Hai giấy khai sinh của cháu bé do cha và bà ngoại đăng ký với hai tên khác nhau - Ảnh: Uyên Trinh |
Bài viết cho thấy đã có sự bất thường trong việc khai sinh cho trẻ trong khi theo Luật hộ tịch thì “mỗi sự kiện hộ tịch chỉ được đăng ký tại một cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền”.
Câu hỏi đặt ra là nơi nào cấp đúng giấy khai sinh cho bé và nơi nào đã cấp sai để có giải pháp khắc phục, nhằm tránh các rắc rối pháp lý về sau cho bé?
Phải hoàn tất thủ tục nhận cha, con
Theo hồ sơ, cháu bé được đăng ký khai sinh ở hai nơi khác nhau (lần 1 vào ngày 5-1-2017 tại UBND P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, TP.HCM; lần 2 vào ngày 17-2-2017 tại UBND xã Vĩnh Hòa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre).
Luật sư Trần Thị Miền cho rằng việc đăng ký khai sinh cho bé tại UBND P.Bình Hưng Hòa phải được xem xét, đối chiếu với quy định dành cho trường hợp đặc biệt nêu tại thông tư 15/2015 của Bộ Tư pháp (hướng dẫn Luật hộ tịch và nghị định 123/2015).
Điều 13 thông tư này quy định: “Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, sinh con, người con sống cùng với người cha, khi người cha làm thủ tục nhận con mà không liên hệ được với người mẹ thì không cần có ý kiến của người mẹ trong tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con.
Nếu có giấy chứng sinh và giấy tờ tùy thân của người mẹ thì phần khai về người mẹ được ghi theo giấy chứng sinh và giấy tờ tùy thân của người mẹ. Nếu không có giấy chứng sinh và giấy tờ tùy thân của người mẹ thì ghi theo thông tin do người cha cung cấp”.
Theo luật sư Miền, để xác định việc cấp khai sinh cho cháu bé đúng hay sai cần căn cứ vào chi tiết: Khi người cha đi đăng ký khai sinh cho con thì bé có sống cùng với người cha để việc đăng ký được xếp diện đặc biệt nên không cần có sự đồng ý của người mẹ?
Tuy chứng minh được quan hệ cha, con bằng kết quả giám định ADN nhưng với giấy chứng sinh đã tiếp nhận và các thông tin về người mẹ mà người cha có trách nhiệm cung cấp, vì sao phường lại bỏ trống các chi tiết về người mẹ trong giấy khai sinh cấp cho bé?
Nếu câu trả lời là “không sống cùng với cha” do sau khi mẹ đi nước ngoài cho đến lúc được làm khai sinh thì bé đang ở với bà ngoại, xem như UBND P.Bình Hưng Hòa đã làm chưa đúng quy định.
Về phía UBND xã Vĩnh Hòa, theo luật sư Miền, nếu xã không được UBND P.Bình Hưng Hòa thông báo về việc đã cấp khai sinh cho bé (do không được người cha cung cấp đủ thông tin) thì việc xã này cấp khai sinh cho bé từ đăng ký của bà ngoại không bị xem là sai quy định.
Có điều nếu công nhận giấy khai sinh này thì người cha cần hoàn tất thủ tục nhận cha, con để khai sinh của bé có đủ tên cha, mẹ sau khi bổ sung tên cha.
Nhiều nơi làm khó
Nếu trường hợp có hai giấy khai sinh như trên là quá mở, không thể chấp nhận được thì nhiều trường hợp lại bị siết khiến nhiều trẻ không có giấy khai sinh để “lận lưng”.
Theo thông tư 15/2015, chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con cho những trường hợp không đăng ký kết hôn là văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định... hoặc thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
Tuy nhiên một số phường, xã nằng nặc đòi phải có kết quả giám định ADN mà không chấp nhận cho đương sự nộp phim ảnh, vật dụng khác... để chứng minh quan hệ cha/mẹ con.
Hay có trường hợp quá ngặt nghèo như mẹ bỏ đi, người cha vì không có tiền giám định ADN và cũng chẳng có chứng cứ khác để chứng minh mà đứa trẻ đã không được cấp giấy khai sinh.
“Với nghị định 123/2015 và thông tư 15/2015 thì thủ tục đăng ký khai sinh đã đơn giản và giải quyết được nhiều tình huống hơn so với trước đây.
Các phường, xã cần phải thực hiện đúng các quy định này và trong một số ít trường hợp cá biệt thì nên chủ động xác minh, tìm cách gỡ vướng để các trẻ được kịp thời cấp giấy khai sinh đúng quy định” - một cán bộ hộ tịch nói.
Do bản trích lục khai sinh của UBND xã Vĩnh Hòa không ghi số định danh cá nhân của bé, nhưng nếu số này khác với số mà UBND P.Bình Hưng Hòa đã cấp thì bé có đến hai số định danh cá nhân, tức không đúng với quy định của Luật căn cước công dân. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận