Những chiếc xe đạp thồ nặng trĩu rau giữa đêm khuya giá buốt - Ảnh: MAI THƯƠNG
Nghề rau ai làm mới biết, chăm chút từng cành lá, nâng niu như đứa trẻ. Thời tiết lạnh nhiều ngày không sợ bằng lạnh nồm một hôm sẽ hỏng hết, nhất là súp lơ. Chúng tôi nhìn mớ rau héo úa thì lòng cũng buồn như bánh đa gặp nước.
Bà Khúc Thị Tỵ
Trời rét hại. Mọi người được cảnh báo giữ ấm cơ thể, hạn chế ra ngoài lúc đêm khuya. Nhưng bà con vùng rau Yên Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội) không thực hiện được cảnh báo đó. Họ vẫn cùng những chiếc xe đạp chất đầy rau củ ra chợ mỗi đêm khuya bất kể giá rét buốt như cắt xương thịt.
Đầm trong giá rét thu hoạch rau
Hình ảnh chiếc xe đạp thồ với giỏ sắt hai bên quen thuộc tới nỗi "chỉ cần nhìn xe là biết người làng mình". Ngoài chở rau ra chợ đêm, chiếc xe còn đưa bà con đi thăm nhau quanh làng, mua một túi thức ăn, một cái áo mới dù hai bên giỏ trống không.
Buổi chiều, tôi cũng theo những chiếc xe đó ra đồng rau quả xanh mướt mắt. Cứ lối đi nào có chiếc xe hai giỏ dựng trên bờ thì dưới ruộng có bà con đang lom khom. Mùa thu hoạch cà chua, bắp cải, hoa súp lơ...
Trời chiều vẫn còn nắng nhưng nhiệt độ đã giảm mạnh, hơi lạnh bay theo giọng nói trước mặt. Ở ruộng cà chua và hoa súp lơ, vợ chồng ông Nguyễn Đức Phúc và bà Nguyễn Thị Đạo đã ngoài 70 tuổi vẫn cặm cụi thu hoạch.
Gần đó, hai chiếc xe đạp thồ dựng liền nhau của bà Nhâm và bà Dung đã đầy mẹt cà chua đỏ thẫm. Bà Nhâm đang bẻ bớt cành hoa súp lơ, dồn bó lại cho gọn. Tôi đứng ngoài đồng một lát đã thấm gió lạnh tê cứng người, buốt cả mũi, ù cả tai nhưng họ vẫn vui vẻ làm việc bình thường.
Trời nhá nhem tối, các nông dân trên những chiếc xe trĩu nặng rau quả trở về làng. Sau bữa cơm tối, bà con lại tiếp tục cặm cụi làm việc. Họ chọn bỏ quả hỏng, chia rau thành từng bó nhỏ. Những đôi tay thâm đen vì nhựa rau, nhăn nhúm trong giá lạnh vẫn thoăn thoắt nhặt bó.
Có những loại rau phải đến nửa đêm họ mới đi cắt cho tươi. Nhưng muộn nhất thì 3h sáng họ phải "hành quân" ra chợ. Người đi chợ đầu mối Mai Động, người đi Yên Sở, gần đây nhiều bà con chọn đi chợ Văn Điển cho tiện.
Con đường giữa cánh đồng mùa đông gió rét thổi thấm buốt thịt xương, dù đi hướng nào bà con cũng phải vượt qua một con dốc gọi là Dốc Đê. Những năm đường chưa đổ bêtông, ánh đèn chưa có, con dốc càng cao. Bà con phải rủ nhau đi cặp đôi, đến dốc người này phải dựng xe đẩy giúp người kia để vượt qua.
"Giờ thì dốc được làm bớt cao, nhưng chân tay lại già yếu rồi, nhiều lúc vẫn phải xuống đẩy xe qua mới được" - bà Khúc Thị Tỵ vừa nói vừa xoa đầu gối. Họ đi chợ gần nhất cũng phải hơn 5km đường. Nhiều phụ nữ lớn tuổi bị cóng tay chân, chảy nước mũi và khục khặc ho trên đường đến chợ.
Thương lái nhanh chóng chọn được rau quả tươi ngon của bà con - Ảnh: MAI THƯƠNG
Những cô hàng rau U60
"Bây giờ lớp trẻ chọn nghề khác, nhìn lại những người làm rau toàn ông bà già" - ông Nguyễn Văn Thịnh, trưởng thôn 3, xã Yên Mỹ, bộc bạch. Thôn 3 có khoảng 600 hộ dân, số hộ làm rau màu còn gần 60%. Ông Thịnh liệt kê những ông bà từ 55 tuổi đến hơn 60 chiếm đa số.
Ông cũng đọc tên vợ chồng già nhất là ông Phúc và bà Đạo mà tôi đã gặp ở ngoài cánh đồng. Hai ông bà đã tuổi 75 và 76, vẫn chăm lo tới 6 sào rau màu. Bà Nhâm cũng 61 tuổi, bà Dung 59 tuổi dù chỉ một mình vẫn canh tác 4-5 sào rau, trong khi các ông chồng đều đã mất.
Bà Tỵ cũng ngấp nghé tuổi 60, dù chân bị bệnh xương khớp đau nhức nhưng bà là người làm nhiều và đa dạng cây trồng nhất. "Tôi chỉ gắng chở xe rau nhẹ thôi, còn con rể giúp chở bằng xe máy ra chợ" - bà Tỵ khen chàng rể chịu khó.
Bà Nhâm có hai con trai đã có gia đình riêng, công việc tự do, không ai làm rau cùng mẹ. Kinh tế họ đều bấp bênh, tiền bạc nhiều khi trông chờ vào gánh hàng rau của mẹ.
Bàn tay thâm đen của ông Phúc sau buổi thu hoạch rau - Ảnh: T.LÊ
Phiên chợ đêm đông
Đêm đông rét buốt, chợ đầu mối rau quả vẫn nhộn nhịp từ lúc 3h-4h sáng. Người nông dân vui vẻ mời chào thương lái những mớ rau tươi ngon do chính tay họ chăm sóc kỹ càng. Giá buốt dường như dịu bớt bởi không khí thân quen, mua nhanh, bán nhanh của hai bên.
Độ tươi ngon không cần phải bàn vì đã quá uy tín, chỉ cần giá cả phải chăng sẽ được xếp túi đặt lên bàn cân ngay. Nhiều thương lái mua số lượng lớn, mang cả ôtô đến chở. Phiên chợ chỉ diễn ra độ hai tiếng. Khoảng 5h30 sáng, bà con đã đạp xe không ra về và hình như lúc đó họ thấm lạnh hơn.
Mỗi xe rau thời điểm đắt hàng có thể cho thu nhập 300.000-400.000 đồng. Nhưng "làm rau cũng giống chăm con, không thể để con bị hư hỏng mà vứt bỏ, hay con đến tuổi lấy chồng mà không cho xuất giá" - ông trưởng thôn vui vẻ nói. Ông Thịnh cũng là người tâm huyết với nghề trồng rau và từng nhiều chục năm chở rau đi bán khắp phố phường Hà Nội.
Ông Thịnh nhiều lần nhắc chuyện bán rau đêm rất vất vả: "Buổi tối chất một xe đầy rau mà nghe tiếng mưa lộp độp thì trằn trọc không ngủ được, sợ không đi bán được rau sẽ hỏng". Đêm đông vừa rét vừa mưa thì người cũng bệnh, nói sao rau không hư.
Bà Tỵ còn kể cho tôi chuyện buồn của chị Nguyễn Thị Thúy. Chị cùng đi bán rau đêm với bà, hôm vừa qua dốc đê, bị xe máy của kẻ say rượu lao vào. Chị Thúy bị bắn vào vệ đường, đầu va cột mốc vỡ sọ não. Ai cũng nghĩ chị không qua khỏi, kẻ đụng chị cũng nghèo rớt mùng tơi.
Chị được người bà con có điều kiện đưa ra Bệnh viện 108 cứu khi bệnh viện ban đầu trả về. May mắn sống sót nhưng chị Thúy không còn khả năng lao động. "Lúc bị tai nạn, Thúy 45 tuổi, giờ sắp 50 rồi. Gia đình cũng hoàn cảnh mà giờ càng thêm gánh nặng" - bà Tỵ bùi ngùi.
Nắng ngày mới chớm ửng hồng, hơi rét vẫn phả ra miệng người trồng rau đang tâm sự với tôi. Gương mặt nhiều người nhăn lại vì giá buốt...
Vựa rau Hà Nội
Bà Nguyễn Thị Đạo thu hoạch súp lơ được mùa - Ảnh: TÂM LÊ
Yên Mỹ là vựa rau lâu đời của Hà Nội, cung cấp một phần không nhỏ rau xanh cho nội thành. Đất đai màu mỡ nhờ phù sa sông Hồng bồi đắp. Diện tích rau màu của xã còn khoảng 50ha, chính quyền và người dân nơi đây đã xây dựng được hợp tác xã rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap.
"Hiện nay có Công ty An Phát đã về đặt mua của bà con nhưng một mình họ mua cũng không hết được nên bà con vẫn phải đi chợ đêm" - ông Thịnh cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận