14/10/2014 07:56 GMT+7

​Cháy bỏng ước mơ trở thành bác sĩ

VÂN ANH
VÂN ANH

TT - Cô học trò Trần Thị Ngọc Tuyền (ấp Gò Nổi, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM) mạnh mẽ vượt lên trên nỗi đau để nuôi giấc mơ trở thành bác sĩ.

Đan lát là công việc thường ngày của nữ bác sĩ tương lai Ngọc Tuyền - Ảnh V. Anh
Đan lát là công việc thường ngày của nữ bác sĩ tương lai Ngọc Tuyền - Ảnh V. Anh

Từ bé phải chứng kiến cảnh bệnh tật cướp đi mạng sống của bố và những người thân quen, cô học trò Trần Thị Ngọc Tuyền (ấp Gò Nổi, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM) mạnh mẽ vượt lên trên nỗi đau ấy cùng gia cảnh khốn khó để nuôi giấc mơ trở thành bác sĩ.

Trưa 27-8, cầm trên tay tờ giấy báo trúng tuyển ngành y đa khoa Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Tuyền chạy xe thật nhanh từ Trường THPT Trung Lập về nhà. Khuôn mặt rạng ngời, em ôm chầm ngay lấy người mẹ vừa tan ca làm về, trước hiên nhà hai em trai của Tuyền đang ngồi đan lát cũng mừng rỡ reo lên.

Trong căn nhà nhỏ bé, niềm vui ồn ã chỉ đến trong chốc lát, giọt nước mắt chảy trên khóe mi hòa cùng những giọt mồ hôi trên gương mặt hai mẹ con Tuyền. Tuyền ngậm ngùi: “Bên trường người ta báo học phí kỳ này gần 4 triệu đồng mẹ à...”.

Suốt những năm học phổ thông, Tuyền đã quyết học thật giỏi để thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ. Lần lượt chứng kiến cảnh người thân xung quanh ra đi vì bệnh tật hành hạ, rồi bốn năm trước căn bệnh lao phổi cũng mang bố đi, Tuyền không thể cầm lòng khi biết bố đã giấu bệnh trước đó từ lâu, âm thầm chịu đựng những cơn đau và ra đi nhanh chóng sau chỉ một tháng.

Từ đó, cô học trò càng quyết tâm nung nấu ước mơ trở thành một bác sĩ giỏi. “Mẹ em bây giờ vì lao lực quá nên cũng bị đau lưng, nhức mỏi thường xuyên. Em mong được khoác trên mình chiếc áo blouse trắng bác sĩ để có thể chữa bệnh cho mẹ” - Tuyền tâm sự.

Để thực hiện ước mơ đó, cô học trò nghèo đã gạt nước mắt và tự động viên mình trong những đêm thức trắng bên bàn học, bên tai vẳng lời dặn dò của bố: “Cố gắng học hành để kiếm cái nghề ổn định cho bớt khổ”.

Ở quê Tuyền có nghề đan lát nên từ nhỏ Tuyền đã sớm thành thạo nghề, em tranh thủ làm sau những giờ học ở trường. Gần đây, Tuyền nhận đan nắp giỏ với giá 700-1.000 đồng/chiếc. Ngày nào được nghỉ học, mấy chị em phụ nhau cùng đan từ sáng sớm đến tối khuya mới được gần 200 chiếc.

Hai em trai của Tuyền đứa lớn học lớp 10, đứa nhỏ mới lớp 5 một buổi đi học, khi ở nhà dẫn nhau đi bắt ốc mò cua, soi nhái để cải thiện bữa cơm gia đình.

Một nửa ước mơ blouse trắng của cô tân sinh viên đã thành hiện thực, nhưng con đường còn lại để đi đến đích ước mơ ấy vẫn còn quá chông chênh.

Những giọt nước mắt lăn dài trên má bà Nguyễn Thị Út Nhỏ, mẹ Tuyền, khi tâm sự: “Con người ta đậu ĐH thì mừng, con mình đậu ĐH lại càng lo. Đời tôi đã khổ vì thiếu học, tôi không muốn để các con phải khổ như mình, thôi thì sức còn tới đâu tôi cố lo cho con tới đó vậy”.

Trong khi đó cô sinh viên lòng luôn trăn trở bởi lẽ: “Đi học phải ở trọ xa nhà, chi tiêu sinh hoạt đắt đỏ, chưa kể học phí suốt sáu năm. Mình đi kiếm việc làm thêm, nhưng vừa học vừa làm vậy có đảm bảo học tốt khi môn học ngành y rất nặng và khó? Lo được cho mình học thì mẹ ở nhà làm sao nuôi nổi hai đứa em để không phải bỏ học giữa chừng?”.

Mỗi chiều Nhung phụ mẹ rửa khoai lang - Ảnh: A.Lộc
Mỗi chiều Nhung phụ mẹ rửa khoai lang - Ảnh: A.Lộc

 

Cô bé bán khoai và ước mơ giúp học trò nghèo

16 năm trước (1998), Trần Bình Gấm, cô bé bán khoai đậu ba trường ĐH, đã trở thành một câu chuyện cổ tích về nghị lực vươn lên để nuôi dưỡng giấc mơ đến trường.

16 năm sau, cũng có một cô bé bán khoai vào ĐH với ước mơ được giúp đỡ nhiều người khác bằng việc học. Đó là cô tân sinh viên Đinh Thị Tuyết Nhung ở Bình Dương.

Sinh ra đời Nhung chỉ có mẹ và bà ngoại là người thân. Nghề làm thuê ở các xưởng gốm của mẹ khi có khi không, không thể đủ trang trải cho bà ngoại già yếu và Nhung đến trường nên gánh khoai của mẹ đã ăn sâu vào ký ức của Nhung.

Gánh khoai được chủ nhà trọ cho thuê đặt bán trước nhà để gia đình có thêm thu nhập. Cứ 3g sáng Nhung lại thấy mẹ dậy nhóm lửa luộc khoai, mùi khoai luộc thơm lừng xộc vào mũi em. Nhiều đêm chợt tỉnh giấc, Nhung nhẹ nhàng lại ngồi gần mẹ học bài bên bếp lửa.

Ngày nào cũng vậy, dù trời nắng hay mưa, mẹ Nhung vẫn đều đặn nấu khoai bán, đến 8g lại chạy qua công ty gốm làm. Ngày bán hết thì lời 40.000-50.000 đồng, có những hôm mưa không bán được cả nhà phải ăn khoai trừ cơm.

Năm Nhung vào lớp 10, trường quy định nữ sinh phải mặc áo dài nhưng mẹ không có tiền may áo cho con, phải xin áo dài cũ của người thân sửa lại cho Nhung mặc, suốt năm lớp 10 em chỉ có cái áo đó.

Những ngày mưa bão, đồ chưa khô kịp em phải mặc quần tây áo sơmi trắng đến lớp. Phải đến năm lớp 11, mẹ Nhung mới dành dụm đủ tiền may thêm một cái áo dài cho con gái.

Suốt 12 năm học Nhung đều đạt thành tích khá giỏi. Ngoài giờ học, Nhung còn phụ mẹ ra chợ lấy khoai về nhà, rửa sạch, chuẩn bị củi khô cho mẹ nấu khoai. Hôm nào nghỉ học Nhung lại ôm thúng khoai theo mẹ đi bán.

Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH vừa rồi, Nhung đậu ngành sư phạm tiểu học Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương). Nhung chia sẻ lý do chọn ngành này vì rất ngưỡng mộ những thầy cô từng giúp đỡ mình rất nhiều trong cuộc sống.

Nhung cũng muốn trở thành giáo viên để được giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, học ngành sư phạm được miễn học phí nên sẽ đỡ gánh nặng cho mẹ hơn.

LIỀU A LỘC

“Tiếp sức đến trường” 7 tỉnh, thành Đông Nam bộ

Lúc 19g ngày 14-10-2014, tại hội trường Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” thuộc chương trình “Vì ngày mai phát triển” lần thứ 385 của báo Tuổi Trẻ sẽ được tổ chức nhằm tuyên dương, trao học bổng cho 211 tân sinh viên học giỏi, vượt khó vừa trúng tuyển CĐ-ĐH năm 2014 của các tỉnh thành: TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tổng kinh phí học bổng 1 tỉ 55 triệu đồng (5 triệu đồng/suất) từ nguồn ủng hộ của Giải golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường” (do Công ty CP phân bón Bình Điền, VTV9 và báo Tuổi Trẻ tổ chức), Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Ủy ban Tương trợ người VN tại Đức, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng, Công ty cổ phần TV-TM-DV địa ốc Hoàng Quân, Saigon Co-op, Công ty TNHH sản xuất Duy Lợi, Công ty TNHH TM&DV Nụ Cười Vui, gia đình đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, bà Đoàn Tuyết Anh và bạn đọc báo Tuổi Trẻ.

Hành trình “Tiếp sức đến trường” năm 2014 bắt đầu từ ngày 22-8-2014 với 12 điểm trao tại Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Nghệ An, Đắk Lắk, Hà Giang, Hà Nội, Yên Bái, Tiền Giang, Khánh Hòa, Cần Thơ và TP.HCM. Chương trình đã tiếp sức cho 1.850 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thuộc 63 tỉnh, thành. Tổng kinh phí chương trình hơn 10,8 tỉ đồng, bao gồm 9,25 tỉ đồng học bổng (5 triệu đồng/suất) và 1,55 tỉ triệu đồng quà tặng, tổ chức các lễ trao học bổng cho tân sinh viên.

TỐ OANH

 

VÂN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp