Phụ nữ bộn bề công việc nhưng đừng quên chăm sóc bản thân - Ảnh: T.L.
Một trong những "thủ phạm" làm phụ nữ mệt mỏi là hội chứng Burnout: "cháy sạch", "cháy hết mình" vì công việc. Tại phòng khám tâm lý Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, mỗi ngày tiếp nhận tư vấn tâm lý đến 8-9 trường hợp với nhiều độ tuổi khác nhau.
Bỗng một ngày làm việc không hiệu quả
Chị M. phấn đấu hết mình trong 20 năm đi làm từ vị trí nhân viên lên trưởng phòng, giám đốc điều hành và nay được bổ nhiệm vị trí phó tổng giám đốc một công ty về công nghệ.
Những năm gần đây, chị luôn bận bù đầu, dành hết thời gian cho công việc từ 7h sáng đến tối mịt, điện thoại trên tay sáng đèn liên tục khiến chị không thể rời các cuộc gọi lẫn tin nhắn trao đổi công việc.
Những tưởng khi được lên vị trí cao ở tuổi 45, chị sẽ hạnh phúc nhưng chị cho hay "dạo gần đây tôi cảm thấy rất mệt mỏi, đầu căng cứng. Mỗi buổi sáng thức dậy tôi rơi vào cảm giác lo sợ ngày mới. Tôi bắt đầu thấy sợ đủ thứ, tâm trạng nặng nề, mâu thuẫn nội tâm này ngày càng lớn...".
Là một thư ký tại một công ty Nhật tại TP.HCM, chị T.A.T., 26 tuổi, cho biết chị rất háo hức những ngày đầu làm việc, nhưng đi làm được khoảng 3 tháng chị mới hiểu bản thân lại không hài lòng với công việc này, lúc nào cũng thấy căng thẳng.
Mỗi ngày mới bắt đầu, chị T. lại cảm thấy như nguồn năng lượng bị trút sạch, người bồn chồn, tim đập nhanh...
Khi nghĩ về những việc diễn ra trong ngày, chị lại muốn chôn chân vào chăn ngủ tiếp, sau đó đến công ty trong trạng thái hấp tấp, bơ phờ, làm việc không hiệu quả.
Theo ThS Nguyễn Minh Mẫn - trưởng đơn vị tâm lý lâm sàng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, trạng thái lo sợ ngày mới gặp ở tất cả mọi người.
Riêng trường hợp chị T., chị M., bác sĩ Mẫn đánh giá các chị bị stress, có dấu hiệu trốn chạy, không dám đối diện với thực tế. Nguyên nhân ban đầu có thể do công việc và các yếu tố tác động như: tài chính, gia đình, bản thân, đồng nghiệp...
Bác sĩ Hồ Nhật Quang (chuyên gia huấn luyện, trị liệu tâm trí) cho biết sợ ngày mới hay sợ ngày đầu tuần là trạng thái bất thường.
Có thể gọi đây là hiện tượng "làm biếng" vận động thể chất, suy nghĩ tích cực, chọn lựa cảm xúc vui vẻ dẫn đến "làm biếng" ăn uống, lười chăm sóc bản thân, mất động lực, mất hứng thú, cảm thấy bất lực với chính mình.
Trạng thái này gặp ở tất cả mọi người và thường thấy nhất ở người làm việc trong môi trường có cường độ cao, tốc độ nhanh.
Mất cân bằng...
Theo bác sĩ Quang, những người rơi vào trạng thái sợ ngày mới thường cảm thấy lo lắng, cần được an toàn trước mọi việc nên ngại thay đổi khi ngày mới bắt đầu. Vì cạn kiệt nguồn năng lượng cho hoạt động tư duy dẫn đến không có những ý tưởng mới trong công việc và cuộc sống.
Tình trạng này diễn ra trầm trọng hơn khi cần phải giải quyết những khó khăn, phức tạp xuất hiện, không có được suy nghĩ tích cực, không dám đối diện với những tình huống đó để giải quyết nên gây ra tình trạng căng thẳng kéo dài không thoát ra được
Về thể chất, cơ thể họ dễ rơi vào trạng thái căng cứng, mệt mỏi, đau nhức và chỉ muốn được ở trạng thái nghỉ ngơi lâu dài hay ngủ vùi liên tục, thậm chí lạm dụng rượu bia, chất kích thích, chất gây nghiện để tìm sự cân bằng.
"Nếu không nhận thức được từ đầu sẽ dẫn đến tình trạng căng thẳng kéo dài gây bất lợi cho cơ thể, cho tâm trí, có khi dẫn đến bệnh" - bác sĩ Quang nhấn mạnh.
Vậy "cội nguồn" trạng thái lo âu ngày mới từ đâu? Bác sĩ Mẫn phân tích mỗi ngày mới bắt đầu, chúng ta đều phải đối mặt với 8 điều sau (còn gọi là bánh xe cuộc đời): gia đình; bản thân; mối quan hệ bạn bè, người thân; mối quan hệ xã hội; tài chính; công việc, học tập; lòng tin, tín ngưỡng; hoạt động thể thao, giải trí.
Khi mất cân bằng một hoặc nhiều hơn trong 8 điều trên dễ gây ra căng thẳng (gọi là stress). Stress xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa nhu cầu và mức độ thỏa mãn của bản thân. Nếu ứng phó stress tốt, chúng ta sẽ cân bằng được, nhưng nếu không ứng phó được sẽ gây ra bất ổn về sức khỏe (thể chất, tâm lý, xã hội).
Theo đó, stress trải qua 3 giai đoạn: xuất hiện các dấu hiệu stress (nhức đầu, dằn vặt, khó ngủ, giảm tập trung chú ý, hay quên, nuốt nghẹn, đánh trống ngực, trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng ruột kích thích), ứng phó với stress (chống lại, thích ứng, thu mình, bỏ chạy), vượt qua hoặc kiệt sức.
"Giai đoạn khởi đầu, các dấu hiệu stress chỉ xuất hiện thoáng qua và chúng mờ nhạt dần khi nghỉ ngơi hợp lý.
Tuy nhiên, nếu stress bước qua giai đoạn ứng phó thì các dấu hiệu này lại xuất hiện nhiều hơn và cho đến giai đoạn 3 thì bộc lộ rất rõ nét, mạnh như một cơn bão khiến chúng ta bị kiệt quệ. Nếu stress kéo dài trong vòng 2 tuần đến 6 tháng trở lên, dẫn đến rối loạn lo âu" - bác sĩ Mẫn phân tích.
Hội chứng Burnout
Một trong những "thủ phạm" gây ra sự mệt mỏi này, bác sĩ Quang cho biết là hội chứng Burnout: "Cháy sạch", "cháy hết mình" vì công việc. Đây là một tình trạng căng thẳng tâm trí, mệt mỏi cơ thể kéo dài mãn tính sau một thời gian dài cống hiến hết mình vì công việc.
Điều này làm cạn kiệt năng lượng và cả sức lực, cảm thấy tiêu cực, mất tập trung, hoài nghi về những gì mình làm vì hiệu quả công việc không như mong đợi, chất lượng cuộc sống giảm sút.
Bên cạnh đó, thiếu động lực và động cơ làm việc nên chúng ta khởi đầu ngày mới với tâm trạng nặng nề vì không biết phải làm những gì có ý nghĩa dù rất muốn khác đi.
Để tránh và hạn chế stress trong cuộc sống, nên thay đổi cách nhìn và giá trị sống bằng cách giảm nhu cầu, tư duy tích cực, không nên xoáy vào mặt tiêu cực, mở rộng, lan tỏa tiêu cực.
Ngoài ra, cần tập thể dục, thư giãn, tập thở, giải trí, thường xuyên nói chuyện chia sẻ những người tích cực, lạc quan, khơi sáng tinh thần lạc quan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận