Bác sĩ kiểm tra sức khỏe bệnh nhân sau can thiệp - Ảnh: T.LŨY
Bệnh nhân là ông Trần Văn D. (49 tuổi, ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), có tiền sử bị đái tháo đường, tăng huyết áp có điều trị liên tục.
Tối 5-2, trong lúc đang đi uống cà phê, ông D. lên cơn đau ngực trái dữ dội, vã mồ hôi nhiều nên được đưa vào cấp cứu tại một bệnh viện gần đó, sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ trong tình trạng khó thở.
Kết quả khám lâm sàng, điện tâm đồ, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp. Bệnh nhân được tức tốc đưa lên phòng can thiệp tim mạch, nhưng mới đến thang máy bệnh nhân co gồng, tím tái và ngưng tim. Êkíp phải xoa bóp tim, sốc điện, hô hấp hỗ trợ khẩn.
Sau 10 phút cấp cứu, bệnh nhân có nhịp tim trở lại, các bác sĩ vừa hồi sức kết hợp sử dụng thuốc chống loạn nhịp và nhanh chóng chuyển phòng can thiệp, can thiệp thành công bằng stent phủ thuốc. Thời gian hoàn tất quá trình đặt stent trong 15 phút.
Hiện tại bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt và được tiếp tục theo dõi tại khoa tim mạch can thiệp.
Theo các bác sĩ, nhồi máu cơ tim cấp tính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở các nước phát triển. Trong những năm gần đây, số ca nhồi máu cơ tim cấp ở Việt Nam có xu hướng tăng để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Đặc biệt, những trường hợp nhồi máu cơ tim cấp trước rộng là bệnh lý rất nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao trong những giờ đầu vì biến chứng loạn nhịp, suy bơm. Việc quyết định trong cấp cứu là chạy đua với thời gian (trong giờ đầu tiên sau khi có nhồi máu hoặc trước 6 tiếng) là yếu tố quyết định cứu được người bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận