí của AirVisual được tổng hợp thế nào? Đâu là cách tốt nhất để quan trắc chất lượng không khí của một quốc gia, thưa ông?

- Các chỉ số cảnh báo chất lượng không khí của ứng dụng AirVisual được tổng hợp từ nhiều nguồn dữ liệu.

Đáng tin cậy nhất là các thiết bị quan trắc cao cấp của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM. Hầu hết các dữ liệu khác được tổng hợp từ các thiết bị quan trắc không khí giá rẻ AirVisual bán ra.

Trong giai đoạn bầu trời ở Hà Nội và TP.HCM mờ mịt như có sương mù giăng gần đây, đối chiếu chỉ số chất lượng không khí của AirVisual và của Đại sứ quán Mỹ, chúng ta thấy các chỉ số rất thống nhất.

Phải theo dõi tất cả các chất gây ô nhiễm chính, không giới hạn ở chỉ số bụi siêu mịn PM2.5.

Dữ liệu phải được cập nhật theo thời gian thực để mọi người có thể chuẩn bị và quyết định các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho bản thân.

Cháy rừng Indonesia cũng không ô nhiễm bằng Hà Nội: cần giám sát không khí toàn diện - Ảnh 3.

Ông Lauri Myllyvirta

Cần tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn

* Việc giảm thiểu ô nhiễm không khí, đặc biệt là bụi siêu mịn PM2.5, theo ông, biện pháp căn cơ là gì?

- Giải pháp chính là giảm phát thải các chất gây ô nhiễm góp phần tạo ra các đợt ô nhiễm bụi siêu mịn PM2.5, bao gồm các hạt bụi mịn, các hợp chất SO2 và NOx.

Chính quyền có thể yêu cầu các nhà máy điện, xưởng sản xuất và phương tiện giao thông tuân thủ các tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt hơn.

Người dân có thể giảm việc đốt than, tiêu thụ xăng dầu và khí đốt - những yếu tố chịu trách nhiệm cho phần lớn lượng phát thải ô nhiễm - bằng cách chuyển sang các nguồn năng lượng sạch.

Theo tôi, một nguồn phát thải chính ở Việt Nam là đốt sinh khối (vật liệu sinh học có nguồn gốc thực vật) và chất thải từ trồng trọt của nông dân và hộ gia đình.

Vận động người dân chuyển sang sử dụng điện và nhiên liệu sạch, chuyển đổi sang các hoạt động nông nghiệp không cần đốt đồng là cần thiết để giải quyết các nguồn gây ô nhiễm này.

Quan trọng là giải pháp dài hạn

* Thưa ông, kinh nghiệm các chính phủ cần hành động ra sao để chống lại ô nhiễm không khí?

- Quan trọng nhất là giải pháp dài hạn. Việt Nam cần giảm phát thải. Nhiều nước đã xây dựng được kế hoạch hành động khẩn cấp để đối phó khi các điều kiện thời tiết làm xuất hiện các đợt ô nhiễm dạng sương mù quang hóa, như: hạn chế hoạt động của các nhà máy, giảm sử dụng xe cá nhân hoặc đốt sinh khối, vật liệu cháy ngoài trời.

Chính quyền cần nhận thấy sự cấp thiết phải có một hệ thống giám sát chất lượng không khí toàn diện, cung cấp dữ liệu theo thời gian thực ở nhiều nơi.

* Chất lượng không khí là một vấn đề xuyên biên giới. Làm sao chúng ta có thể hi vọng vào một giải pháp toàn diện?

- Sự thật là người nào sống gần nguồn phát thải là người bị ảnh hưởng nhiều nhất vì ô nhiễm. Tôi cho rằng họ sẽ là những người có động lực lớn nhất để hành động. Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm từ nước khác.

Nhưng ô nhiễm không khí của Việt Nam, nếu mạnh, cũng ảnh hưởng sang các nước xung quanh.

Có hệ thống giám sát chất lượng không khí toàn diện và quản lý chặt chẽ chất lượng không khí tại chỗ là cơ sở để một quốc gia có thể yêu cầu các nước láng giềng hành động về ô nhiễm không khí.

Người dân nên chủ động

Theo ông Lauri Myllyvirta, ô nhiễm không khí cao đồng nghĩa với hàng loạt rủi ro về sức khỏe - từ các bệnh phổi, tim, hen suyễn ở người đã có bệnh đến khả năng tăng nguy cơ nhiễm bệnh đường hô hấp và các bệnh mãn tính.

Hãy đeo khẩu trang loại tốt để hạn chế ảnh hưởng sức khỏe của ô nhiễm không khí, sử dụng máy lọc không khí tại nhà, văn phòng và trường học, cân nhắc tập thể dục trong không gian bớt ô nhiễm hơn (như trong nhà)...

Người sống ở các khu vực thiếu giám sát chất lượng không khí nên cân nhắc đầu tư thiết bị theo dõi chất lượng không khí giá rẻ, hợp túi tiền để biết thông tin và quyết định khi nào nên có hành động bảo vệ sức khỏe của mình.

Ô nhiễm khói bụi từ quán nướng, xe cộ, công trình xây dựng... bủa vây TP.HCM Ô nhiễm khói bụi từ quán nướng, xe cộ, công trình xây dựng... bủa vây TP.HCM

TTO - Xây dựng, xe cộ đi lại, thậm chí nấu nướng... Tại TP.HCM, mỗi ngày có đủ loại khói bụi xả thẳng ra đường phố khiến bầu không khí ngày càng trở nên ô nhiễm trầm trọng.

HỒNG VÂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp