03/05/2017 09:56 GMT+7

Chạy chọt chỉ định thầu vẫn phổ biến

NGỌC AN thực hiện
NGỌC AN thực hiện

TTO - Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Dương Văn Cận - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng VN - khẳng định tình trạng chỉ định thầu tràn lan vẫn diễn ra ở nhiều địa phương.

Ông Cận nói Luật đấu thầu 2013 quy định rõ chỉ trong trường hợp đặc biệt, những gói thầu mua sắm hàng hóa hoặc thi công trong trường hợp bất khả kháng liên quan đến thiên tai, địch họa; hoặc các gói thầu là bí mật quốc gia, gói thầu khoa học mang tính bí mật, gói tư vấn đặc biệt thì mới được phép chỉ định thầu...

Luật đấu thầu 2013 cũng quy định rõ các hình thức chỉ định thầu, như những gói thầu nhỏ hơn 1 tỉ đồng đối với xây lắp, mua sắm hàng hóa và dưới 500 triệu đồng đối với đấu thầu tư vấn.

Hình thức chỉ định thầu rút gọn được rất đơn giản, tạo hiệu quả cho dự án khi không yêu cầu phải làm thủ tục rườm rà.

Tuy nhiên, tất cả những điều đó đều không chấm dứt được tình trạng chỉ định thầu vẫn đang diễn ra khá phổ biến.

* Tại sao, thưa ông?

- Dù quy định là đấu thầu rộng rãi, nhưng không nhiều địa phương thực hiện nên gây khó khăn cho các nhà thầu.

Như có trường hợp cướp thầu ở Bình Định, hoặc một loạt các tỉnh gây khó khăn cho nhà thầu khi không bán thầu, lấy đủ thứ lý do để không bán hồ sơ mời thầu cho các nhà thầu đến, hoặc không cung cấp hồ sơ mời thầu đi tỉnh ở xa bằng đường bưu điện.

Không chỉ là chủ đầu tư bình thường mà kể cả các cơ quan thực thi pháp luật, làm trụ sở cũng để xảy ra vấn đề này.

Về cơ chế, vẫn còn bất cập, tức là quy định văn bản pháp luật chưa đưa ra những chế tài cụ thể, hoặc chế tài chưa đủ mạnh, nên chủ đầu tư và lãnh đạo các tỉnh, địa phương vẫn chỉ định thầu tràn lan.

Hiệp hội và trực tiếp là tôi đã làm việc với Cục Quản lý đấu thầu, có văn bản về việc phải siết chặt chuyện đó. Đồng thời đề nghị Bộ Kế hoạch - đầu tư phải đi thanh tra, kiểm tra và chỉ đích danh những dự án, trường hợp nào chỉ định thầu.

Trên cơ sở này, có văn bản yêu cầu dừng lại dự án nhằm gây áp lực không được phép chỉ định thầu nữa, nhưng đến nay Bộ Kế hoạch - đầu tư vẫn chưa có văn bản trả lời và đang nghiên cứu.

Thực tế có nhiều dự án, nhà máy đang triển khai dở dang và phải “đắp chiếu” vì hệ lụy từ chỉ định thầu...

Chỉ định thầu có nhược điểm lớn, đây là hình thức thấp nhất trong tất cả hình thức chọn nhà thầu, không có tính cạnh tranh.

Thông thường những nhà thầu yếu kém mới chạy chọt xin chỉ định thầu, còn nhà thầu mạnh không ngại chuyện đấu thầu công khai.

Việc chỉ định thầu thường kèm theo những tiêu cực, xin cho, nên hầu hết những gói thầu này không đem lại hiệu quả, chậm trễ và nâng giá, kéo theo nhiều hệ lụy.

Cụ thể, mỗi dự án, gói thầu kéo dài một năm thường bị tăng mức đầu tư và vốn lên 13 - 15%. Càng kéo dài thời gian khi chỉ định thầu sẽ dẫn tới việc thanh toán theo kiểu “nước lên thì thuyền lên”.

Đã là chỉ định thầu thì không gắn với hợp đồng, có nghĩa không áp dụng được hình thức trọn gói, tức là khi khối lượng tăng lên, đơn giá tăng lên thì thanh toán cũng tăng lên.

Vì vậy những nhà thầu “chạy chọt” thường muốn lựa chọn hình thức chỉ định thầu do họ không thể cạnh tranh được.

Luật đấu thầu 2013 đã khắc phục tình trạng này, song rất tiếc là chưa đưa ra những chế tài để quản lý chặt chẽ hơn.

* Theo ông, biện pháp nào để quản lý chặt chẽ hoạt động đấu thầu, đảm bảo công khai minh bạch?

- Quan trọng nhất vẫn là chế tài trong quản lý chỉ định thầu, chế tài chủ đầu tư nếu gây khó khăn cho các nhà thầu về hồ sơ.

Luật đấu thầu nêu vấn đề công khai minh bạch, nhưng khi thực hiện lại không thực hiện như vậy do Nhà nước chưa có chế tài đủ mạnh đối với chủ đầu tư.

Hoặc nếu thấy có hiện tượng như vậy thì Nhà nước, cơ quan quản lý phải có thanh tra, kiểm tra, giám sát, ra văn bản yêu cầu tạm dừng triển khai thì mới ngăn chặn được tình trạng này.

NGỌC AN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp