Phóng to |
Luật sư của Breivik là Geir Lippestad mới đây mô tả Breivik là một kẻ “mất trí”. Ông cho biết trong nhà giam, Breivik hỏi ông rằng hắn đã giết tổng cộng bao nhiêu người. Trước khi thực hiện vụ thảm sát, Breivik đã uống nhiều loại thuốc kích thích để khiến hắn “khỏe mạnh và hiệu quả”. Do đó, hắn không thể đếm được đã giết bao nhiêu người. “Toàn bộ sự việc cho thấy anh ta đã mất trí - luật sư Lippestad nói - Anh ta tin rằng mình đang chiến đấu và nghĩ rằng khi chiến tranh xảy ra có thể giết chóc mà không cần thú tội. Anh ta nghĩ rằng đây là sự khởi đầu một cuộc chiến kéo dài 60 năm”.
Breivik có điên không?
Giáo sư tâm lý hình sự Jeremy Coid thuộc ĐH London (Anh) nhận định đằng sau tư tưởng cực hữu của Breivik có thể là “một cấp độ rối loạn tâm thần nghiêm trọng”. Ông so sánh Breivik với David Copeland, kẻ tấn công cộng đồng người da đen và đồng tính ở London năm 2009, bị mắc chứng tâm thần phân liệt hoang tưởng, và cho rằng trường hợp của Breivik là ví dụ của “niềm tin cực hữu hòa nhập với chứng rối loạn tâm thần hoang tưởng hoặc rối loạn ảo giác”.
Tuy nhiên, nhà tâm lý pháp y hàng đầu Na Uy là Yngve Ystad thuộc Bệnh viện ĐH Oslo nhận định sẽ rất khó để tòa án chấp nhận ý tưởng Breivik là kẻ tâm thần, không ý thức được những hành động của mình nên không phải chịu trách nhiệm hình sự. “Hắn ta đã lên kế hoạch thực hiện vụ thảm sát một cách tỉ mỉ trong một thời gian dài - chuyên gia Ystad nói - Theo các thông tin có được, hắn cũng chưa từng bị rối loạn tâm thần”. Một nhà tâm lý học người Anh đánh giá Breivik “không có vẻ điên rồ mà chỉ có vẻ đáng sợ” và nhấn mạnh trước tòa sẽ rất khó để luật sư bào chữa thuyết phục bồi thẩm đoàn rằng hắn bị điên. “Mọi người đều nghĩ rằng người điên thường hỗn loạn, thiếu sự kiểm soát - nhà tâm lý học này cho biết - Ngược lại Breivik có sự tập trung và tổ chức”.
Chống văn hóa bài ngoại
Sau vụ thảm sát tại Na Uy, khắp châu Âu đang dấy lên những tranh luận về mối quan hệ giữa tên sát nhân và những luồng tư tưởng cực đoan, lệch lạc đang tự do lưu hành tại châu lục này.
Cao ủy nội vụ Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstroem nhận định không ít người ở châu Âu có chung quan điểm với những gì Breivik ghi lại trong cuốn “nhật ký” dài 1.500 trang của hắn, đặc biệt là thái độ chống Hồi giáo và người nhập cư gốc Bắc Phi. Nhiều chuyên gia nhận định việc các đảng cực hữu nổi lên ở châu Âu và vụ thảm sát Na Uy cho thấy chủ nghĩa cực đoan và bài ngoại đang dần dần đi vào dòng chảy chính của chính trị khu vực.
Có không ít bằng chứng cho thấy nguy cơ này là có thật. Bên cạnh hàng ngàn lời chỉ trích, nguyền rủa nhắm vào hung thủ Breivik, cũng có không ít kẻ tung hô hắn. Mới đây, lãnh đạo tổ chức cực hữu Liên đoàn quốc phòng Anh (EDL) Stephen Lennon tuyên bố vụ thảm sát Na Uy là dấu hiệu cho thấy “sự giận dữ đang ngày càng gia tăng ở châu Âu đối với người nhập cư Hồi giáo”. “Sự thật là có rất nhiều người sợ hãi, chúng ta phải hiểu điều đó” - Lennon khẳng định.
Ông này cho biết nhóm của mình đã tới các nước Anh, Pháp, Hà Lan và phát hiện sự ủng hộ dành cho các tổ chức bài ngoại như EDL đang ngày càng gia tăng. Thành viên Nghị viện châu Âu Mario Borghezio thuộc đảng cực hữu Ý Liên đoàn miền bắc cho biết ông ta thông cảm với nhiều quan điểm của Breivik. “Ngoại trừ sự bạo lực, một số quan điểm của anh ta rất tốt, thậm chí là vĩ đại” - Borghezio nói. Thành viên đảng cực hữu Pháp Mặt trận dân tộc Jacques Coutela thậm chí còn mô tả Breivik là “một biểu tượng”, “người bảo vệ đầu tiên của phương Tây”, “người có tầm nhìn xa chống lại sự trỗi dậy của Hồi giáo ở châu Âu”.
Báo Trouw của Hà Lan cho rằng “giờ ra chơi đã kết thúc, và nay là giờ của sự thật”. Báo này cho rằng Breivik phải chịu trách nhiệm về hành vi tội ác của mình là đúng, nhưng hắn lại đang chia sẻ một cái nhìn lệch lạc về thế giới, một cái nhìn méo mó về thực tế của châu Âu với bao kẻ khác. Chính ở điểm này mà giờ đây cần phải tính sổ với cả những kẻ ấy. Không thể là vô tội khi truyền bá những điều dối trá, khi tạo nên những viễn cảnh lệch lạc.
Cao ủy Cecilia Malmstroem cũng chỉ trích các nhà lãnh đạo trong thời gian qua đã im lặng để mặc cho làn sóng bài ngoại và những luồng tư tưởng cực hữu, cực đoan lan rộng khắp châu Âu. “Đáng buồn là quá ít nhà lãnh đạo dám đứng lên bênh vực cho chủ nghĩa đa văn hóa, cho một xã hội cởi mở, dân chủ và khoan dung” - bà Malmstroem nhấn mạnh.
Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodriguez Zapatero mới đây cũng đã lên tiếng báo động về não trạng tinh thần hiện nay của châu Âu. Ông kêu gọi “mọi người hãy đứng lên chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa bài ngoại”.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận