Phóng to |
Một tiết tập đọc của học sinh lớp 3/9 Trường tiểu học Kim Đồng, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Giáo án điện tử của giờ học này có hình ảnh minh họa sinh động - Ảnh: N.HÙNG |
Một giáo viên bậc THCS dạy giáo án điện tử môn lịch sử đến giữa tiết, khi muốn trở lại trang đầu để dẫn chứng cho trận đánh, cô loay hoay mãi không biết xử lý ra sao đến toát mồ hôi hột. Cuối cùng, cô đành phải nhờ... học sinh làm giúp. Giờ sinh vật, khi cô giáo minh họa về hoạt động của chim, bấm mãi con chuột máy tính mà... chim không chịu bay.
Một giáo viên tiểu học ở Q.10, TP.HCM sử dụng giáo án của đồng nghiệp, giáo án được biên soạn với cỡ chữ quá nhỏ trong khi đa số học sinh lớp cô bị cận thị. Tiết dạy có ban giám hiệu dự giờ mà hỏi gì học sinh cũng ngoan ngoãn ngồi im, không có ý kiến. Bực mình, cô la: “Sao hôm nay lớp mình thụ động quá vậy?”. Em lớp trưởng rụt rè đứng lên thưa: “Tụi con không nhìn rõ”.
Nhiều câu chuyện dở khóc dở cười liên quan đến sự xuất hiện của những thiết bị công nghệ thông tin trên lớp, khi mà giáo viên chưa kịp chuẩn bị hệ thống bài giảng bằng giáo án điện tử.
Thành... chiếu - chép
Những giáo viên giỏi công nghệ thì rất năng nổ với các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng cũng có bộ phận giáo viên còn bối rối với máy tính. Vì vậy, cần khuyến khích các thầy cô sẻ chia kinh nghiệm, mách cho nhau cách làm để giảm bớt thời gian tập huấn. Có giáo viên nói tôi sắp nghỉ hưu, học làm gì nữa nhưng thực tế việc ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng không bao giờ là muộn. |
“Thực tế có rất nhiều giáo viên bê nguyên xi bài giảng của người khác để dạy học sinh của mình - một chuyên viên Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị không nêu tên phản ảnh - Nhiều giáo viên sử dụng giáo án điện tử chỉ để trình diễn một vài hình ảnh, một vài đoạn phim cho học sinh xem thích mắt chứ chưa quan tâm đến hiệu quả của việc dạy tương tác mà giáo án điện tử mang lại. Thay vì ngày xưa đọc - chép, ghi - chép thì bây giờ đổi mới bằng việc chiếu - chép mà thôi”.
Ở Q.Gò Vấp, để đáp ứng nhu cầu giáo án điện tử, các trường tổ chức trao đổi giáo án điện tử cho nhau để đảm bảo trường nào cũng có trọn bộ giáo án điện tử cho tất cả các bài giảng. Tuy nhiên, theo một giáo viên Trường tiểu học Phan Chu Trinh, Q.Gò Vấp: “Sử dụng LCD giúp bài giảng sinh động nhưng khâu chuẩn bị tốn thời gian hơn, phải tìm kiếm nhiều tư liệu hơn. Việc các trường luân phiên làm giáo án và chia sẻ cho nhau giúp các giáo viên có đầy đủ bộ giáo án, nhưng lại làm mất tính độc lập sáng tạo của từng giáo viên và dẫn đến bài giảng nào cũng giống nhau, sao chép giữa các trường”.
Sao chép nhau
Tình trạng giáo viên sao chép giáo án điện tử của nhau hoặc tải trên mạng về ngày càng phổ biến. Theo cô Lê Thị Liên - giáo viên Trường tiểu học Dương Minh Châu, Q.10: “Để soạn 32 bài giảng môn địa lý lớp 4, tôi phải mất khoảng hai năm ròng rã làm tư liệu. Nếu một mình tôi sử dụng thì uổng quá. Việc chia sẻ cho nhiều giáo viên là để đồng nghiệp không phải mất thời gian như mình nữa. Nhưng trình độ học sinh ở mỗi lớp một khác nên bài giảng không thể giống nhau. Khi dùng giáo án của người khác phải chỉnh sửa lại cho phù hợp với học sinh của mình mới cóhiệu quả”.
Ông Trần Mậu Minh, hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1 - một trong những người đầu tiên ở TP.HCM đưa giáo án điện tử vào tiết học, cho biết: “Những giáo án có thể tải trên mạng về thường không có chất lượng cao. Một giáo án đạt yêu cầu cả về ý tưởng sư phạm lẫn hiệu quả tương tác giữa thầy và trò phải có đầy đủ hình ảnh rõ nét, âm thanh sống động. Nhưng nếu như thế sẽ nặng và rất khó tải về máy tính cá nhân. Chỉ có giáo án điện tử toàn chữ mới dễ tải về mà thôi”.
Cô Lê Thị Liên đề xuất: “Chương trình nặng nề, giáo viên phải dạy suốt từ sáng đến chiều rất mệt mỏi, tối về nhà còn phải chấm bài, rồi chuyện gia đình... khiến họ mệt nhoài. Theo tôi, chỉ nên yêu cầu mỗi thầy cô làm một bài giảng điện tử trong một năm học. Chứ yêu cầu họ phải liên tục sử dụng phương pháp giảng dạy hiện đại thì có người sẽ phải đối phó, sao chép y chang bài giảng của nhau”.
Sử dụng giáo án điện tử đã và đang trở nên phổ biến. Nó được gắn dưới mục đích tốt đẹp là giảng dạy bằng phương pháp hiện đại - trực quan - sinh động. “Nhưng không phải bài học nào cũng cần áp dụng giáo án điện tử. Đây chỉ là một trong nhiều phương pháp dạy học tiên tiến chứ không phải hiệu quả trong mọi trường hợp. Nếu lạm dụng, nhất là tình trạng sao chép giáo án của nhau, dù là giáo án điện tử hay không điện tử thì cũng mang tác dụng ngược - bởi mỗi lớp học cần một giáo án khác nhau” - ông Trần Mậu Minh đúc kết.
Cuốn theo phong trào Một giáo viên Trường tiểu học Trung Phụng, Hà Nội kể: “Mấy năm trước, nhiều giáo viên chúng tôi hiểu sử dụng máy chiếu hắt là một cách đổi mới phương pháp. Trường tôi may mắn được ưu tiên hỗ trợ một chiếc máy như vậy, trị giá lúc đó trên 5 triệu đồng. Một số trường khác phải mua bằng nguồn xã hội hóa, vì ở trên yêu cầu trang bị đồng loạt để cùng... đổi mới. Nhưng sau khi mua, máy hầu như chỉ được sử dụng vào những cuộc họp, hội thảo, những giờ dạy mang tính trình diễn. Tôi thấy rất lãng phí, trong khi tiền có thể dùng vào nhiều việc khác có ích cho học sinh hơn”. Đó không phải là chuyện của riêng trường tiểu học này. Rất nhiều nơi máy chiếu được mua về để “đắp chiếu”. Một phần do giáo viên ngại hoặc lúng túng trong việc sử dụng. Nhưng cũng có nhiều giáo viên, trong đó có các giáo viên giỏi, cho rằng lạm dụng máy chiếu theo kiểu phong trào không mang lại hiệu quả, thậm chí với một số môn học nó làm giảm chất lượng. Sau “hội chứng máy chiếu” đến chuyện giáo án điện tử. Phong trào đổi mới phương pháp dạy học lên cao, ở đâu cũng thấy nói đến giáo án điện tử. Thế nhưng không ít giáo viên bậc THCS, THPT khi được hỏi đến “giáo án điện tử”, “sáng kiến kinh nghiệm” đều cười, chung quy vì tính hình thức, đối phó mà họ quá rõ. Những hoạt động đổi mới có mục đích rất tốt đẹp nhưng vì sao giáo viên không ủng hộ? Giáo viên Lê Minh Nguyệt (Hải Phòng) bày tỏ: “Chúng tôi không thật sự đầu tư tâm huyết vì việc kêu gọi đổi mới mang nặng tính phong trào”. Có thời gian đi đâu cũng thấy nói đến việc đổi mới giờ dạy bằng thiết bị trình chiếu, rồi đến giáo án điện tử, rồi chuyện chấm dứt đọc - chép. Trong khi để việc dạy học thật sự có hiệu quả lệ thuộc rất nhiều vào điều kiện dạy học, đối tượng học sinh và đặc thù các môn học. Một thầy ở Trường Trung Phụng cho rằng thực chất giáo viên dạy tốt hay không thể hiện ở chỗ người đó biết điều chỉnh cách dạy học phù hợp với đối tượng học sinh. Với những học sinh trung bình, yếu kém, việc trình diễn bằng thiết bị hỗ trợ, chia nhóm thảo luận có khi không mang lại hiệu quả bằng việc thuyết giảng. Tương tự ý kiến này, một cô giáo dạy văn của Trường THCS Đống Đa, Hà Nội cũng khẳng định với giờ dạy văn, lạm dụng công nghệ thông tin nhiều phản tác dụng. Nhưng chủ trương, hướng dẫn “đổi mới” thế nào phải theo thế đó. Thực trạng chậm đổi mới phương pháp dạy học hiện nay một phần nguyên nhân ở trình độ giáo viên hạn chế, thiếu động lực, ngại đổi mới. Nhưng một cản ngại khác không kém quan trọng chính là việc đổi mới chệch hướng, thiếu thực chất, không tạo được sự đồng thuận trong giáo giới. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận