Đầu tháng 2-2013, người Trung Quốc và người bản địa đã cùng tập trung tại Dar es Salaam, thành phố lớn nhất Tanzania, để xem biểu diễn múa rồng và múa sư tử. Tổng thống Tanzania Jakaya Kikwete khi đó gây bất ngờ cho báo giới với lời chúc tết bằng tiếng Hoa: “Chúc mừng năm mới nhân dân Trung Quốc! Chúc năm mới vui vẻ, như ý cát tường, một năm mới tốt lành!”.
Báo China Daily lúc ấy mô tả Tanzania chỉ là một trong nhiều nước châu Phi đang chịu ảnh hưởng sâu sắc của Trung Quốc từ kinh tế, chính trị đến văn hóa.
Châu Phi “nói” tiếng Bắc Kinh
Trong buổi diễn thuyết tại Trường đại học Virginia hôm 20-2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thừa nhận đầu tư của Trung Quốc tại lục địa đen đã vượt mặt Mỹ.
Thật ra, từ những năm đầu thế kỷ 21, Trung Quốc đã dần hất cẳng Mỹ để thống trị châu lục giàu tài nguyên này. Từ năm 2003-2013, hơn 2.000 công ty, nhà máy Trung Quốc đã ồ ạt “tiến sang châu Phi” nhờ hàng loạt chính sách ưu đãi về vốn được hỗ trợ từ các ngân hàng chủ chốt của Trung Quốc kèm theo những chính sách, thủ tục dễ dàng của Nhà nước Trung Quốc.
Cùng với kinh tế, trong vòng tám năm kể từ khi “Học viện Khổng Tử” đầu tiên được xây dựng tại Kenya năm 2005, Trung Quốc đã xây dựng 29 trụ sở khác ở 22 nước châu Phi. Theo số liệu của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, tính đến năm 2012, Trung Quốc đã dành ra gần 600 suất “Học bổng Khổng Tử” (học bổng cấp cho người nước ngoài học tiếng Hoa và văn hóa Trung Quốc) cho các sinh viên châu Phi học tập tại Trung Quốc. Các sinh viên này đã mang về đất nước mình một nền văn hóa “rất Trung Quốc”.
Năm 2011, Trung Quốc bắt đầu đưa phim truyền hình nước này lên màn ảnh nhỏ châu Phi. Tanzania và Kenya là hai nước đầu tiên “thí điểm” với bộ phim được “chọn mặt gửi vàng”: Thời kỳ hạnh phúc của mẹ chồng và nàng dâu. Bộ phim tâm lý xã hội này mở đường thành công. Từ đây, Trung Quốc bắt đầu chiến dịch quảng bá văn hóa nước mình bằng chiếc cầu nối điện ảnh đến một loạt nước khác tại châu Phi.
“Món quà của rồng”!
Các ông chủ Trung Quốc rất tự hào mình là người “khai hóa” các nước nghèo nhất châu Phi và trao tặng cho lục địa đen này “món quà của rồng”.
“Chúng tôi đã đem đến những gì? Đem đến vốn liếng, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý và cả thị trường, sau đó chúng tôi còn mở mang, gia công, sản xuất, tiêu thụ giúp họ... Họ vốn chẳng có kỹ thuật, thị trường, đội ngũ quản lý, vốn cũng không có nốt. Chúng tôi làm vậy là để giúp đất nước họ phát triển kinh tế, giải quyết vấn đề sức lao động dư thừa, góp phần làm tăng thu nhập cho họ. Đây sao có thể gọi là tranh giành được?” - Đài truyền hình CCTV hồi tháng 2-2013 dẫn lời ông Lưu Thương Long, chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Hoành Đạt, tập đoàn đã đổ rất nhiều vốn để đầu tư sang châu Phi. Theo ông Lưu, các doanh nghiệp Trung Quốc “chỉ lấy đi một chút của người khác”.
Trái với những gì ông Lưu phát biểu, các dự án khai thác khoáng sản của Trung Quốc ở châu Phi đang tàn phá dữ dội môi trường lục địa đen. Các mỏ đồng ở Zambia khiến môi trường ô nhiễm nghiêm trọng. Dự án xây đập thủy điện ở thác Kongou tại Gabon do Trung Quốc đầu tư đe dọa hủy diệt cả một vùng sinh thái giàu có của công viên quốc gia Ivindo. Tại châu Phi, nhiều khu rừng nguyên sinh bị tàn phá để khai thác gỗ...
Theo tạp chí Mining Weekly, số thợ mỏ thiệt mạng tại Trung Quốc trong hai năm 2010 và 2011 đã lên đến hơn 4.400 người. Khi Trung Quốc lên kế hoạch đóng cửa khoảng 5.000 khu mỏ kém an toàn cũng chính là lúc nước này “xuất khẩu” các khu mỏ tiềm ẩn nhiều tai nạn này sang châu Phi.
Theo AFP, giới chủ người Trung Quốc ở châu Phi thuê lao động lục địa đen làm việc 18 giờ/ngày với mức giá rẻ mạt (dưới 4 USD/ngày), trong khi chẳng hề để ý đến an toàn lao động. Một vụ nổ ở mỏ đồng tại Chambishi, Zambia năm 2005 làm 46 công nhân Zambia thiệt mạng. Trước tình trạng này, tháng 2-2013 Chính phủ Zambia phải đóng cửa mỏ than đá Collum do một công ty Trung Quốc khai thác.
Kết quả một khảo sát cũng cho thấy trong khi Bắc Kinh hô hào sẽ tạo công ăn việc làm cho người dân bản địa, thì 90% lượng công việc tại các dự án do Bắc Kinh đầu tư ở châu Phi đều rơi vào tay lao động Trung Quốc được “nhập khẩu”.
Phát biểu tại trung tâm hội nghị quốc tế Julius Nyerere ở Tanzania hôm 25-3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thừa nhận những thực tế vừa qua và cam kết sẽ đưa ra những biện pháp thiết thực để giải quyết ổn thỏa các vấn đề tồn tại trong quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi.
Thế nhưng, giờ đây lục địa đen như tỉnh thức và bắt đầu chuyển hướng sang các nhà đầu tư khác...
“Đừng cắt nhỏ châu Phi” Ngay tại trung tâm Durban, nơi tổ chức hội nghị BRICS ở Nam Phi, có treo những tấm biển với dòng chữ “BRICS, đừng cắt nhỏ châu Phi.” Các nhóm dân sự ở châu Phi nói cách khai thác của BRICS không khác gì hình thức thực dân hồi thế kỷ 19 khi chủ yếu bóc lột nguồn tài nguyên của châu Phi mà không giúp thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa hay tạo việc làm. Theo Standard Bank, tổng giá trị giao thương của BRICS - châu Phi hiện đạt khoảng 500 tỉ USD, trong đó Trung Quốc chiếm phần lớn (60%). Khoảng 80% lượng hàng từ châu Phi tới Trung Quốc là tài nguyên khoáng sản thô. Tình trạng khai thác quá mức đã khiến ông Lamido Sanusi, thống đốc Ngân hàng trung ương Nigeria, viết trên tờ Financial Times tháng này chỉ trích về “chủ nghĩa đế quốc mới” của Trung Quốc vì cho rằng cách khai thác của Bắc Kinh ở châu Phi mang tính bóc lột, vắt kiệt y như phương Tây thời thực dân. “Đó là nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự phá hủy nền công nghiệp và kém phát triển của châu Phi” - ông viết. Theo tờ Economist, từ vài ngàn người sinh sống ở châu Phi cách đây hơn 10 năm, hiện Trung Quốc có hơn 1 triệu dân sinh sống lâu dài tại châu lục này. THANH TUẤN |
Phóng to |
Biếm họa đăng trên tuần báo Le Congolais tố cáo Trung Quốc chỉ săm soi nguyên liệu ở châu Phi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận