Su Sal được nối cánh tay trái bị đứt lìa - Ảnh: TR.TRUNG
Ngoài trường hợp nữ sinh viên Vũ Thị Thảo tử nạn, Su Sal là trường hợp bị thương nặng nhất trong vụ tai nạn thảm khốc trên đèo . Cuộc chạy đua với thời gian để cứu cánh tay cho cô gái trẻ cũng ly kỳ và ấm tình người.
Cuộc tìm kiếm bất ngờ
Nhận được cuộc điện thoại có tai nạn thảm khốc trên đèo, đội ngũ các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng có mặt trực cứu người theo phương thức "y học thảm họa". Khi được cứu lên khỏi vực sâu, nữ sinh viên Ngô Thị Su Sal cùng người bạn đã tử vong của mình được đưa đến Bệnh viện Đà Nẵng đầu tiên bằng hai xe taxi.
Máu ra ướt đẫm áo quần nhưng nữ sinh viên 21 tuổi vẫn còn tỉnh táo. Su Sal biết rõ về hiện trạng sức khỏe mình, cô thều thào với bác sĩ Nguyễn Duy Khánh, một trong những phẫu thuật viên đã chờ sẵn trong phòng mổ. "Bác sĩ liên hệ trên ấy tìm cánh tay của cháu đi" - giọng Su Sal yếu dần.
Bảy bác sĩ trong phòng chờ mổ đã nghe về trường hợp chiếc xe chở những sinh viên sắp tốt nghiệp gặp nạn trên đèo. Họ cũng giữ liên lạc thường xuyên với những chiếc xe của Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng (lúc này đang có mặt tại hiện trường vụ tai nạn cách đó hơn 30km).
Khi đưa những nạn nhân đầu tiên thoát khỏi chiếc xe dưới vực lên đèo, thiếu tá Hoàng Văn Dũng, chính trị viên phó Đồn biên phòng Lăng Cô, có nghe đến một trường hợp mất cánh tay. Thiếu tá Dũng nói với một anh lính trẻ chạy về Lăng Cô tìm thùng đá, rồi hô hoán mọi người lục tung mọi ngóc ngách, rừng cây nơi chiếc xe khách lao xuống.
10 phút! 20 phút trôi qua. Quanh chiếc xe khách ngã ngửa lên trời, cả trăm người giẫm nát cỏ cây, mọi người vẫn không thấy tung tích cánh tay đâu. Linh tính trong người, thiếu tá Dũng bắt đầu đu dây leo lên lại trên đường tìm, men theo những mái taluy méo xệch vì lực va chạm.
"Lúc nhìn thấy cánh tay, bất giác trong người tôi có chút rùng mình nhưng vô cùng phấn khởi vì kết quả. Tôi nhấc cánh tay đầy vết máu vẫn còn đeo đồng hồ lên trong sự vui sướng của những người tìm kiếm. Tất cả đã bất ngờ, không ai nghĩ cánh tay lại được tìm thấy ở phần taluy dương (bên vách núi)" - thiếu tá Dũng kể lại.
Theo thiếu tá Dũng, qua lời kể của những người trong cuộc, hình dung thời điểm xe mất thắng thì tài xế đã dựa vào núi để giảm tốc độ. Có thể vì thời điểm ấy cánh tay Su Sal ngồi gần cửa sổ nên bị cắt bởi vách đá. Khi các bác sĩ Trung tâm cấp cứu 115 sơ cứu ban đầu với cánh tay cũng là lúc thùng xốp chứa đá được mang lên từ dưới vực để ủ ướp.
Chuyến xe cấp cứu tiếp theo ngoài chở theo một nạn nhân trong vụ tai nạn còn mang theo một thùng xốp, thắp lên hi vọng của cô gái mới tuổi đôi mươi. Thiếu tá Dũng cũng có mặt trên chuyến xe cứu người tiếp theo để làm cầu nối thông tin giữa hiện trường và bệnh viện.
Thiếu tá Dũng, người tìm thấy cánh tay nữ sinh viên Su Sal - Ảnh: TR.TRUNG
Chữa lành nỗi đau
Tại Bệnh viện Đà Nẵng, dù luôn hi vọng sẽ tìm được cánh tay nhưng các bác sĩ cũng đã sẵn sàng cho trường hợp xấu nhất là phải phẫu thuật "sửa mỏm cụt" (tức phẫu thuật mà không có cánh tay, vì giữ lại tính mạng cô gái là ưu tiên hàng đầu).
Khi nghe thông tin chiếc xe cấp cứu đang mang cánh tay vượt đèo dốc về thành phố, mọi bước xử lý vết thương ban đầu đã được thực hiện xong, các bác sĩ chuẩn bị cho ca mổ kéo dài 5 tiếng đã được sẵn sàng để nối lại, giảm đi bất hạnh cho Su Sal.
Theo bác sĩ Nguyễn Duy Khánh, khi đến bệnh viện, cánh tay đứt lìa của nữ sinh viên năm cuối này đã trong tình trạng bị nát.
Các bác sĩ buộc phải cắt bỏ phần nát mới thực hiện ghép nối. Do chấn thương đứt lìa ở vùng cao, các bác sĩ phải thực hiện cố định phần chi bị tách rời với cơ thể trước khi tiến hành các bước nối động mạch, tĩnh mạch và mạch máu hệ thống thần kinh.
Với kinh nghiệm hơn 15 năm thực hiện nối chi của Bệnh viện Đà Nẵng, các bác sĩ đều nhận định thông thường với chấn thương đứt lìa ở vùng cao (mất phần chi ở vị trí gần cơ thể), thời gian "vàng" để hi vọng là rất ngắn.
Cơ hội để cứu sống phần chi bị đứt đối với ngón tay thông thường tầm 10 tiếng, bàn tay ước chừng 7 tiếng và cánh tay chỉ chừng 3 tiếng.
Nếu vượt quá thời gian này, hi vọng làm sống lại đoạn chi bị đứt rời là rất thấp. Hơn nữa, ưu tiên đầu tiên vẫn là phải giữ được tính mạng cho bệnh nhân, do vậy việc làm cấp bách vẫn là đảm bảo được môi trường khép kín của cơ thể, làm sạch vết thương để tránh nhiễm trùng, hoại tử.
"Cả ban lãnh đạo bệnh viện và các êkip phải hội chẩn tích cực để chạy đua đảm bảo thời gian "vàng" cứu sống cánh tay cho Su Sal" - bác sĩ Khánh nói.
Trưa 9-1, trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Phạm Trần Xuân Anh, phó giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, vui mừng thông báo sau ca phẫu thuật kéo dài 5 tiếng đã nối thành công cánh tay cho Su Sal. "Kết quả trước mắt thì phần chi đã được nối liền với cơ thể, sau khi nối đã hồng và ấm.
Cần thời gian rất dài mới biết được khả năng phục hồi chức năng của phần chi được nối. Tuy nhiên, sự nỗ lực từ hiện trường đến phòng mổ đã có kết quả khả quan, tránh cú sốc quá lớn trong đời cho cô gái trẻ" - bác sĩ Anh nói.
Sức khỏe các nạn nhân dần ổn định
Hiện nay còn 12 bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng, trong đó có nhiều bệnh nhân sức khỏe đã ổn định, nhiều bệnh nhân chấn thương mô mềm có thể điều trị ở tuyến dưới. Trong sáng 9-1, nữ sinh viên Vũ Thị Thảo tử nạn cũng được gia đình và nhà trường đưa về quê lo hậu sự.
Theo bác sĩ Phạm Trần Xuân Anh, vì điều kiện các bệnh nhân đều ở xa, không có người chăm sóc nên bệnh viện thống nhất giữ lại toàn bộ để các sinh viên này có điều kiện chăm sóc lẫn nhau. Bác sĩ Anh nhận định phần lớn các bệnh nhân chấn thương mô mềm có thể xuất viện trong một tuần tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận