21/12/2018 09:48 GMT+7

'Chạy' cùng trí tuệ nhân tạo

TƯỜNG HÂN
TƯỜNG HÂN

TTO - Trao đi những gì nhận được, hai tiến sĩ trẻ người Việt trưởng thành từ ĐH Stanford (Hoa Kỳ) mang về quê hương chương trình giảng dạy cập nhật về trí tuệ nhân tạo (AI).

Chạy cùng trí tuệ nhân tạo - Ảnh 1.

Lớp học hiện thực hóa ước mơ của Thức và Thắng mang trí tuệ nhân tạo mới nhất về VN - Ảnh: N.V.

Mong muốn của họ là kết nối cộng đồng kỹ sư, nhà nghiên cứu Việt Nam trong và ngoài nước.

Ngày xa quê, Vũ Duy Thức và Lương Minh Thắng chỉ là những du học sinh 18 tuổi với niềm đam mê máy tính ở đất nước vừa bắt đầu hòa mạng Internet. Ngày trở về, họ trở thành nguồn cảm hứng về nghiên cứu, khởi nghiệp với AI.

Khát khao chân trời mới

Trong căn phòng chừng 30m2 trên đường Pasteur (Q.1, TP.HCM) hiện diện gần 30 người ngồi đăm chiêu hướng lên màn hình, nơi những con số nhảy múa theo "bài ca ma trận" nhằm giải quyết khả năng sử dụng ngôn ngữ tự nhiên cho máy tính.

Đó là không khí say mê đầy thử thách tại lớp học VietAI - dự án phi lợi nhuận đưa các chuyên gia thực hành, nhà nghiên cứu trực tiếp đào tạo những kỹ sư công nghệ thông tin (CNTT) muốn bước chân vào lĩnh vực AI còn mới mẻ.

Vượt qua bài kiểm tra đầu vào, các học viên không kể xuất thân ngành nghề đều đảm bảo năng lực toán và lập trình tối thiểu. Mỗi người bắt đầu khóa học đều được "kích thích" bằng khát khao tìm hiểu chân trời mới và không để tụt hậu quá xa với trình độ thế giới.

Bốn bài tập lớn và một dự án nhỏ là chướng ngại vật để các học viên trưởng thành, bất chấp xuất thân của họ từ nhiều lĩnh vực khác nhau (không nhất thiết CNTT) như sinh học, y dược, kinh tế, viễn thông.

Nhìn thấy tiềm năng ứng dụng rộng rãi của AI, họ cắp cặp đi học để tiếp cận những công cụ, mô hình mới nhất mà thế giới đang sử dụng. Để hành trình tri thức trở nên hấp dẫn, ngoài 20 buổi làm việc với giáo viên, học viên có thêm 5 buổi trò chuyện với khách mời về dự án thực tế.

Tự học AI từ năm 2011, anh Lê Hồng Kỳ, kỹ sư CNTT, chia sẻ động lực tham gia lớp học: "Công việc luôn yêu cầu cập nhật phương pháp mới hiệu quả hơn những kỹ thuật cổ điển. Đó là yếu tố sống còn ở công ty công nghệ. Mình cũng lụi cụi mày mò qua Internet nhưng khá chậm. Lớp học thật sự hữu ích, tạo cho mình áp lực chinh phục kiến thức và quen biết nhiều bạn trẻ sáng tạo".

Với kỹ sư phần mềm Phan Văn Thuyên, AI có thể tối ưu hóa lợi nhuận cho công ty, sinh viên ra trường được doanh nghiệp nước ngoài săn đón. Nhưng điểm hấp dẫn nhất là AI cho anh cơ hội đào sâu hơn về toán, niềm yêu thích từ phổ thông.

"Thực sự có nhiều bài toán mà khi ứng dụng AI sẽ tốt hơn con người, tránh lãng phí thời gian vào hàng đống công việc nặng nề, nhàm chán" - anh Thuyên chia sẻ.

Nhân lực cho cách mạng công nghiệp 4.0

Giải thích cái tên VietAI, trong dịp về TP.HCM, TS Vũ Duy Thức - đồng sáng lập - chia sẻ: "Người Việt mà, đi đâu vẫn muốn quay về đóng góp. Tôi và TS Lương Minh Thắng (nghiên cứu tại Google Brain) tin nước mình có nhiều cơ hội lẫn thách thức cho nghiên cứu và phát triển AI.

Gần đây đã có nhiều startup, tập đoàn trong nước quan tâm, đáp ứng lời kêu gọi cách mạng công nghiệp 4.0 của Chính phủ, đó là dấu hiệu tốt. Vấn đề còn lại là có nguồn nhân lực hay không".

Ngày xa quê, Thắng và Thức chỉ là những du học sinh 18 tuổi với niềm đam mê máy tính ở đất nước vừa bắt đầu hòa mạng Internet. Ngày trở về, họ trở thành nguồn cảm hứng về nghiên cứu, khởi nghiệp với AI, bằng chứng là ngàn hàng người quan tâm qua mạng xã hội và số đơn đăng ký thường xuyên gấp 4-5 lần chỉ tiêu lớp. Sau hơn 8 tháng hoạt động, lớp học đã có khoảng 110 học viên tốt nghiệp đạt yêu cầu.

"Tiềm năng lớn của chúng ta là lực lượng sinh viên, kỹ sư CNTT có tố chất, làm việc tốt nhưng thiếu cọ xát thực tiễn về AI. Những điều họ học trong trường khá cũ và chưa đi sâu vào ứng dụng. Mang chương trình từ ĐH Stanford, Google về, chúng tôi thiết kế để học viên vừa học vừa làm, có kiến thức, kỹ năng để thực hiện các ứng dụng đơn giản, hình dung hướng giải quyết cho bài toán AI lớn hơn" - TS Vũ Duy Thức nhấn mạnh.

Thực tế một số ĐH lớn đã mở khóa học trực tuyến về AI bằng tiếng Anh miễn phí lẫn thu phí cho học viên toàn thế giới. Tuy nhiên, khi lớp học trực tuyến khép lại, đường ai nấy đi nên mong mỏi của người sáng lập VietAI muốn đi xa hơn thế.

"Chúng tôi hi vọng có thể đào tạo nhóm kỹ sư hạt nhân bắt đầu dự án nghiên cứu với chuyên gia nước ngoài. Phải làm quyết liệt, tập trung mạnh mảng đào tạo, nghiên cứu, xây dựng cộng đồng vững mạnh mới hi vọng bắt kịp đà phát triển AI của các nước trong khu vực" - TS Vũ Duy Thức chia sẻ.

Bục giảng của VietAI từng chào đón những nghiên cứu sinh từ ĐH Stuttgart (Đức), ĐH Purdue (Hoa Kỳ), doanh nhân, kỹ sư ở Microsoft, Google, Zalo và nhiều startup ứng dụng AI trong nước. “Nếu ĐH là chương trình đào tạo qua nhiều năm để SV có nền tảng nghiên cứu học thuật, lớp học này tập trung nội dung để học viên đủ hiểu và áp dụng ngay” - anh Nguyễn Hoàng Bảo Đại, giáo viên phụ trách lớp học VietAI, cho biết. Mặc dù vậy, anh Đại nói vẫn rất bất ngờ trước các bạn SV cực kỳ giỏi toán, hào hứng đào sâu cũng như đặt câu hỏi tại sao từ góc nhìn khác biệt.

Lớp học tập trung về AI là cần thiết cho nhóm đối tượng sinh viên, đặc biệt người đang làm về CNTT muốn phát triển sản phẩm. Sự kết hợp giữa kiến thức thực tế đã có và chuyên môn sâu AI sẽ giúp các bạn có đủ hiểu biết, công cụ để phát triển tay nghề ở trình độ cao cấp hơn, hoàn chỉnh sản phẩm AI. Rõ ràng VietAI được thành lập bởi các nhà khoa học người Việt hàng đầu, có uy tín lớn, được vận hành khá chuyên nghiệp, có mục tiêu, tầm nhìn rõ ràng, vì vậy họ có tiềm năng lớn khi kết nối, phát triển cộng đồng AI ở VN.

PGS.TS Quản Thành Thơ (giảng viên khoa khoa học - kỹ thuật máy tính ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM)

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong dạy tiếng Anh

TTO - Các trường cần đầu tư hạ tầng mạng internet, xây dựng học liệu số, video có chất lượng tốt, đồng thời đẩy mạnh e-learning để dạy tiếng Anh.

TƯỜNG HÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp