06/04/2020 17:57 GMT+7

Chạy đua tìm 'thần dược' - Kỳ 5: Hai lão tướng chống AIDS trên mặt trận COVID-19

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Trên mặt trận chống đại dịch COVID-19, Mỹ và Pháp đã điều động hai lão tướng từng lăn lộn nhiều năm chiến đấu chống bệnh AIDS.

Chạy đua tìm thần dược - Kỳ 5: Hai lão tướng chống AIDS trên mặt trận COVID-19 - Ảnh 1.

Cuối tháng 3-2020, tiệm bánh Donuts Delite ở Rochester (bang New York) đã trình làng món bánh ngọt có chân dung TS Anthony Fauci để ghi nhớ cống hiến của ông - Ảnh: INSTAGRAM

Khi bạn đến một độ tuổi nhất định như tôi, kinh nghiệm của chúng ta có thể giúp ích người khác. Vậy phải đem kinh nghiệm giúp người.

TS FRANÇOISE BARRÉ-SINOUSSI

Kinh nghiệm của họ trong cuộc chiến chống virus HIV có thể góp phần tìm ra văcxin và thuốc điều trị COVID-19.

Người cố vấn cho 6 đời tổng thống

TS Anthony Fauci giữ chức giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIAID) 36 năm nay, một trong 27 viện và trung tâm nghiên cứu trực thuộc Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH).

Người đàn ông nhỏ con này vẫn thường đứng cạnh Tổng thống Donald Trump trong các buổi họp báo về COVID-19 tại Nhà Trắng. Ông đương đầu với COVID-19 bằng kinh nghiệm nhiều năm đối phó với hàng loạt dịch bệnh, từ AIDS đến Zika, Ebola và virus sông Nile.

Là con trai một dược sĩ ở New York, năm 1968, tức hai năm sau khi tốt nghiệp y khoa, ông vào làm việc tại NIH và chuyên tâm nghiên cứu miễn dịch học.

Năm 1981, hay tin nhiều người đồng tính chết với các triệu chứng giống nhau, ông tự nhủ: "Chúa ơi, chúng ta đang đối mặt với căn bệnh mới rồi". Ông tập trung nghiên cứu căn bệnh bí ẩn mà sau này được gọi là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS).

Năm 1984, ông được bổ nhiệm đứng đầu NIAID. Hai năm sau, nhà quản trị về y tế công cộng C. Everett Koop công bố báo cáo toàn diện về hiểm họa AIDS.

Nhận thấy chính quyền Tổng thống Reagan không quan tâm, Fauci và Koop đã nảy ra sáng kiến. Được quốc hội chi tiền, họ làm một tập tài liệu dày 7 trang giải thích về bệnh AIDS gửi đến 107 triệu hộ gia đình.

Những người đã làm việc với TS Anthony Fauci mô tả ông luôn đặt ra yêu cầu cao và làm việc rất chăm chỉ. Dù là một trong những công chức được trả lương cao nhất nước Mỹ, ông vẫn là bác sĩ.

Năm 2015, khi nhiều người bị nhiễm virus Ebola, mỗi ngày ông đều dành ra hai tiếng khám bệnh. Ông còn là một nhà ngoại giao biết cách trở thành đồng minh và biết đàm phán. Chính vì thế ông đã giữ vai trò cố vấn cho sáu đời tổng thống.

Tổng thống Trump phát biểu về COVID-19, ông sẽ là người giải thích lại một cách bình tĩnh, rõ ràng và trực tiếp. Ít nhất với ba phẩm chất này của ông, người dân Mỹ vẫn an tâm trong bối cảnh thiếu chuẩn bị của Nhà Trắng trước dịch.

Trước quốc hội, ông thẳng thắn chỉ ra bộ máy y tế công chưa sẵn sàng tổ chức xét nghiệm hàng loạt. Ông nhấn mạnh: "Đây là một thất bại, chúng ta hãy thừa nhận điều đó".

Ông có hai "cố tật" mà ông Trump không ưa. Một là nổi hơn Trump trên truyền thông và hai là sẵn sàng "sửa lưng" Trump công khai. Ban đầu Trump đánh giá thấp dịch COVID-19, xem đây chỉ là cúm thông thường. Đến đầu tháng 3-2020, Trump nói 3-4 tháng nữa sẽ có văcxin phòng bệnh.

Fauci phủ nhận ngay: "Như tôi đã nói với ngài, thưa tổng thống, phải từ một năm đến một năm rưỡi nữa". Trump hồ hởi khoe có thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine, virus corona sẽ "ngủm củ tỏi" trước mùa xuân. Fauci bèn trả lời: "Có thể, nhưng chúng tôi không biết gì hết về thứ thuốc đó".

Phe ủng hộ Tổng thống Trump đã nhanh chóng lên Twitter tố TS Anthony Fauci muốn làm Trump muối mặt vì theo phe chống Trump. Ngược lại, một số báo ghét Trump đánh giá ông là "anh hùng nước Mỹ", là "kho báu quốc gia".

Mấy tháng nay, ông chỉ ngủ từ 3-5 tiếng mỗi đêm. Ông mô tả dịch COVID-19 là cơn ác mộng tồi tệ nhất trong đời ông. Hiện thời nghỉ hưu không phải là vấn đề bàn đến với một bác sĩ chuẩn bị lễ mừng thượng thọ 80 tuổi vào ngày 24-12 như ông.

Ông bộc bạch: "Khi tôi bắt đầu cảm thấy không còn năng lượng làm việc, dù ở độ tuổi nào tôi cũng sẽ ra đi và viết sách".

Chạy đua tìm thần dược - Kỳ 5: Hai lão tướng chống AIDS trên mặt trận COVID-19 - Ảnh 3.

TS Françoise Barré-Sinouss i vẫn nỗ lực vì y học cứu người - Ảnh: TWITTER

"Bà lão Nobel" chống dịch

Tại Pháp, TS Françoise Barré-Sinoussi, 72 tuổi, đã "nhân sinh thất thập cổ lai hi" (người ta sống trên đời thọ 70 xưa nay hiếm), ấy vậy mà bà không chần chừ khi Tổng thống Emmanuel Macron đề nghị bà giữ chức chủ tịch Hội đồng Phân tích, nghiên cứu và giám định (CARE) gồm 12 nhà nghiên cứu mới thành lập hôm 24-3.

Hôm đó ông Macron viết trên Twitter: "Chính nhờ vào khoa học và y học mà chúng ta sẽ đánh bại virus. Hôm nay tôi tập hợp các nhà nghiên cứu giỏi nhất của chúng ta để thúc đẩy công tác chẩn đoán và điều trị...".

CARE là hội đồng khoa học thứ hai tham vấn về dịch COVID-19 cho chính phủ sau hội đồng khoa học đầu tiên ra đời hôm 11-3. Còn bà chủ tịch CARE Françoise Barré-Sinoussi là chuyên gia virus học tại Viện Pasteur và Viện Nghiên cứu sức khỏe và y học quốc gia Pháp (INSERM).

Các đồng nghiệp trẻ ở Viện Pasteur trìu mến đặt biệt danh cho bà là "bà lão Nobel", vì năm 2008 bà đã được trao giải Nobel y học cùng với GS Luc Montagnier về công lao phát hiện virus HIV/AIDS năm 1983.

TS Élisabeth Menu - giám đốc nghiên cứu INSERM - nhận xét: "Bà ấy luôn cống hiến cho khoa học theo cách không tính toán".

Từ năm 2017, bà sẵn sàng phụ trách Hiệp hội Đấu tranh chống AIDS (Sidaction). Giờ với công việc mới, "bà lão Nobel" lại tiếp tục chiến đấu như bà đã làm nhiều năm qua trong cuộc chiến chống AIDS.

Bà rất vui khi có thể giúp ích cho đất nước mặc dù đã nghỉ hưu. Cách đây 5 năm bà tâm sự với tạp chí Transversal (Pháp) rằng bà đã từ chối lời mời làm việc ở Mỹ và Úc vì bà thích ở lại Pháp.

Bà giải thích: "Tôi muốn gắn bó với đất nước. Ở đây tôi có cuộc sống, bạn bè, các mối quan hệ... Tôi không muốn cắt đứt với mọi thứ xung quanh tôi trong giai đoạn cuối đời. Khi bạn đến một độ tuổi nhất định như tôi, kinh nghiệm của chúng ta có thể giúp ích người khác. Vậy phải đem kinh nghiệm giúp người".

Đối phó với dịch COVID-19, bà không che giấu lo ngại của mình vì "dịch bệnh này nhắc tôi nhớ đến nhiều chuyện đau buồn vào đầu dịch AIDS".

Bà giải thích: "Tôi đã sẵn sàng làm lại cuộc hành trình của một chiến binh... Điều gì có thể mãn nguyện hơn vào cuối sự nghiệp khi nhận thấy chúng ta đã đóng góp gì đó để cải thiện cuộc sống của những người biết ơn chúng ta?".

Bà muốn nhắc đến một trong những kỷ niệm ghi dấu ấn nhất trong đời bà. Một ngày năm 1984 tại San Francisco (Mỹ), một bệnh nhân nằm trong phòng chăm sóc tích cực đã đề nghị được nói chuyện với bà.

Bà đọc trên môi bệnh nhân hấp hối hai từ "cảm ơn". Bà hỏi: "Về cái gì?". Người đàn ông ấy thều thào: "Vì người khác".

CARE có trách nhiệm trong 48 tiếng phải đưa ra ý kiến có căn cứ cho các cơ quan công quyền về đề xuất của các nhà khoa học Pháp và nước ngoài, đồng thời thẩm định các điều kiện cần thiết để triển khai.

Ngoài ra, CARE còn nghiên cứu khả năng thử nghiệm lâm sàng các loại thuốc điều trị mới như hydroxychloroquine của GS Didier Raoult.

Trước mắt CARE sẽ nghiên cứu khả năng thiết lập một hệ thống nhận dạng kỹ thuật số cho những người đã tiếp xúc với người nhiễm virus SARS-CoV-2. Dự án này còn gây tranh cãi ở Pháp, nhất là vấn đề tôn trọng quyền riêng tư công dân.

Ngày 2-4, Công ty dược phẩm Gilead Sciences (Mỹ) bắt đầu hai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 để đánh giá thuốc kháng virus phổ rộng remdesivir trong điều trị hai nhóm bệnh nhân mắc bệnh COVID-19 ở mức độ nghiêm trọng và trung bình tại 15 địa điểm ở Anh.

Kỳ tới: Chiêu "kim thiền thoát xác" của remdesivir


Chạy đua tìm Chạy đua tìm 'thần dược' - Kỳ 4: Tocilizumab - tia hi vọng từ Napoli?

TTO - Cái tên GS Didier Raoult ở Marseille (Pháp) gây nhiều tranh cãi với thử nghiệm dùng thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine điều trị bệnh nhân COVID-19.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp