Họa sĩ Lê Minh Châu chào khán giả Hà Nội qua màn hình được truyền hình trực tiếp từ TP.HCM - Ảnh: Nguyễn Phương |
Cũng vì Châu, beyond the lines kể một câu chuyện chân thực đến nhói lòng về hiện thực hậu chiến nhưng lại mạnh mẽ truyền cảm hứng sống đến tất cả mọi người.
“Tôi có thể chưa làm được nhưng sẽ cố gắng làm được”
Vẫn là những hình ảnh đầy ám ảnh từ những đôi chân, đôi bàn tay có cũng như không; những gương mặt méo mó; những cái miệng chẳng bao giờ rõ tiếng… thế nhưng Courtney Marsh không nhìn nhận những đứa trẻ mang di chứng chất độc da cam tại làng trẻ Hòa Bình TP.HCM là nạn nhân.
Trái lại, ở Châu, beyond the lines, nữ đạo diễn trẻ này gợi mở một thế giới tràn đầy nỗ lực sống, khát vọng sống của những con người phải gánh nỗi đau hậu chiến ấy, giữa bao thách thức nhiều lúc tưởng như bế tắc, giữa một xã hội còn nhiều thành kiến với người khuyết tật.
Và, để vươn đến ước mơ trở thành họa sĩ, nhà thiết kế thời trang mà nhiều người cho là “không tưởng”, Châu vẫn cặm cụi “vượt tuyến” bằng kim chỉ hành động: “Tôi có thể chưa làm được nhưng tôi sẽ cố gắng làm được”…
Sau cầu truyền hình trực tiếp “gặp” nhân vật chính Lê Minh Châu từ phòng chiếu tại TP.HCM và 34 phút của bộ phim, khán giả Hà Nội lắng lại trong bao cảm xúc. Nhiều người đều chia sẻ rằng, câu chuyện của Châu dù nhói lòng nhưng thật đẹp.
Với riêng chị Nguyễn Thị Lan Anh - Giám đốc Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng, chị chia sẻ: “Cũng là người khuyết tật như Châu nhưng khi xem những thước phim này, tôi vẫn cảm thấy ngạc nhiên về nghị lực sống mãnh liệt của bạn ấy. Rõ ràng, người khuyết tật Việt Nam còn gặp nhiều rào cản từ xã hội: cơ sở hạ tầng, giáo dục, nghề nghiệp…
Nhưng, tôi đồng cảm với suy nghĩ của Châu khi nói rằng việc vượt qua rào cản xã hội để khẳng định mình là chuyện đương nhiên chứ không phải là việc làm ngoạn mục. Vì dù gì chúng tôi vẫn phải sống!”
“Còn nhiều việc phải làm cho người khuyết tật”
Khán giả Hà Nội trao đổi sau buổi chiếu phim - Ảnh: Nguyễn Phương |
Có thể thấy, từ những thước phim được nữ đạo diễn người Mỹ bám sát nhân vật trong suốt bảy năm (2007-2014), Châu, beyond the lines không chỉ là câu chuyện về nghị lực sống mà còn là phóng sự chân thực, sinh động về những rào cản từ xã hội đối với người khuyết tật.
Chị Lan Anh cho rằng, rào cản có thể chỉ nho nhỏ là một cái chốt bấm cửa nhà vệ sinh để người khuyết tật mở, một lavabo, bồn cầu chuyên biệt để người khuyết tật có thể sử dụng ở nơi công cộng…nhưng lại hết sức cần thiết được quan tâm.
Còn bạn trẻ Vũ Hương Giang - phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính lại cảm nhận được từ Châu, beyond the lines là rào cản về quan niệm khi cho rằng người khuyết tật được hỗ trợ về những bữa ăn, nơi ở, học một nghề nào đó là đã may mắn lắm rồi.
“Quan niệm đối xử với người khuyết tật mang tính ban ơn nhiều hơn là giúp đỡ, ép buộc nhiều hơn là chia sẻ. Trong khi đó, mơ ước của người khuyết tật như Châu hay rất nhiều người khác nữa còn mãnh liệt hơn rất nhiều so với người bình thường. Và họ đều có những khả năng mà không được xã hội khuyến khích thể hiện” - Vũ Hương Giang chia sẻ.
Đại diện cho đơn vị quản lý Nhà nước tham dự buổi chiếu phim, ông Nguyễn Ngọc Toàn - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội - Bộ Lao động thương binh xã hội cũng thừa nhận: “Còn nhiều việc phải làm cho người khuyết tật”.
Theo ông Toàn, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người khuyết tật cao- xấp xỉ 7 triệu người. Trong đó, người khuyết tật do di chứng chiến tranh chiếm phần đáng kể.
“So với người bình thường, người khuyết tật đang phải sống khó khăn hơn rất nhiều khi chỉ có 12-13% người khuyết tật được học nghề, 60% người khuyết tật chưa có điều kiện tốt nghiệp bậc tiểu học, trung học cơ sở và nghèo gấp ba lần so với người bình thường. Mà những việc làm của chúng ta mới chỉ là tạo môi trường đảm bảo một phần đời sống vật chất cho họ và chưa hỗ trợ được nhiều về đời sống tinh thần khi còn có nhiều phân biệt đối xử” - ông Toàn nhấn mạnh.
“Khuyết tật không có nghĩa là khuyết khả năng” “Tôi đã được Châu truyền cảm hứng và tôi tôn trọng bạn ấy. Khuyết tật không có nghĩa là khuyết khả năng. Và bộ phim này cho thấy mức độ tác động xã hội đến cuộc sống mỗi người của chúng ta. Chúng tôi chiếu phim không chỉ để hưởng ứng ngày Khuyết tật Việt Nam (18-4) mà bộ phim còn nhắc nhở về quá khứ. Chính phủ Hoa Kỳ đang làm điều đó qua sự hỗ trợ của chúng tôi dành cho người khuyết tật bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Một tương lai tươi sáng hơn nhiều là điều có thể có được là khi chúng ta đối mặt với thực tế” |
*Xem trailer phim:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận