02/11/2015 18:07 GMT+7

12 cháu du học không về, "Cháu thứ 13 đang làm gì, ở đâu?"

DIỆU NGUYỄN
DIỆU NGUYỄN

TTO - Câu hỏi “vì sao 13 cháu đi du học, 12 cháu không về?” của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) đã thu hút sự đông đảo bạn đọc quan tâm. Nhiều người cho rằng “người làm chính sách đang hỏi chính mình”.

Những lý do không về

“Các ông là người làm chính sách, cơ chế còn hỏi ai nữa”- bạn đọc có tên glucoza đặt vấn đề. Có nhiều người “mỉa mai” khi bàn luận về vấn đề này “về thi công chức cũng không đậu được”, “Lương thấp, con đường tiến thân mù mịt. Đơn giản thế thôi”…

Bạn đọc Dương Văn Tuấn chia sẻ: “Học bổng của Nhà nước còn trốn không về. Đây là học bổng quốc tế thì các cháu có năng lực, có khả năng khi tốt nghiệp sẽ có cơ hội thăng tiến hơn nếu ở lại nước ngoài. Động lực thu hút các chất xám như thế nào để các cháu mong về nước phục vụ, đó là câu hỏi có trách nhiệm với nhà quản lý”.

Bạn đọc Dân Việt lại cho biết lý do khiến nhiều du học sinh không muốn về bởi lương thấp: “12 năm học phổ thông, 4 năm học đại học, 4 năm du học nước ngoài, trở về quê hương cống hiến với mức lương từ 2,5 triệu đến 3 triệu khởi điểm…”

Bên cạnh đó, nhiều bạn đọc chia sẻ ý kiến họ cần giải pháp cho vấn đề này hơn là chỉ hòi và bàn “Cháu thứ 13 về, hiện làm gì rồi? Có đúng ngành nghề không? Mong lắm một giải pháp hơn là nói suông. Ai chịu trách nhiệm việc này?”

Bạn đọc Nguyễn Đăng Khoa cho rằng cuối cùng câu chuyện này vẫn là về chế độ chính sách. Người chưa đi làm mà nhận được học bổng rồi quyết định ở lại nước ngoài để tiếp tục việc học và làm là điều rất bình thường. Bởi việc ai cũng có thể hiểu là môi trường làm việc tốt, thu nhập cao…

Còn về nước lại thì họ được điều gì ngoài việc lương bổng và trợ cấp được cao hơn những người học trong nước? Chế độ thu hút nhân tài có xứng đáng với những gì họ cống hiến hay không? Cần lắm chính sách tạo động lực, vì người đi du học cần có môi trường để được tiếp tục nghiên cứu và học nhiều hơn. Đa phần ai cũng muốn gần gũi với gia đình, ở lại quê hương nên chỉ cần chú trọng vào chính sách tốt hơn thôi.

Bạn Phạm Kim Quyên nói “chúng ta chỉ nói thôi mà không thực hiện, chúng ta cứ kêu gọi về nước cống hiến cho đất nước, thế nhưng khi họ quay về thì sao? Nhiều người tài quay về bị chèn ép và chỉ để sai vặt”.

Bên cạnh đó, những tấm gương du học nổi tiếng và thành công đã tác động đến giới trẻ chọn con đường ở lại hơn là về.

Ở lại tích lũy để đóng góp nhiều hơn?

Đối với người về cũng cần phải rõ ràng là quay về chỉ với tấm bằng du học thì có giúp ích được gì cho đất nước? Có nhiều bạn đi du học bằng học bổng, sau khi kết thúc khóa học đã nổ lực kiếm thêm học bổng khác để học cao hơn hoặc kiếm việc làm có thêm thu nhập rồi tiếp tục học lên nữa… các bạn có cơ hội sâu sát và kinh nghiệm thực tiễn hơn. Những người vừa có kiến thức vừa có tiềm lực về kinh tế và địa vị như vậy mới khuyến khích và cần chính sách đãi ngộ tốt hơn để họ về giúp ích cũng rất xứng đáng.

Hoặc với những người đã có được tiềm lực ở nước ngoài thì khi họ về nước dù là hoàn toàn hay về chỉ đầu tư cũng đã là về cống hiến cho đất nước, cần chính sách thoáng hơn cho họ sẽ tạo động lực thu hút nhiều người khác về hơn.

DIỆU NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp