Động thái bổ sung tài sản này được thực hiện sau khi Bộ Công an vào cuộc, khởi tố vụ án và bắt tạm giam ông Nguyễn Minh Chuyển (nguyên giám đốc), Trần Anh Huy (nguyên trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp) và cho tại ngoại một cán bộ tín dụng khác.
Trước đó không lâu, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đã ra quyết định cách chức ông Chuyển, Huy cùng Kiều Lưu Phúc Quân (phó phòng), Đỗ Bảo Phong Quế (phó phòng), Nguyễn Thị Mỹ Linh (trưởng phòng Khách hàng) và Trương Thị Sóc Khanh (trưởng phòng Quản lý nợ) xuống làm nhân viên thu hồi nợ. Ngoài ra còn 12 cán bộ nhân viên khác cũng bị kỷ luật với nhiều hình thức khác nhau như kéo dài thời gian nâng lương.
Các bị can và cán bộ bị kỷ luật được cho là trong ký kết hợp đồng tín dụng đã không kiểm tra chặt chẽ, sai quy trình, thiếu trách nhiệm, dẫn tới nợ đọng khó đòi kéo dài lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Các doanh nghiệp được vay số tiền rất lớn nhưng tài sản thế chấp đảm bảo khoản vay nhỏ, làm khống hồ sơ tín dụng, các khoản vay được sử dụng sai mục đích hoặc dùng để trả lãi và đáo nợ, truy trì nhóm nợ tốt để tiếp tục được phát vay.
Theo một báo cáo kiểm toán mới đây, VCB Tây Đô cho biết tổng dư nợ khách hàng đến cuối năm 2014 trên 4.750 tỉ đồng, nhóm nợ cần chú ý (nhóm 2) và nợ xấu (nhóm 3-5) rất nhỏ, chưa tới 0,1%, số còn lại là nợ tốt (nhóm 1). Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, đoàn kiểm toán phát hiện nợ nhóm 2 lên trên 1.900 tỉ đồng, chiếm 40,3% tổng dư nợ; nợ xấu trên 654 tỉ đồng, chiếm 13,8%.
Đoàn kiểm toán cảnh báo nợ xấu trong năm 2015 có thể trên 2.770 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ trên 58% tổng dư nợ. Việc dư nợ xấu nhiều được đoàn kiểm toán xác định do cán bộ chậm nhận biết rủi ro, công tác thẩm định, giải ngân, kiểm soát sau vay chưa chặt chẽ... từ đó tài sản bảo đảm thấp trong khi dư nợ lại rất cao.
Sau khi cách chức hàng loạt cán bộ, VCB Việt Nam đã điều động, bổ nhiệm ông Đỗ Trọng Phát, giám đốc VCB Vĩnh Long làm giám đốc VCB Tây Đô.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận