23/04/2021 08:08 GMT+7

Chạy đua giải cứu tàu ngầm Indonesia

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Các lực lượng cứu hộ Indonesia và quốc tế đang khẩn trương xác định vị trí tàu ngầm Indonesia bị mất tích ngày 21-4. Tính đến chiều 22-4, tức sau 36 tiếng, tung tích chiếc tàu ngầm 44 năm tuổi cùng 53 người trên đó vẫn là bí ẩn.

Chạy đua giải cứu tàu ngầm Indonesia - Ảnh 1.

Tàu ngầm KRI Nanggala trong các cuộc diễn tập của Hải quân Indonesia - Ảnh: Reuters

Trong cuộc họp báo hôm qua 22-4, tham mưu trưởng Hải quân Indonesia - ông Yudo Margono - xác nhận các tàu hải quân nước này đã phát hiện "một vật có từ trường cao" đang trôi nổi ở độ sâu từ 50-100m. Tuy nhiên, đây có phải là tàu ngầm KRI Nanggala hay không thì vẫn còn phải chờ sự xác nhận của các tàu cứu hộ chuyên dụng đến từ Singapore, Malaysia hoặc Úc. 

Kể cả khi đã tìm được tàu mất tích, Indonesia cũng không thể tự giải cứu những người trong đó do thiếu phương tiện lặn chuyên dụng.

"Thời gian vàng" sắp hết

Hải quân Indonesia khẳng định tàu KRI Nanggala đã được kiểm tra và trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu nên tình trạng kỹ thuật tốt, lượng oxy trên tàu có thể đủ dùng cho những người trên đó tới ngày 24-4. Nhưng "thời gian vàng" cho chiến dịch giải cứu chỉ là 48 tiếng ngắn ngủi. 

"Chúng tôi vẫn chưa tìm thấy con tàu" - chuẩn đô đốc Julius Widjojono của Indonesia nói với Hãng thông tấn AFP với giọng nặng trĩu ngày 22-4.

Tàu ngầm KRI Nanggala mất tích rạng sáng 21-4 ngoài khơi đảo Bali, chỉ ít phút sau khi được trung tâm chỉ huy cho phép phóng ngư lôi. Tối 21-4, những vệt dầu loang được phát hiện tại khu vực được cho là nơi tàu KRI Nanggala bắt đầu lặn. 

6 tàu hải quân và 1 trực thăng cùng khoảng 400 binh sĩ Indonesia đã tham gia chiến dịch tìm kiếm. Khu vực rà quét đã được thu hẹp để tăng cơ hội tìm thấy tàu sớm hơn, nhưng đại dương vẫn im lặng trước sự sốt ruột của con người.

Chuẩn đô đốc Widjojono xác nhận thông điệp cầu cứu Indonesia gửi đến Văn phòng tìm kiếm và cứu hộ tàu ngầm quốc tế (ISMERLO) đã nhận được hồi đáp từ Mỹ, Pháp, Đức và Úc. Trong tuyên bố ngày 22-4, Ngoại trưởng Úc Marise Payne cam kết Canberra sẽ làm "bằng mọi cách có thể" để giúp Indonesia.

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cùng ngày 22-4 cũng xác nhận tàu cứu hộ tàu ngầm MV Swift của Singapore đã lên đường ứng cứu từ chiều 21-4. "Khu vực tìm kiếm cách Singapore hơn 1.500km và nước rất sâu nên chúng tôi phải lên đường sớm nhất có thể", ông Ng Eng Hen thông báo trên Facebook.

Hiện chưa rõ Úc sẽ cử tàu cứu hộ tàu ngầm hay một loại tàu khác có hệ thống sonar để hỗ trợ Indonesia. Nhưng nếu chọn tàu cứu hộ tàu ngầm, Canberra không có nhiều lựa chọn. Theo trang web của Hải quân Hoàng gia Úc, lực lượng cứu hộ tàu ngầm Úc chỉ có hai tàu là MV Besant và MV Stoker. 

Tuyên bố hỗ trợ "bằng mọi cách có thể" của Ngoại trưởng Payne làm dấy lên hi vọng Úc sẽ cử cả hai tàu chuyên dụng này. Theo báo Jakarta Post, Malaysia cũng cử tàu cứu hộ chuyên dụng MV Mega Bakti đến hỗ trợ.

Chạy đua giải cứu tàu ngầm Indonesia - Ảnh 2.

Dữ liệu: BẢO ANH tổng hợp (Reuters, CNN…) - Đồ họa: TUẤN ANH

Khó sống dưới độ sâu 700m

"Có thể một sự cố mất điện đã xảy ra nên thủy thủ đoàn không thể điều khiển con tàu hoặc thực hiện các thao tác xử lý khẩn cấp. Sự cố này có thể đã khiến con tàu chìm xuống độ sâu 600m hoặc 700m", AFP trích thông cáo của quân đội Indonesia ngày 22-4 suy đoán về nguyên nhân.

Phó đô đốc Antoine Beaussant của Pháp cảnh báo nếu tàu KRI Nanggala đang nằm yên ở độ sâu này, số phận của nó cùng những người trên đó đã được định đoạt. "Nếu con tàu nằm ở độ sâu 700m, nó có thể đã bị nghiền nát và vỡ vụn", ông Beaussant lo ngại.

Ông Frank Owen - một chuyên gia giải cứu tàu ngầm Úc - cũng bi quan về khả năng cứu được người còn sống từ tàu KRI Nanggala. "Nếu con tàu thực sự nằm dưới đáy biển, ở độ sâu cỡ 700m, chúng ta sẽ không thể làm được gì nhiều để đưa những người bên trong ra ngoài. Cách duy nhất đưa họ ra ngoài là trục vớt toàn bộ con tàu. Nhưng quá trình đó tốn rất nhiều thời gian" - ông Owen nhận định với Đài ABC News của Úc. 

Cũng theo chuyên gia này, hiện không có phương tiện lặn cứu hộ tàu ngầm nào hoạt động ổn định ở độ sâu 700m.

Theo Hãng tin Reuters, tàu KRI Nanggala do Đức chế tạo năm 1977 và biên chế vào Hải quân Indonesia vào thập niên 1980. Con tàu vừa mới trải qua 2 năm bảo dưỡng lớn tại Hàn Quốc vào năm 2012. Tàu có lượng choán nước toàn tải gần 1.400 tấn, quy mô thủy thủ đoàn theo thiết kế tàu là 34 người nhưng vào thời điểm mất tín hiệu trên tàu đang có tới 53 người. 

Hải quân Indonesia liên tục né tránh nhắc tới chi tiết này làm dấy lên nghi ngờ liệu đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến tàu gặp nạn.

Chạy đua giải cứu tàu ngầm Indonesia - Ảnh 3.

Cơ hội vẫn còn

Việc xuất hiện vết dầu loang khiến có người suy đoán có thể thân tàu KRI Nanggala đã bị hư hỏng, theo Hãng tin AFP. Giả định tốt nhất hiện tại là con tàu đang nằm ở vùng biển nông và bị hư động cơ điện, do đó không thể phát tín hiệu cầu cứu hay nổi lên. Giả định xấu nhất là tàu KRI Nanggala đã gặp sự cố trong lúc lặn và vỡ vụn dưới sức ép của đại dương.

Tàu KRI Nanggala thuộc loại tàu ngầm phi hạt nhân sử dụng động cơ diesel - điện. Do động cơ diesel khi hoạt động sẽ đốt không khí nên để tránh việc bị hết dưỡng khí, tàu ngầm chỉ kích hoạt động cơ diesel khi nổi trên mặt biển. Trong quá trình lặn và di chuyển trong lòng biển, tàu sẽ sử dụng động cơ điện. 

Điều này có thể lý giải vì sao các thủy thủ không kích hoạt động cơ diesel để nổi lên (nếu quả thực đây chỉ là một sự cố bị hư động cơ điện và tàu vẫn còn nguyên vẹn).

Mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu thân tàu bị hư hỏng, nước tràn vào khoang động cơ điện. Lúc này nước biển sẽ nhấn chìm các viên pin của tàu ngầm, gây ra ngộ độc khí dẫn tới cái chết "lặng lẽ" của những người bên trong. 

Nhưng nếu thân tàu vẫn nguyên vẹn và vật thể đang trôi nổi cách mặt biển 50 - 100m là tàu KRI Nanggala, các tàu cứu hộ của Singapore và Úc thừa khả năng giải cứu.

Thông tin trên trang web chính thức của ISMERLO cho biết tàu cứu hộ MV Swift của Singapore trang bị phương tiện lặn DSAR6, có khả năng lặn sâu tới 500m và giải cứu được 17 người mỗi chuyến. Trên tàu còn có buồng giảm áp suất với sức chứa tối đa 40 người.

Tàu MV Mega Bakti của Malaysia không có phương tiện lặn như DSAR6 nhưng có các thiết bị chuyên dụng có thể chụp ảnh, hỗ trợ sự sống cho những người gặp nạn trên tàu. Hải quân Úc cũng có 2 tàu cứu hộ chuyên dụng là MV Besant và MV Stoker với tính năng tương tự tàu MV Swift. Cả hai tàu của Úc đều được đóng mới tại Việt Nam và đưa vào hoạt động từ năm 2015.

Theo trang Facebook chính thức của Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, hai tàu MV Besant và MV Stoker là kết quả hợp tác giữa Công ty Dịch vụ hàng hải Úc (DMS) với Công ty Damen (Hà Lan) và Nhà máy Z189 của Việt Nam.

Các thiết bị chuyên dụng trên tàu MV Besant và MV Stoker có nhiều tính năng vượt trội, như phát hiện tọa độ, điện thoại liên lạc và robot lặn kết nối với tàu ngầm để cứu nạn thuyền viên khi tàu gặp sự cố.

Phương tiện lặn LR5 được trang bị cho MV Stoker có khoang chứa chịu được áp lực lớn, có thể cứu tối đa 16 người mỗi chuyến và thực hiện liên tục 8 chuyến trước khi nạp lại năng lượng.

Indonesia hi vọng 53 thủy thủ còn sống nếu tàu ngầm còn giữ oxy Indonesia hi vọng 53 thủy thủ còn sống nếu tàu ngầm còn giữ oxy

TTO - Ông Yudo Margono, tham mưu trưởng Hải quân Indonesia, khẳng định chiếc tàu ngầm bị mất tích có đủ dưỡng khí (khí thở oxy) cho các thủy thủ cho đến ngày 24-4.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp