Ảnh: H.T.K.
Châu Phi chưa bao giờ sống động, đẹp đẽ và bí ẩn đến thế, cũng như sẽ không bao giờ còn một Châu Phi nghìn trùng thứ hai được viết ra trên cõi đời.
Karen Blixen cùng phu quân đặt chân đến Kenya vào năm 1913. Nền văn minh châu Âu va đập nền văn minh châu Phi, cú chạm nhức nhối được thu lại trong cái nhìn lãng mạn của cô gái Đan Mạch - chủ nhân đồn điền, một người phương Tây sống giữa thế giới hoang dã và bí ẩn trong gần hai mươi năm, để rồi chia tay nơi này trong nuối tiếc năm 1931.
Sáu năm sau, Châu Phi nghìn trùng ra đời ôm trọn hai thập niên thương nhớ đó, nhưng lần này quý cô Karen Blixen đã giấu mình sau bút danh Isak Dinesen, bồi hồi hoài niệm về một thiên đường đã mất. Trong cuốn hồi ký này, Dinesen làm sống lại giấc mộng từ những ngày đầu mới đặt chân đến châu Phi, tiếp xúc với những dị biệt về con người cũng như văn hóa nơi đây.
Châu Phi trong mắt Dinesen không phải một vùng đất hoang với những con người cần được khai hóa. Bà không đến đây để chinh phục, cùng chồng, bà chọn vùng đất này để khởi đầu rồi cuối cùng thất bại.
Trên nền hiện thực sẵn có ấy, Dinesen đã biến một tác phẩm vốn rất dễ xếp chung hàng với những bút ký, hồi ức của phương Tây khi viết về các thuộc địa hay thế giới thứ ba, thành tác phẩm văn chương mang vẻ đẹp cổ điển.
Bộ phim chuyển thể năm 1985, Out of Africa với diễn xuất của Meryl Streep và Robert Redford giúp Sydney Pollack đem về tượng vàng Oscar Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất. Tuy vậy, bộ phim chỉ khúc xạ được thời đại và một không gian đã mất trong việc cố gắng tái tạo trên tinh thần của cuốn sách.
Châu Phi nghìn trùng của Dinesen to lớn hơn, nó đã hàm chứa một thế giới đủ rộng cả cho niềm nhớ nhung và trí tưởng tượng. Có lẽ phim kém hơn sách bởi nó trông như... thật, một sự thật sờ nắn được, trong khi tác phẩm của Dinesen được sinh ra từ những mộng tưởng. Nửa thế kỷ cách biệt cũng để lại vết rạn trong cách người của hai thời đại khác nhau cùng nhìn về một vùng đất.
Trong Châu Phi nghìn trùng có thất bại, có đổ vỡ, có bi kịch tình yêu và cái chết nhưng vẫn không vỡ mộng. Bản thân châu lục mà con người không ngừng coi thường và không ngừng bị quyến rũ này quá vĩ đại đủ ôm trọn trong mình mọi sinh mệnh, lẽ tử sinh, mọi niềm vui cũng như thống khổ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận