Châu bản do vua Bảo Đại bút phê “chuẩn y” có nội dung khen thưởng cho những người lập đồn phòng thủ quần đảo Hoàng Sa (châu bản này do nhà nghiên cứu Phan Thuận An cung cấp) - Ảnh: Tiến Long |
Theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, hồ sơ đăng ký chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương) được trình lên vào năm 2013 với tên gọi Châu bản triều Nguyễn (1802-1945).
"Sự công nhận của thế giới đối với châu bản triều Nguyễn thêm một lần nữa nhấn mạnh tính pháp lý về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam" TS Phan Thanh Hải |
Châu bản triều Nguyễn hiện được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (thuộc Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước - Bộ Nội vụ). Châu bản triều Nguyễn có hơn 20 loại hình văn bản như: chiếu, dụ, chỉ, sắc, sớ, tấu, khải, bẩm, tư, phúc, phiến trình, trát sức, thông tri, phiếu nghĩ... viết trên giấy dó được làm hoàn toàn thủ công từ vỏ cây dó.
Danh mục di sản đề cử là toàn bộ khối châu bản triều Nguyễn gồm 773 tập, tương đương gần 200.000 tờ tài liệu của 11 triều vua nhà Nguyễn từ 1802-1945 là Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại. Đây là khối tài liệu hành chính duy nhất còn lưu giữ được của một vương triều phong kiến ở VN. Hầu hết các văn bản được đóng dấu hợp pháp của nhà vua và của các cơ quan có thẩm quyền, tài liệu phần lớn là bản gốc.
Châu bản đã từng là nguồn sử liệu gốc quan trọng để biên soạn các bộ sử và các sách điển lệ dưới triều Nguyễn như: Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Minh Mệnh chính yếu... Ngày nay châu bản tiếp tục là nguồn sử liệu gốc tin cậy giúp các nhà nghiên cứu đương thời phục dựng toàn bộ lịch sử triều Nguyễn.
Theo hồ sơ được Trung tâm Lưu trữ quốc gia I gửi lên UNESCO, châu bản triều Nguyễn còn chứa đựng các thông tin phong phú về chính sách ngoại giao thông qua các văn thư ngoại giao, các hiệp ước, thương ước trao đổi ký kết giữa triều đình và các nước: Trung Hoa, Lào, Campuchia, Thái Lan, Pháp, Anh, Tây Ban Nha... Châu bản cung cấp báo cáo của các sứ đoàn ngoại giao triều Nguyễn được cử ra nước ngoài cũng như hàng loạt báo cáo của các cơ quan trong bộ máy chính quyền về việc buôn bán thương mại với các nước. Đặc biệt châu bản đã đóng góp rất nhiều văn bản là những chứng cứ gốc quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp quốc tế ở biển Đông.
Theo Wikipedia, di sản tư liệu thế giới (còn gọi là chương trình Ký ức thế giới) của UNESCO ra đời từ năm 1994. Ngoài danh mục các di sản tư liệu thế giới, Unesco cũng có danh mục các di sản tư liệu của từng khu vực hoặc châu lục. Hiện VN có hai di sản được thuộc danh mục di sản tư liệu thế giới là mộc bản triều Nguyễn và bia tiến sĩ Văn Miếu. Còn mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm và châu bản triều Nguyễn được đưa vào danh sách di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo quy định của UNESCO, nếu VN chứng minh được giá trị nổi bật cũng như có những biện pháp tích cực bảo vệ hữu hiệu, hai di sản này sẽ được tiếp tục đề cử để trở thành di sản tư liệu thế giới.
* TS Phan Thanh Hải (giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế): Cần tăng cường quảng bá và khai thác giá trị của châu bản Sự công nhận của thế giới đối với châu bản triều Nguyễn thêm một lần nữa nhấn mạnh tính pháp lý về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải VN. Bởi vì có nhiều châu bản trong hệ thống châu bản triều Nguyễn có nội dung điều hành việc bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sắp tới, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I sẽ có đợt tổng kết đánh giá toàn diện, đồng thời sẽ đề xuất với bộ chủ quản phối hợp với các nơi, trong đó có Huế, tăng cường quảng bá về giá trị châu bản. Tôi cũng từng tham gia hội thảo về châu bản, và từng đề xuất tăng cường khai thác giá trị kho châu bản triều Nguyễn tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Hiện châu bản triều Nguyễn không chỉ lưu trữ ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia I mà còn nằm rải rác ở nhiều nơi: trong dân gian, trong các sưu tập cá nhân... Tôi đề nghị quy về một mối và đặt trong hệ thống liên kết để có thể khai thác đồng bộ. * Ông Phan Thuận An (nhà nghiên cứu triều Nguyễn): Chứng cứ thuyết phục để tranh đấu về chủ quyền biển đảo Là người có tham gia đóng góp một phần nhỏ trong việc thiết lập hồ sơ trình UNESCO, tôi hết sức vui mừng khi nhận được tin châu bản triều Nguyễn được công nhận là di sản tư liệu. Đây là một sự kiện có nhiều ý nghĩa, đặc biệt trong lúc Trung Quốc đang ngang nhiên đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của VN. Trong hệ thống châu bản triều Nguyễn hiện còn bảo lưu, có những châu bản liên quan đến chủ quyền biển đảo của VN. Năm 2009, tôi đã hiến tặng cho Nhà nước hai châu bản thời vua Bảo Đại có liên quan đến chủ quyền VN tại quần đảo Hoàng Sa. Tờ châu bản thứ nhất đề ngày 3-2-1939 và tờ châu bản thứ hai đề ngày 15-2-1939, viết bằng tiếng Việt, trình nhà vua phê duyệt quyết định khen thưởng cho một số người có công gìn giữ Hoàng Sa. Cả hai châu bản đều có bút tích “chuẩn y” và chữ ký bằng bút chì son của vua Bảo Đại. Hai văn bản này là tư liệu gốc, khẳng định triều đình Huế đã thực thi liên tục chủ quyền của mình trên quần đảo Hoàng Sa. Đây là những cứ liệu hết sức thuyết phục mà chúng ta nên đưa ra tòa án quốc tế để giải quyết vấn đề biển đảo quốc gia. THÁI LỘC - TIẾN LONG ghi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận