Bác sĩ tim mạch Đinh Huỳnh Linh - Ảnh: KX
Đó là chia sẻ của bác sĩ Đinh Huỳnh Linh - Viện Tim mạch Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai).
Tham gia chạy bộ 5 năm, thành tích trên đường chạy và những hoạt động mà bác sĩ Đinh Linh đã làm cho cộng đồng khiến anh được mệnh danh là người truyền cảm hứng của giới chạy marathon VN.
Chạy 80-100km/tuần
* Tôi thấy anh rất gầy so với những tấm ảnh của vài năm trước, chắc hẳn đó là thành quả mà chạy bộ đem lại, thưa bác sĩ ?
- BS Đinh Huỳnh Linh: Thực ra tôi không quan tâm đến cân nặng khi chạy bộ, tuy nhiên cân nặng xuống một cách tự nhiên theo quá trình chạy. Trước kia tôi nặng 71kg với chiều cao 1,73m, sau 5 năm chạy giờ tôi 61kg.
* Cơ duyên nào đưa anh đến với chạy bộ chứ không phải là một môn thể thao khác ?
- Trước đây tôi có chơi bóng rổ nhưng các hoạt động thể thao này diễn ra không thường xuyên. Giai đoạn đầu sau khi tốt nghiệp đại học và trở thành bác sĩ nội trú tôi gần như không tập thể thao. Dù cường độ làm việc cao, căng thẳng nhưng khi đó còn trẻ nên tôi không gặp bất cứ vấn đề gì về sức khỏe.
Năm 2012-2013 tôi có một năm làm việc tại Viện Tim mạch Quốc gia Singapore, khi đó các đồng nghiệp của tôi tại đây rủ tôi đi chạy bộ nên tôi mới đi chạy. Khi trở lại VN tôi tiếp tục chạy và kết nối với những người tham gia chạy tại Hà Nội để cùng tập luyện.
Tôi chạy cự ly 21km đầu tiên vào tháng 10-2013, tháng 2-2014 hoàn thành cự ly 42km đầu tiên với thời gian 4 giờ 27 phút.
* Bác sĩ có gặp chấn thương như người thường khi chạy bộ ?
- Không ngoại lệ, khi chạy bộ tôi cũng gặp phải nhiều chấn thương nhưng không nặng. Lý do bởi tôi tăng khối lượng từ từ, tìm hiểu kỹ về khoa học chạy bộ. Dù vậy cũng có một thời điểm tôi bị chấn thương phải nghỉ tập 1 tháng do bị đau dải chậu chầy vì tập luyện quá sức.
Chạy bộ với một bác sỹ tim mạch
* Là bác sĩ ở bệnh viện đầu ngành về tim mạch tại VN có ngày làm việc tới 14h, làm cách nào để anh có thời gian chạy marathon ?
- Chạy bộ chỉ là một thú vui nho nhỏ trong cuộc sống, ngoài ra mỗi chúng ta còn cần ưu tiên thời gian cho nhiều việc khác như gia đình, công việc. Tôi cố gắng sắp xếp thời gian biểu để có thể chạy bộ. Tùy lịch từng ngày mà tôi có thể chạy lúc 4h sáng, 12h trưa, 17h chiều hay 22h đêm. Quãng đường chạy rất linh động từ
10-30km/buổi tập. Từ năm 2014 đến nay tôi dự khoảng 6-7 giải marathon. Sau 5 năm chạy bộ tôi gần như không ốm, thể chất và tinh thần bớt căng thẳng hơn rất nhiều. Nhiều lúc công việc quá stress nhưng chạy xong thì tôi trở lại trạng thái bình thường.
* Chạy bộ và bệnh tim mạch có mối liên hệ nào với nhau ? Sau khi chạy bộ anh có tư vấn cho bệnh nhân của mình chạy để tăng cường sức khỏe tim mạch ?
- Trước đây, nguyên nhân tử vong hàng đầu là các bệnh lý lây nhiễm như viêm phổi, lao, HIV,… Ngày nay, gánh nặng bệnh tật chủ yếu do các bệnh lý không lây truyền như ung thư, bệnh tim mạch chuyển hóa, bệnh đái tháo đường...
Tập luyện thể thao nói chung và chạy bộ nói riêng rất tốt cho sức khỏe tim mạch. Điều này tôi đã biết từ khi là bác sĩ chứ không phải khi chạy bộ. Tập thể dục đều đặn giúp giảm cân, giảm mỡ máu, giảm căng thẳng, tránh nguy cơ xơ vữa mạch máu và nhiều bệnh lý tim mạch khác.
Marathon kết nối cộng đồng
* Không chỉ tham dự các cuộc thi marathon tại VN, anh còn thường xuyên tham dự các cuộc thi lớn trên thế giới. Sự khác biệt giữa các giải ở VN và quốc tế là gì?
- Trong 5 năm qua tôi dự một số giải marathon ở Mỹ, Singapore, Đan Mạch. Rõ ràng công tác tổ chức và thi đấu ở các cuộc thi marathon lớn như vậy rất chuyên nghiệp so với VN.
Khác biệt lớn nhất là BTC các giải marathon quốc tế thường không phải đối mặt với mật độ giao thông đông đúc như tại VN. Điều này khiến công tác tổ chức đơn giản hơn nhiều, chi phí tổ chức giải cũng giảm xuống.
Thứ hai là thái độ của chính quyền và cộng đồng ở các quốc gia phát triển với marathon cũng tích cực hơn ở VN.
Ví dụ khi tôi chạy ở Đan Mạch qua các ngã tư, ô tô sẽ dừng 5-10 phút nhường đường cho VĐV, thậm chí họ rung chuông cổ vũ VĐV thi đấu. Nhiều người dân ra đường khiêu vũ, mang các nhạc cụ ra chơi để cổ vũ đoàn chạy.
Cả chính quyền lẫn mỗi người dân đều coi đây là một sự kiện văn hoá chung của thành phố họ và họ tìm cách để sao cho giải đấu đẹp đẽ, chuyên nghiệp, tận dụng nó như một dịp để quảng bá về thành phố, thúc đẩy thể thao, văn hoá, du lịch.
Còn ở VN, mọi người chỉ nhìn thấy rằng một đoàn người chạy bộ cản trở việc giao thông và các hoạt động sinh hoạt, kinh doanh thường ngày.
* Thật ngạc nhiên khi tôi thấy anh xây dựng chương trình huấn luyện cho các VĐV phong trào trên website cá nhân chay365.com ?
- Tôi tin rằng bản thân cũng như tất cả mọi người đều có thể tiến bộ vượt bậc nếu có đủ đam mê, thời gian, cộng thêm một giáo án tập luyện phù hợp. Một chương trình hợp lý - bao gồm các bài tập chạy bộ và chế độ dinh dưỡng, tập cơ bắp sẽ giúp chúng ta đạt được mục tiêu, tránh được chấn thương.
Vì thế tôi cùng website chay365.com lập ra chương trình huấn luyện nhằm giúp những ai yêu chạy bộ có thể chạy nhanh hơn, bất kể ở cự ly nào từ 5km- 70km. Mục đích chính là tạo thói quen tập luyện trách nhiệm, nghiêm túc cho cộng đồng chạy bộ, .
Đạt chuẩn tham dự marathon Boston
Bác sĩ Đinh Huỳnh Linh (36 tuổi, tên thường gọi là Đinh Linh) từng đỗ thủ khoa đầu vào 2000 và tốt nghiệp thủ khoa của Đại học Y Hà Nội năm 2006, ngành bác sĩ đa khoa.
Sau khi ra trường Đinh Linh là bác sĩ nội trú tại Viện Tim mạch Quốc gia từ năm 2007-2010. Năm 2012-2013 bác sĩ Đinh Linh làm việc tại Viện Tim mạch Quốc gia Singapore. Hiện bác sĩ Đinh Linh làm việc tại Viện tim mạch Quốc gia VN (thuộc Bệnh viện Bạch Mai) và là giảng viên bộ môn Tim mạch - Đại học Y Hà Nội.
Tháng 11-2017 bác sĩ Đinh Linh tham dự giải Anthem Richmond Marathon (Virginia - Mỹ) và hoàn thành cuộc đua trong thời gian 3 giờ 5 phút 41 giây. Với thành tích này Đinh Linh là số ít người VN đạt chuẩn tham dự Boston Marathon- niềm mơ ước của những người tham gia chạy bộ.
Không chỉ là marathoner xuất sắc, bác sĩ Đinh Linh còn là HLV chạy bộ, hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị tổ chức các giải marathon. Anh là người sáng lập trang web về chạy bộ: chay365.com, huấn luyện, chia sẻ tất cả kinh nghiệm, kiến thức về chạy bộ như giáo án tập, dinh dưỡng, giày, quần áo, chấn thương...
Bác sĩ Đinh Huỳnh Linh dự Kizuna
Một lần chạy bộ của bác sĩ Linh trên đường phố Hà Nội. Anh sẽ tham gia cuộc chạy Ekiden sáng 18-11 - Ảnh: KX
Bác sĩ Đinh Huỳnh Linh sẽ tham dự giải chạy tiếp sức Kizuna Ekiden diễn ra sáng 18-11 tại bờ hồ Hoàn Kiếm do báo Tuổi Trẻ đồng tổ chức.
Theo danh sách đăng ký, bác sĩ Linh là đội trưởng của đội chạy Doctor 1 và sẽ chạy ở vị trí thứ tư trong số 4 VĐV. Cùng đội chạy với bác sĩ Linh còn có các thành viên: PGS, bác sĩ Nguyễn Quang Nghĩa (giám đốc Trung tâm ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), anh Trần Hoàng Quân, cháu bé Nguyễn Quang Minh.
Trong những ngày này để chuẩn bị cho giải đấu, bác sĩ Linh đều có trao đổi để hướng dẫn các thành viên trong đội tập luyện, lên chiến thuật thi đấu.
Đội chạy Doctor 2 đang tập luyện chăm chỉ và hướng tới mục tiêu tranh giải tại cuộc thi chứ không đơn thuần chỉ là vượt qua chính mình.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Quang Nghĩa cho biết thông điệp của anh với mọi người khi tham dự Kizuna Ekiden là: "Hãy tập thể thao 45 phút mỗi ngày để thay đổi cuộc sống của bạn, giúp nó tốt đẹp hơn".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận