Chạy bộ không chỉ mang lại sức khỏe dẻo dai mà còn giúp tinh thần sảng khoái, làm việc hiệu quả hơn - Ảnh: NVCC
Bây giờ, nếu được lựa chọn một điều ước về rèn luyện sức khỏe, chắc chắn tôi sẽ mong đến với chạy bộ ngay từ thời trai trẻ.
Vì sao ư? Chạy bộ tốt cho sức khỏe thế nào thì xin dành lời cho các chuyên gia y tế. Còn với tôi, một dân văn phòng điển hình, vì đặc thù công việc thường phải "tù ngồi" từ sáng đến chiều trước máy tính, chỉ xin chia sẻ ít trải nghiệm có được từ môn thể thao của mọi người này. Tôi hi vọng đôi điều nhỏ bé này sẽ như một lời rủ rê, nâng cao sức vóc của cộng đồng.
Thứ nhất là sự tối giản. Đến với chạy bộ, bạn chỉ cần "đầu tư" một đôi giày, bộ quần áo, mũ, vớ… trên thị trường đang có rất nhiều lựa chọn khác nhau, phù hợp với điều kiện của từng người.
Thứ hai là sự linh hoạt. Không giống cầu lông, quần vợt hay bóng đá… phải yêu cầu tối thiểu từ hai người mới bắt đầu được. Chạy bộ, chỉ mình bạn là đủ. Và có một tiện ích phù hợp với rất nhiều người dân ở các đô thị đang ngày càng bận rộn hơn là khả năng tận dụng thời gian, không gian để tranh thủ vận động mọi lúc mọi nơi.
Có thể là 5 phút, 10 phút mỗi ngày hoặc nhiều hơn càng quý. Bạn cũng không cần phải tốn tiền bắt taxi hay đặt Grab để tìm chỗ chạy. Nếu thực sự mong muốn có một cuộc sống khỏe mạnh, thậm chí ở ngay nơi làm việc đã sẵn có nhiều thứ đang chờ đón bạn như leo cầu thang thay vì thang máy, hoặc tranh thủ giờ nghỉ nhấc mông di chuyển để giảm sức ì.
Đừng chần chừ, cứ đi rồi sẽ tới. Chạy bộ giúp tôi nhận ra rằng một khi đã vượt qua được "ngưỡng ngại" thì chắc chắn khó lòng mà từ bỏ nó - điều mà dân chạy bộ vẫn gọi vui là "ngưỡng nghiện". Bởi vì những điều kỳ diệu và tiềm năng của mỗi người thì luôn ở phía trước và chỉ khi nào trải nghiệm, khám phá nó, ta mới cảm nhận được.
Tôi đã từng vật vã, "chết giấc" với một vòng hồ Gươm từ những ngày đầu xỏ giày lê từng bước nặng nề, tưởng chừng khó mà tiếp tục theo đuổi. Nhưng cuộc sống đơn giản là những lựa chọn và cố gắng mỗi ngày.
Để rồi giờ đây, tôi đã trở thành một "runner" khi bền bỉ vượt qua những cột mốc rất đáng nhớ, từ 5-10-15km cho đến bán marathon rồi marathon và có thể là xa hơn nữa. Kết quả là rất nhiều vấn đề, cả thể chất lẫn tinh thần, của bản thân đều tốt lên.
Những bộn bề của cuộc sống, công việc, gia đình… dù có áp lực, khó khăn thế nào rồi cũng được thu xếp ổn thỏa.
Kể từ khi đến với chạy bộ, tôi cũng có thêm nhiều bạn mới từ đủ các lĩnh vực khác nhau, có thêm cơ hội quan sát và thấu hiểu đời sống xung quanh để rút ra những bài học cho mình.
Tôi cũng nhận thấy cộng đồng những người chạy bộ đang lớn mạnh trong vài năm gần đây đều là những con người văn minh, luôn suy nghĩ tích cực, lạc quan, yêu đời và sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng.
Sau gần 4 năm chạy bộ, giờ đây tôi tự đặt mục tiêu cho bản thân: Nếu không quá bận bịu, mỗi ngày phải cố gắng duy trì chạy bộ một giờ đồng hồ, như là một cách nạp năng lượng cho cuộc sống…
Trong những cuộc gặp bạn bè, người thân, tôi cũng từng chia sẻ những trải nghiệm chạy bộ của bản thân đến mọi người. Đặc biệt là giới trẻ hiện nay ở các đô thị, tỉ lệ béo phì, thừa cân, tiểu đường và tim mạch đang gia tăng một cách báo động do ít vận động.
Một xã hội, cộng đồng không thể thay đổi khi mọi thứ cần phải chuyển động nhất vẫn đứng yên. Vậy nên các đô thị đông đúc cần phải đầu tư thêm nhiều công viên, mở thêm nhiều tuyến đường cho người dân đủ hào hứng để tập luyện. Đây là nhu cầu rất chính đáng mà họ có quyền đòi hỏi.
Thực tế hiện nay, xét trên quy mô dân số thì cộng đồng chạy bộ ở Việt Nam vẫn khá nhỏ bé, chủ yếu tại các đô thị lớn nhưng hằng ngày họ vẫn phải đối diện với vô số rủi ro khó lường, từ ô nhiễm môi trường, khói bụi đến tai nạn giao thông vì có quá ít sân chơi an toàn.
Từ khi phát động Cuộc thi viết “Khỏe cho mình - Khỏe cho gia đình”, tính đến ngày 24-6, ban tổ chức đã nhận được bài dự thi của các bạn đọc: Trần Văn Tám (TP.HCM), Võ Thị Thùy Linh (Hà Tĩnh), Phạm Văn Trung (Cần Thơ), Nguyễn Thị Thương (Hà Nội), Nguyễn Đước (TP.HCM), Từ Văn Hà (Bến Tre), Lưu Đình Long (TP.HCM), Thanh Bình (TP.HCM), Đỗ Văn Lành, Nguyễn Hà Hải Yến (Đồng Tháp), Đinh Thành Trung (Hà Nội), Nguyễn Thị Thu Hiền (Đà Nẵng), Nguyễn Thị Mỹ Đàng (Phú Yên), Nguyễn Văn Công (Đồng Nai), Nguyễn Văn Thái (TP.HCM), Chung Thanh Huy (TP.HCM), Trần Hoàng (Thừa Thiên Huế), Lê Phạm Phương Lan (Đồng Nai), Lê Trung Tuấn (Quảng Nam), Mai Mộng Tưởng (Đà Nẵng), Đặng Duy Khôi (Cần Thơ), Nguyễn Gia Long (TP.HCM), Nguyễn Thế Kỷ (TP.HCM), Lê Tấn Thời (An Giang), Triệu Thị Tuyết Nhung (Phú Thọ),
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận