Dàn diễn viên tưng bừng của Chạy đi rồi tính: Diệu Nhi, Nam Thư, Diễm My, Puka, Việt Hương, bé Trọng Khang và Hứa Vĩ Văn (từ trái qua) - Ảnh: ĐPCC |
Chạy đi rồi tính: Vô lý mà vẫn muốn xem!
Chạy đi rồi tính là một phim hài tươi trẻ, sở hữu một kịch bản tương đối chặt chẽ của bộ đôi đạo diễn “tay ngang” Nam Cito - Bảo Nhân. Cái duyên mà Chạy đi rồi tính có đầu tiên là một dàn diễn viên hợp vai, ai vào vai nấy cứ như được dành sẵn cho mình. Vậy nên, họ được “điên” hết cỡ, chơi hết cỡ và đóng thoải mái, tự tin
Hứa Vĩ Văn “ngọt ngào” vào vai một anh chồng cam chịu, an phận… bán sữa đậu nành. Gương mặt điển trai, dáng vẻ hiền lành, vai Đông Hùng của anh khiến khán giả “nóng máu” vì sự nhu nhược đấy, rồi lại day dứt bởi cái lí lẽ rất đời đến bước đường cùng phải thốt ra: “Là thằng đàn ông không nuôi nổi vợ con, anh không có quyền ngăn cản em tìm một cuộc sống hạnh phúc hơn”.
Diễm My vẫn xinh xắn (dù khổ cách nào) cũng vẫn cứ xinh! Đấy là lợi thế của một “cô đào đẹp”. Nhưng lối diễn xông xáo, không ngại vất vả của cô trong bộ phim này đã phần nào cho thấy nỗ lực thực sự để thoát xác ra khỏi danh hiệu “bình hoa di động” của My là có thật.
Và My cũng đã chứng minh: nếu cần, cô vẫn có thể lấy nước mắt người xem như cảnh cô ca sĩ phòng trà hết thời Elizabeth Phương Trinh phải lạy lục van xin được hát bolero trong một quán nhậu xô bồ để kiếm vài trăm ngàn lẻ chạy chữa cho chồng.
Elizabeth Phương Trinh (Diễm My) diêm dúa bên anh chồng bán sữa đậu nành mộc mạc Đông Hùng (Hứa Vĩ Văn) trong Chạy đi rồi tính - Ảnh: ĐPCC |
Và họ, cặp vợ chồng “như cục nợ” trong mắt nhau đã có một cuộc hành trình dài chạy long tóc gáy từ đầu đến cuối phim: chạy trốn khỏi băng cướp Xà-neo “dị hợm”, chạy khỏi thực tại bế tắc của một cuộc hôn nhân thiếu hạnh phúc và chạy để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: tình yêu chân chính có còn tồn tại trong một xã hội quá vật chất, xô bồ?
Nếu chỉ xem trailer của bộ phim này có lẽ nhiều người sẽ xếp ngay phim vào dạng hài nhảm không nên tốn thời gian. Phim có quá nhiều điểm vô lí, nhiều đoạn xử lí vụng về (như đoạn chạy đuổi cano trên sông), nhiều đoạn thoại ồn ào không cần thiết.
Nhưng không hiểu sao sự hài hước vẫn phát tiết trong phim một cách… vô lí, dù vô lí vẫn phải xem, và càng xem càng bị thuyết phục chính là điều bất ngờ đối với Chạy đi rồi tính. Màu sắc trẻ trung, tươi tắn xuyên suốt của phim cũng rất hợp với không khí của những ngày nhẹ nhàng đón năm mới, nếu khán giả không cần gì hơn là những tràng cười sảng khoái.
Gia đình trời hành và "đặc vụ" Mỹ Lệ Tuyền chạy... xuyên suốt trong phim - Ảnh: ĐPCC |
Đáng tiếc nhất của Chạy đi rồi tính là phim được Cục điện ảnh dán nhãn 16+ khi phát hành, nghĩa là khán giả dưới 16 tuổi sẽ không được “cười bung nắp não” với bộ phim hài khá ngộ nghĩnh này.
Điều này cũng đã xảy ra với bé Trọng Khang - vai Subin, con trai của cặp vợ chồng “trời hành” Trinh - Hùng trong phim khi Trọng Khang chỉ vừa 12 tuổi, em không được vào rạp xem thành quả có phần công sức rất lớn của mình.
Trong Chạy đi rồi tính, vai Subin của Khang như chất kính dính đẩy cặp vợ chồng Trinh - Hùng lại gần nhau hơn, và cũng là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc chạy marathon của phim. Trong buổi ra mắt phim tại TP HCM tối 28-12, Trọng Khang đã bật khóc nức nở ôm “bố” Hứa Vĩ Văn khi phải ngậm ngùi đứng ngoài.
Chờ em đến ngày mai: Sạch sẽ và dễ thương
Được chuyển thể từ truyện dài Anh không là con chó của em của Lê Hoàng với sự chắp bút của Đỗ Đức Thịnh, đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ đã có một "tiền đề" khá tốt để xây dựng nên một tác phẩm vừa vặn.
Toàn bộ phim là câu chuyện về Ly "Cún" (An Nguy) - một cô gái bán gà rán - sống trong một căn nhà nhỏ xinh đầy nữ tính và mộng mơ giống như tính cách của chủ nhân. Ly thần tượng Kevin Vũ (Trấn Thành), ngôi sao đang nổi tiếng nhất của sân khấu ca nhạc, và luôn ấp ủ ước mơ được gặp gỡ, hẹn hò và thậm chí là được đáp lại tình yêu cuồng si đó.
An Nguy và Trấn Thành trong Chờ em đến ngày mai - Ảnh: ĐPCC |
Là một cô gái tốt và chân thành, Ly gặp một người phụ nữ lớn tuổi, giúp đỡ bà để rồi được bà tặng cây bút có phép thuật. Rồi từ cây bút đó, những bất trắc, trớ trêu bắt đầu xuất hiện trong cuộc đời Ly, đẩy cô vào mối quan hệ tay ba Ly - Mít "Chọt" - một tên ăn cướp (Will Nguyễn) và Kevin Vũ.
Nhưng cho dù có xảy ra chuyện gì đi chăng nữa, sự chân thành và tử tế vẫn là điều cốt lõi, đọng lại sau tất cả.
Một điểm cộng khác của phim là kĩ xảo điện ảnh. Có lẽ đây là lần đầu tiên trên màn ảnh rộng Việt Nam hình ảnh một chú chó biết nói với kĩ xảo khớp khẩu hình.
Những phân đoạn từ người biến thành chó hay ngược lại cũng như những cảnh quay Ly ngồi nói chuyện với chú chó luôn là những phân đoạn đáng yêu, hồn nhiên và đầy tiếng cười. Kĩ xảo của bộ phim được sử dụng đắt giá để khán giả không cảm thấy bị bội thực.
Chú chó Mít biết...nói trong Chờ em đến ngày mai - Ảnh: ĐPCC |
Nhạc phim với các bản tình ca của Khắc Hưng như Ánh nắng của anh, Em làm tất cả, Y.Ê.U và Lạc nhau có phải là muôn đời (Triết Phạm) được thể hiện qua các giọng hát Đức Phúc, Erik và Min thực sự là những giai điệu đẹp được sử dụng đúng lúc nhằm nâng cảm xúc của bộ phim lên một cách thành công.
Không thể nói Chờ em đến ngày mai là một tác phẩm xuất sắc nhưng nếu như nhận xét đây là một tác phẩm giải trí thú vị, đầy niềm vui, sự hân hoan và cảm xúc dành cho khán giả thì có lẽ cũng không sai. Nhẹ nhàng như một câu chuyện tình với nhiều cung bậc được tác giả kể một cách thủ thỉ cho người xem như một sự nhắc nhớ về một thời thanh xuân tươi đẹp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận