Trung tâm chật chội, xuống cấp, nhiều người phải tản ra bãi giữ xe đứng chờ đến lượt tiêm văcxin cho con - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG |
Mỗi buổi ở đây chỉ có thể tiêm cho khoảng 200 người, nhưng lúc cao điểm có đến 700 người tới tiêm khiến trung tâm xập xệ, xuống cấp này quá tải khủng khiếp.
Nạn quá tải tại Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng đã diễn ra từ nhiều năm qua và nay lại càng trầm trọng hơn. Nhiều người dân khi đến đây phải chịu cảnh chờ đợi, chầu chực để được tiêm văcxin cho con, nhưng do trung tâm quá tải nên cuối cùng phải bế con về.
Chị Trần Như Ngọc (Q.Thanh Khê) bức xúc nói: “Sau khi nghe thông tin về một số trường hợp tiêm văcxin bị phản ứng phụ ở các địa phương, tôi đưa con đến Trung tâm Y tế dự phòng TP tiêm cho yên tâm. Ai ngờ đến nơi xếp hàng từ ngoài cổng vào, chỗ ngồi chờ cũng không có. Bồng con đến rồi lại bồng con về thiệt khổ”.
Còn anh Nguyễn Thoại (Q.Hải Châu) cho biết anh phải bỏ công ăn việc làm để đưa con trai 7 tuổi đi tiêm văcxin tại Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng. Tuy nhiên buổi sáng đến đông quá phải về, chiều lại đến xếp hàng hơn hai giờ mới tới lượt tiêm.
Hiện nay Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng đã tận dụng một khu phía trước để làm chỗ ngồi chờ cho người dân. Tuy nhiên, nơi ngồi chờ chỉ có khoảng 30 ghế trong khi người chờ quá đông. Nhiều bà mẹ phải bế con ra bãi giữ xe ngồi chờ đến lượt trong khi thời tiết rất nóng nực.
Một cán bộ của Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng ta thán: “Do diện tích của trung tâm quá chật chội, chỗ giữ xe của người dân với cán bộ, xe chuyên dụng phòng chống dịch đều để chung với nhau nên khi có dịch là phải dắt từng chiếc xe máy ra rồi mới đưa xe chuyên dụng đi được”.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng, chuẩn quốc gia về trung tâm y tế dự phòng tỉnh thành trực thuộc trung ương phải có diện tích tối thiểu 3.000m2, có nhà xưởng, cây xanh...
Trong khi trung tâm này chỉ có 1.000m2 và hầu như không có cây xanh. Không chỉ vậy, dãy nhà ngang của trung tâm này được tiếp quản từ sau ngày giải phóng, hiện xuống cấp trầm trọng, trần nhà đã bị sụt, nứt.
Do phòng ốc xuống cấp, hư hỏng nên ba phòng chuyên môn khám sức khỏe người lao động và các bệnh nghề nghiệp tại đây phải sơ tán. “Trung tâm có nhiệm vụ khám, phòng chống bệnh nghề nghiệp.
Đáng lý phải tổ chức khám ngay tại trung tâm nhưng do không có phòng nên phải tổ chức khám tại công ty, đơn vị. Khám tại công ty thì thiết bị máy móc không thể đầy đủ được” - một cán bộ của trung tâm cho biết
Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng, hằng năm trung tâm đều tổ chức khảo sát mức độ hài lòng của người dân về chất lượng phục vụ. Theo đó, có nhiều ý kiến phản ứng về cơ sở vật chất quá chật chội, xuống cấp.
Trước tình hình này, trung tâm đã kiến nghị Sở Y tế, UBND TP Đà Nẵng cho đầu tư, xây dựng cơ sở mới. Tuy nhiên đến nay UBND TP Đà Nẵng chỉ mới đồng ý “rót” 1,2 tỉ đồng để cải tạo, nâng cấp khu phía trước trung tâm trong quý 4 năm nay.
Bà Ngô Thị Kim Yến, giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, cho biết trước mắt sẽ cho cải tạo tạm thời khu phía trước trung tâm vì chỗ này xuống cấp rất nặng (tường nứt, sụt).
Còn về lâu dài, UBND TP có định hướng sẽ tìm một khu đất rộng để xây dựng trụ sở cho các đơn vị thuộc hệ y tế dự phòng tập trung lại một chỗ.
“TP muốn đầu tư một khu tập trung các đơn vị y tế này lại để sử dụng tối đa hệ thống xét nghiệm, cận lâm sàng nhằm phát huy hết hiệu quả của trang thiết bị” - bà Yến nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận