16/06/2013 07:10 GMT+7

Chạy đua giờ vàng phim Việt

HOÀNG LÊ
HOÀNG LÊ

TT - Sau một thời gian yên ắng, phim truyền hình Việt có vẻ đã sẵn sàng bùng nổ trở lại với sự ra đời của một loạt giờ vàng phim Việt mới.

Cuộc chạy đua ấy là một tín hiệu tốt của sự phát triển hay chỉ là sự “cấp cứu” nhất thời của những người trong cuộc trước một thực trạng buồn?

xYoVHLkT.jpgPhóng to
Ranh giới tình - bộ phim mang nhiều yếu tố hành động - sẽ ra mắt giờ vàng phim Việt trên kênh Let’s Việt từ ngày 30-6. Diễn viên Lương Thế Thành và Xuân Văn trong phim - Ảnh: Lasta

Nhiều khán giả đã quen thuộc với một số “giờ vàng” trên kênh HTV7 (20g), VTV1 (20g30), VTV3 (21g30), VTV9 (21g), Vĩnh Long 1 (19g45), SCTV14 (19g45), VTV6 (19g45 thứ bảy, chủ nhật)... Tháng 4 vừa qua VTV Cần Thơ 1 cũng đã ra mắt giờ vàng phim Việt, sau đó giữa tháng 5 BTV1 - Bình Dương cũng làm mới giờ vàng bằng bộ phim lần đầu phát sóng. Không chậm bước, vào ngày 30-6 này, Let’s Việt sẽ tung ra phim Việt vào lúc 20g30. Đếm sơ sơ trong khoảng thời gian từ 19g45-22g có hơn một chục bộ phim mới phát sóng để khán giả tha hồ chọn lựa. Các khung phim tập trung chủ yếu vào ba giờ: 19g45, 20g30, 21g khiến sự cạnh tranh giữa các kênh gay gắt hơn.

Tìm sự riêng biệt

Khi được hỏi vì sao có sự bùng nổ giờ vàng phim Việt trong thời điểm này, nhiều đài cho biết thật ra họ chỉ làm mới cho một quy định đã cũ. Đó là quy định phim Việt phải chiếm 30% tổng số lượng phim phát sóng và bắt buộc phát sóng vào khoảng thời gian 20g-22g trong ngày. Trước đây chỉ các kênh lớn của VTV và HTV mới có tiềm lực để phát sóng những bộ phim mới. Những đài tỉnh nhỏ đều chọn giải pháp mua và phát sóng phim cũ để trám vào lỗ trống. Một bộ phim cứ thế chạy vòng vòng từ đài này qua mấy chục đài truyền hình khác. Không có sự riêng biệt nên lượng người xem giảm trên các kênh phim Việt. Phim cũ thì khó lòng kéo được quảng cáo. Trước thực trạng trên, các đài phải tìm lời giải cho bài toán kéo khán giả xem phim. Và đáp án đó là: mới và lạ.

Là đơn vị đã có nhiều kinh nghiệm bởi từng khai phát giờ vàng phim Việt vào năm 2005, nên khi xây dựng khung giờ vàng phim Việt mới trên Let’s Việt, Công ty Lasta không quá khó khăn. Ông Nguyễn Minh Tiến - giám đốc công ty - cho biết: “Trong thời gian vừa qua các nhà sản xuất đua nhau chạy theo số lượng phim nên không còn tập trung nhiều đến chất lượng. Phim Việt dần mất uy tín với khán giả bởi câu chuyện nhạt nhẽo, diễn viên diễn thiếu hồn... Việc ra đời giờ vàng phim Việt trên Let’s Việt là một quyết tâm của chúng tôi không chỉ để tìm sự riêng biệt cho kênh mà còn cố gắng làm ra những bộ phim có chất lượng để khôi phục khán giả. Các phim do Lasta sản xuất đều thu tiếng trực tiếp và bám sâu vào chuyện làng nghề để tìm sự hấp dẫn”.

Không tự sản xuất được phim như Let’s Việt, một số đài truyền hình địa phương liên kết với các hãng phim tư nhân để mở giờ vàng. VTV Cần Thơ đã ký kết năm năm với Công ty Chào VN để sản xuất các phim mới, phương thức hợp tác bằng trao đổi quảng cáo. Khi Duyên nợ miền Tây ra mắt, khán giả đã thích thú theo dõi câu chuyện đậm chất Nam bộ. Ông Phạm Phi Thường, giám đốc VTV Cần Thơ, vui vẻ nói: “Sau hai tháng phát sóng, lượng khán giả xem giờ phim này đã tăng đáng kể. Chỉ số người xem trước đây khoảng 1,5-1,9, nay lên đến 4,5, tăng gấp ba lần”. Ông giải thích thêm: “Chính yếu tố vùng miền tạo nên sức hấp dẫn của Duyên nợ miền Tây. Và đó là đường đi riêng của chúng tôi: tập trung vào những bộ phim khai thác sự mộc mạc, chân chất, cuộc sống muôn màu của nông thôn Nam bộ”.

Trong khi đó, sự hợp tác giữa BTV và Công ty TK-L còn mang tính tương đối bởi BTV không phát sóng độc quyền. Một bộ phim mới có thể phát sóng cùng lúc từ một đến hai kênh địa phương. Sự chia sẻ này làm giảm bớt áp lực quảng cáo lên kênh.

Bài toán kinh tế không dễ giải

Mặc dù có tín hiệu khả quan nhưng ông Phi Thường cũng lo lắng: “Về mặt kinh tế vẫn khó khăn bởi quảng cáo chưa vào nhiều, dù có tăng hơn trước. Với số lượng khoảng 4-5 mẩu quảng cáo trong thời gian phát sóng chưa đủ để bù sản xuất. VTV Cần Thơ và đối tác cũng quyết tâm trong năm đầu chưa nghĩ đến kinh tế mà cố gắng tạo ra những bộ phim đạt chất lượng, để tạo thương hiệu”. Bà Trúc Mai, giám đốc Công ty TK-L, cũng khá phân vân: “Sự hợp tác giữa công ty và BTV và một số đài khác thật ra mới là thử nghiệm trong một thời gian ngắn khoảng sáu tháng xem có hiệu quả không. Nếu không đạt chúng tôi phải tìm hướng khác. Hiện nay phim Việt rất khó khăn đến với khán giả. Các giờ phim đều rớt lượng người xem. Đầu tư cho kênh nào hợp lý là cách để chúng tôi tìm nguồn ra cho số phim còn tồn đọng”.

Nhiều hãng phim đã tìm kiếm nhiều cơ hội để tăng thêm nguồn thu cho phim. Hãng phim Sóng Vàng, đơn vị hợp tác với VTV9 sản xuất phim Việt lúc 21g, đã có thêm phần thu khi bán lại phim đã phát sóng trên VTV9 cho các đài địa phương. Cách làm này không dễ bởi còn phụ thuộc hợp đồng với nhà đài để xem bản quyền phim có thuộc về ai. “Ngay cả khi có thể bán được phim, chúng tôi cũng phải cân đong đo đếm như thế nào để có lợi nhất. Nếu bán phim sớm quá thì không giữ được sự riêng biệt cho kênh bởi hình thành nên tâm lý không tốt từ phía người xem: không xem phim lúc này thì chờ xem sau trên kênh khác cũng được” - ông Tiến phân tích.

Và trên hết, liệu sự bùng nổ giờ vàng phim Việt có thật sự là chiến lược dài hơi của các đài hay chỉ là phong trào rộ lên tức thời và đầy ngẫu hứng, kiểu như thời kỳ nở rộ phim làm lại từ kịch bản nước ngoài, hay có được một vài phim nông thôn gây chú ý một chút là lại nở rộ phim về đề tài nông thôn? Chưa thể có câu trả lời bởi cuộc chạy đua giờ vàng phim Việt giữa các kênh mới chỉ bắt đầu. Còn với người xem, dù có nhiều sự lựa chọn hơn, nhưng nếu chất lượng phim không được nâng cao thì họ cũng dễ dàng bấm sang kênh khác. Việc tăng giờ vàng phim Việt lúc đó cũng trở thành vô nghĩa.

HOÀNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp