25/08/2019 09:52 GMT+7

Cháy rừng Amazon hâm nóng G7 ở Pháp

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang phải vật lộn đọc vị các nhà lãnh đạo trong lúc mong muốn Hội nghị thượng đỉnh G7 do Pháp tổ chức có thể đưa ra những thông điệp ý nghĩa về bất bình đẳng toàn cầu, thương mại và biến đổi khí hậu.

Cháy rừng Amazon hâm nóng G7 ở Pháp - Ảnh 1.

Những gì còn sót lại của một khu vực thuộc rừng Amazon sau đám cháy trong bức ảnh chụp ngày 23-8 - Ảnh: REUTERS

Sẽ không có G5 + 2", một nhà ngoại giao cấp cao của G7 nói về khả năng Mỹ sẽ bắt tay Anh thao túng hội nghị G7 lần này ở Pháp.

Các nhà lãnh đạo G7 và một số nước khách mời đã tề tựu tại thị trấn Biarritz bên bờ Đại Tây Dương cho cuộc họp 3 ngày từ 24-8. Đây là lần thứ 7 Pháp là nước chủ nhà G7.

Sau thất bại của hội nghị G7 năm ngoái ở Canada, với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối ký vào thông cáo chung, ông Macron dường như đã nghiệm ra được nhiều điều.

Châu Âu muốn họp khẩn về Amazon

Trong khi chính quyền Trump đã bắn tín hiệu rất rõ sẽ chỉ tập trung vào các vấn đề kinh tế, các thành viên châu Âu của G7 lại muốn có nhiều thời lượng hơn để bàn về cuộc khủng hoảng cháy rừng Amazon của Brazil.

Là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, vụ cháy rừng tồi tệ ở Amazon đang thu hút sự chú ý toàn cầu trong lúc Brazil chỉ trích các nước khác can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.

Trả lời phỏng vấn báo giới tối 23-8 (giờ địa phương), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định sẽ đưa vấn đề cháy rừng lên ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự, nhấn mạnh một sự "diệt chủng sinh thái" đang diễn ra ở Amazon đòi hỏi phải có những phản ứng quốc tế.

Trước đó cùng ngày, Pháp và Ireland đe dọa sẽ phản đối thỏa thuận thương mại tự do giữa EU và nhóm Mercosur tập hợp các nước Brazil, Argentina, Uruguay và Paraguay nếu vụ cháy rừng không được giải quyết ổn thỏa.

"Không có cách nào Ireland sẽ bỏ phiếu cho Hiệp định thương mại tự do EU-Mercosur nếu Brazil không tôn trọng các cam kết môi trường của mình" - Thủ tướng Ireland Leo Varadkar nói thẳng trong một tuyên bố.

Thủ tướng Anh Boris Johnson, người sẽ có màn "chào sân" ở G7 năm nay, cũng đồng tình khi gọi vụ cháy rừng Amazon "không chỉ là một sự kiện đau lòng mà còn là một cuộc khủng hoảng quốc tế".

Một người phát ngôn của Chính phủ Anh cho biết Thủ tướng Johnson sẽ sử dụng hội nghị G7 lần này để đưa ra những lời kêu gọi bảo vệ thiên nhiên.

Đức, nền kinh tế đầu tàu của EU, cũng lên tiếng ủng hộ thảo luận vụ cháy rừng Amazon tại G7.

"Phạm vi cháy rừng Amazon đang gây sốc và gây đe dọa không chỉ Brazil và những quốc gia bị ảnh hưởng khác, mà còn liên quan tới cả thế giới" - người phát ngôn thủ tướng Đức Steffen Seibert khẳng định tại Berlin ngày 23-8.

Sẽ không có thông cáo chung

Với ý định tập hợp các tiếng nói ủng hộ và tạo áp lực lên các thành viên của G7 về các vấn đề như bảo vệ dân chủ, bình đẳng giới, giáo dục và biến đổi khí hậu, ông Macron đã cho mời các lãnh đạo đến từ châu Á, châu Phi và Mỹ Latin cùng tham gia hội nghị lần này.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang chỉ một ngày trước khi hội nghị G7 khai mạc, cộng thêm vụ cháy rừng tồi tệ ở Amazon, chương trình nghị sự của ông Macron đang đứng trước nguy cơ bị gạt ra rìa sự chú ý.

Với tính cách của Tổng thống Trump tại các hội nghị đa phương, rằng sự tham dự của ông phải đem lại ít nhất một kết quả hay thỏa thuận thực chất, Pháp đã quyết định bỏ thông cáo chung ra khỏi chương trình hội nghị.

Các quan chức Mỹ cho biết ông Trump sẽ đưa ra các chính sách cắt giảm thuế và bãi bỏ quy định đồng thời gây áp lực lên các đồng minh làm theo tấm gương của ông để ngăn chặn các vấn đề của kinh tế toàn cầu.

Hội nghị G7 trong 2 năm qua luôn trong tình trạng căng thẳng vì những bất đồng giữa Mỹ và các nước còn lại. Năm 2017, hội nghị được đánh giá là "u ám" khi các nước đồng loạt lên án chính quyền Trump vì hành động rút khỏi thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.

Đỉnh điểm của sự chia rẽ đã diễn ra vào năm ngoái tại Canada, khi các nhà quan sát gọi G7 là nhóm "G6+1" vì những mâu thuẫn không thể hòa giải giữa Mỹ và 6 nước còn lại dẫn tới việc ông Trump rời G7 mà không ký thông cáo chung.

Dù Tổng thống Pháp Macron tuyên bố ông đã "đối sách" với ông Trump, với hai sự khác biệt nổi cộm đã nêu, hội nghị G7 lần này sẽ là dịp để người ta kiểm tra tính hiệu quả của "phương pháp Macron".

"Bạn biết đấy, nếu vấn đề đó là một lời hứa khi tranh cử của ông Trump, bạn đừng mong thay đổi được quan điểm của ông ấy, bởi động lực của ông ấy là chính trị Mỹ. Tôi hiểu và tôn trọng điều đó.

Dù chúng tôi có sự khác biệt trong nhiều vấn đề, tôi cho rằng đối thoại liên tục với ông Trump là cách để tránh những bất đồng chồng chất, cố gắng phát hiện và tận dụng những điểm chung và không nhượng bộ về những chuyện còn bất đồng" - ông Macron nói.

"Lãnh đạo G7" làm lính cứu hỏa

000_1jp5mr 2(read-only)

Trong bức ảnh của AFP, các nhà hoạt động thuộc Tổ chức phi chính phủ Oxfam mang mặt nạ và trang phục của lính cứu hỏa mô phỏng các nhà lãnh đạo của nhóm G7 bao gồm: Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo và tân Thủ tướng Anh Boris Johnson trong một cuộc biểu tình ở Biarritz, Pháp trước thềm khai mạc Hội nghị G7, nhằm chuyển thông điệp cháy rừng Amazon, được mệnh danh "lá phổi của hành tinh", đến lãnh đạo các nước G7.

CHI LAN

Brazil bắt đầu nghiêm túc với Amazon

Thoạt đầu đổ lỗi cho các nhân tố tự nhiên sau đó quy chụp cho các tổ chức phi chính phủ đốt rừng Amazon, chính quyền của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã phải tiếp cận vấn đề nghiêm túc hơn sau khi vấp phải một loạt chỉ trích quốc tế. Một cuộc họp khẩn của nội các đã được triệu tập vào ngày 23-8.

Trong lúc đó, một công hàm dài 12 trang được gửi tới các đại sứ quán nước ngoài đặt tại Brazil, phân trần và bảo vệ hình ảnh của Chính phủ Brazil trong việc bảo vệ môi trường bằng các dữ liệu và con số thống kê.

Ngày 23-8 (giờ địa phương), Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã phê chuẩn quyết định triển khai các lực lượng vũ trang của nước này để hỗ trợ công tác chữa cháy trong rừng Amazon, giữa bối cảnh áp lực quốc tế ngày càng tăng, theo Hãng tin AFP.

Brazil triển khai quân đội dập lửa cứu Brazil triển khai quân đội dập lửa cứu 'lá phổi xanh' Amazon vì áp lực quốc tế

TTO - Trước áp lực quốc tế từ các cuộc biểu tình cho tới cảnh báo của lãnh đạo các nước lớn, Tổng thống Brazil Bolsonaro đã ra lệnh triển khai quân đội để hỗ trợ dập tắt các đám cháy trong rừng Amazon.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp