Một phụ nữ khoe tờ tiền 0 euro in hình Karl Marx - Ảnh: TWITTER
Theo Hãng tin Reuters, nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh Karl Marx (5-5-1818), thành phố quê hương của ông đã quyết định phát hành đồng tiền đặc biệt này và bán với giá 3 euro mỗi tờ tiền.
Hàng ngàn tờ tiền lưu niệm đã được bán ra và nó nhanh chóng trở thành món hàng lưu niệm được ưa chuộng tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong đợt đầu tiên mở bán đồng có in hình Karl Marx vào đầu tuần này, 5.000 tờ tiền đã được bán sạch.
Ban lãnh đạo thành phố đã quyết định cho in thêm 20.000 tờ nữa để đáp ứng nhu cầu từ người mua trên khắp thế giới, bao gồm các quốc gia như Úc, Brazil và Mỹ.
Karl Marx - tác giả cuốn Tuyên ngôn Cộng sản sinh ra và học hết trung học tại Trier trước khi rời đến một thành phố khác để học đại học.
Trong các tác phẩm của mình, Karl Marx đã phân tích mâu thuẫn giai cấp, những khiếm khuyết và nguồn gốc và những mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản liên quan đến giá trị và giá trị thặng dư lao động của con người.
Karl Marx và Friedrich Engels đã xuất bản cuốn Tuyên ngôn Cộng sản vào năm 1848. Cuốn sách này được xem là tác phẩm nổi tiếng nhất trong lịch sử phong trào xã hội chủ nghĩa.
Tượng đồng của Karl Marx được dựng ở thành phố Trier ở Đức - Ảnh: REUTERS
Lịch sử của tờ 0 euro
Năm 2015, lần đầu tiên trong lịch sử, ông Richard Faille được công ty in tiền giấy chính thức Oberthur Fiduciaire hỗ trợ in những đồng tiền lưu niệm theo sự chấp thuận của Ngân hàng Trung ương châu Âu.
Các đồng 0 euro ngày nay khá phổ biến ở nhiều quốc gia châu Âu cho những ngày kỷ niệm, địa điểm lịch sử, sự kiện của thành phố và những người nổi tiếng. Những đồng tiền này đã dần trở nên phổ biến đối với những người sưu tập tiền giấy.
Loại tiền này cũng phải trải qua kiểm tra để chắc chắn không thể đưa vào lưu thông tiền tệ. Mặt trước có ghi rõ chữ "tiền euro kỷ niệm" với số 0 và ảnh cờ của Liên minh châu Âu.
Các tờ tiền 0 euro từng in bán có hình ảnh cổng Brandenburg (Đức), tháp Big Ben (Anh), tháp Eiffel (Pháp), đấu trường La Mã (Ý), Sagrada Familia (Tây Ban Nha), Manneken Pis (Bỉ) và nàng Mona Lisa (nằm ở phía bên phải).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận