Nhiều cán bộ và nhân viên Viettel đã có trải nghiệm với Mobile-Money từ cuối năm 2020 - Ảnh: V.L.
Trước đó, Thủ tướng đã ban hành quyết định phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money) với thời gian thí điểm trong hai năm, kể từ ngày 9-3.
Hạ tầng kỹ thuật đã sẵn sàng!
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Sơn Hải, phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền thông VNPT (thuộc Tập đoàn VNPT) - đơn vị triển khai dịch vụ Mobile-Money của VNPT, cho biết doanh nghiệp (DN) này đang chuẩn bị hồ sơ gửi Ngân hàng Nhà nước để xin thử nghiệm dịch vụ này. Hồ sơ sẽ bao gồm toàn bộ các phương án về kỹ thuật, phương án quản lý, các quy trình nghiệp vụ... đáp ứng các quy định trong quyết định của Thủ tướng cũng như những quy định trong lĩnh vực ngân hàng, viễn thông.
"Thời điểm chúng tôi cung cấp dịch vụ Mobile-Money cho người dùng tùy thuộc vào thời gian cấp phép của cơ quan chức năng. Hạ tầng, kỹ thuật chúng tôi đã thử nghiệm và sẵn sàng rồi, chỉ cần được cấp phép là VNPT sẽ cung cấp dịch vụ Mobile-Money cho người dùng ngay. Tôi hi vọng sớm nhất có thể là một tháng nữa" - ông Hải chia sẻ.
Trong khi đó, Tập đoàn Viettel cho biết đã triển khai thử nghiệm thành công Mobile-Money cho 40.000 khách hàng nội bộ, sẵn sàng cung cấp dịch vụ tới 100% khách hàng Viettel ngay khi được cấp phép. Với mạng lưới viễn thông phủ sóng toàn quốc, Viettel khẳng định có đủ năng lực đưa Mobile-Money tiếp cận đến cấp xã phường tại các địa phương.
Dịch vụ Mobile-Money của Viettel sẽ thúc đẩy thanh toán không tiền mặt mà không cần đến các hình thức ví hay tài khoản ngân hàng - điều mà người dân tại các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo gặp trở ngại. Khách hàng có thể sử dụng dịch vụ này để thực hiện các giao dịch tài chính một cách dễ dàng bằng cả thiết bị thông minh hoặc điện thoại 2G dù không có tài khoản ngân hàng...
"Đây là mục tiêu hoàn toàn khả thi bởi Viettel đã có kinh nghiệm triển khai thương mại tại 6/10 thị trường. Về cách thức vận hành, chi phí, nhân lực đều đã được Viettel tính toán kỹ lưỡng. Ngay từ cuối năm 2020, hơn 40.000 nhân viên Viettel trên cả nước đã tham gia thử nghiệm sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán, chuyển tiền thay cho các giao dịch tiền lẻ", đại diện Viettel thông tin.
Trong khi đó, MobiFone vừa được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, nên nhà mạng này cũng đủ điều kiện tham gia cung cấp dịch vụ Mobile-Money tại VN. "Chúng tôi đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng nộp hồ sơ cho dịch vụ Mobile-Money để có thể bắt tay vào triển khai trong thời gian sớm nhất, ngay khi được Chính phủ cấp phép chính thức nhằm nhanh chóng bước chân vào lĩnh vực đầy hứa hẹn này", một lãnh đạo MobiFone khẳng định.
Hàng chục triệu tài khoản
Trao đổi với Tuổi Trẻ, các nhà mạng cũng cho biết đã chuẩn bị sẵn hạ tầng, kỹ thuật đáp ứng các yêu cầu về an toàn, bảo mật cũng như phòng chống rủi ro, nguy cơ rửa tiền có thể xảy ra. Theo quyết định của Thủ tướng, các DN được thực hiện thí điểm cung cấp dịch vụ Mobile-Money phải có giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ví điện tử và giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần số vô tuyến điện (hoặc là công ty con được cho phép sử dụng hạ tầng, mạng lưới, dữ liệu viễn thông).
Như vậy, các nhà mạng di động tại VN là những đối tượng có khả năng được cấp phép và triển khai cung cấp dịch vụ Mobile-Money đầu tiên. Cũng theo quyết định này, tài khoản Mobile-Money có thể chuyển tiền, thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp tại VN theo quy định của pháp luật hiện hành, phục vụ cho nhu cầu cuộc sống người dân. Việc thanh toán chỉ áp dụng đối với giao dịch nội địa hợp pháp bằng đồng VN tại các đơn vị chấp nhận thanh toán bằng tài khoản Mobile-Money, không được thực hiện thanh toán, chuyển tiền cho các hàng hóa, dịch vụ cung cấp xuyên biên giới.
Người dùng dịch vụ Mobile-Money có thể nạp, rút tiền mặt trực tiếp tại các điểm kinh doanh được cấp phép hoặc từ tài khoản thanh toán tại ngân hàng, hoặc từ ví điện tử của khách hàng tại chính DN cung cấp thí điểm dịch vụ Mobile-Money. Các tài khoản Mobile-Money trong cùng hệ thống của DN thực hiện thí điểm có thể chuyển tiền qua lại lẫn nhau.
Mỗi tài khoản Mobile-Money chỉ được hạn mức giao dịch không quá 10 triệu đồng/tháng cho tổng các giao dịch rút tiền, chuyển tiền và thanh toán. Mỗi người dùng chỉ được mở một tài khoản Mobile-Money tại mỗi DN thực hiện thí điểm. Số thuê bao di động đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile-Money phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất ba tháng liền kề.
Cá nhân đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile-Money phải cung cấp chứng minh nhân dân/ căn cước công dân/ hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký thuê bao di động, được DN thực hiện thí điểm định danh và xác thực theo các quy định của Chính phủ về đăng ký thuê bao di động.
Theo thống kê của Cục Viễn thông, Bộ TT-TT, tính đến hết năm 2020, VN đang có 132,5 triệu thuê bao di động đang hoạt động. Như vậy, đối chiếu với thực tế, số lượng tài khoản sử dụng dịch vụ Mobile-Money tại VN có thể lên đến hàng chục triệu khi được triển khai.
Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
“Tiền di động” - Mobile-Money được dùng trên nền tảng ViettelPay - Ảnh: V.L.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Tiến Dũng - vụ trưởng Vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước - cho biết việc triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money nhằm góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Cũng theo ông Dũng, tài khoản Mobile-Money chỉ được thanh toán cho các giao dịch nội địa, không áp dụng cho các dịch vụ mua bán hàng hóa, dịch vụ ở nước ngoài. Hạn mức giao dịch tối đa là 10 triệu đồng/tháng. Riêng số tiền được nạp vào tài khoản Mobile-Money không bị khống chế. Để chuyển tiền vào tài khoản Mobile-Money, khách hàng có thể nạp tiền mặt vào tài khoản Mobile-Money tại các điểm kinh doanh của DN tham gia thí điểm dịch vụ này. Ngoài ra, có thể nạp tiền từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng hoặc từ ví điện tử của khách hàng tại chính DN thực hiện thí điểm dịch vụ.
"Các cá nhân có tài khoản ngân hàng hay ví điện tử cũng có thể chuyển tiền từ các tài khoản này sang tài khoản Mobile-Money. Chủ tài khoản Mobile-Money cũng có thể nhận tiền từ tài khoản Mobile-Money khác. Việc đa dạng kênh để nạp tiền vào tài khoản Mobile-Money nhằm gia tăng tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng" - ông Dũng nói. Đồng thời cho biết khách hàng có thể rút tiền mặt từ tài khoản Mobile-Money tại các điểm kinh doanh của DN cung cấp dịch vụ này.
L.THANH
Phòng chống rửa tiền
Việc cho phép thí điểm dịch vụ Mobile-Money góp phần thúc đẩy nhanh và mạnh xu hướng thanh toán không tiền mặt tại VN, nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Do đó, theo quyết định của Thủ tướng, khá nhiều hành vi bị cấm khi cung cấp và sử dụng dịch vụ Mobile-Money.
Theo đó, các DN phải thiết lập cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Bộ TT-TT) về các tài khoản Mobile-Money có dấu hiệu liên quan đến hoạt động phạm tội, có hành vi vi phạm pháp luật, các giao dịch bất thường, đáng ngờ. DN cũng phải xây dựng cơ chế tạm khóa/đóng băng các tài khoản Mobile-Money vi phạm ngay khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Để đảm bảo dịch vụ Mobile-Money được sử dụng đúng mục đích, các DN không được thực hiện thí điểm cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile-Money, trả lãi trên số dư tài khoản Mobile-Money hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên tài khoản Mobile-Money so với giá trị tiền khách hàng đã nạp vào tài khoản Mobile-Money...
Các DN, cá nhân cung cấp, sử dụng Mobile-Money không được thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, trao đổi, tặng, cho hoặc mua, bán tài khoản Mobile-Money, thông tin tài khoản Mobile-Money. Đặc biệt, cấm các hành vi cung ứng hoặc sử dụng tài khoản Mobile-Money để thực hiện các giao dịch cho mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
ĐỨC THIỆN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận