Ngày 12-6, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo sẽ áp thêm mức thuế từ 17,4% đến 38,1% với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ ngày 4-7, chưa đầy một tháng sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế 100% với các hãng xe điện của Bắc Kinh.
Trung Quốc nhanh chóng lên tiếng phản đối quyết định trên. Trong khi đó, không ít hãng xe châu Âu và các nhà phân tích kinh tế cũng lo ngại EU chỉ đang tự làm hại mình khi làm khó xe điện Trung Quốc.
"Không còn lựa chọn nào khác"?
Theo báo Financial Times, mức thuế bổ sung sắp được áp lên một số hãng xe nổi tiếng bao gồm: 17,4% với BYD, 21% với liên doanh của các hãng xe châu Âu như Mercedes, Renault cùng doanh nghiệp Trung Quốc, 38,1% với SAIC... Riêng Tesla "có thể nhận mức thuế được tính toán riêng".
Mức thuế trên phụ thuộc vào mức độ hợp tác của từng hãng với cuộc điều tra được EC phát động hồi tháng 9-2023. Trọng tâm của cuộc điều tra là làm rõ việc Chính phủ Trung Quốc có tài trợ quá nhiều cho xe điện nước này không. EC lo ngại các khoản hỗ trợ đó đã giúp xe điện Trung Quốc có được lợi thế không công bằng về giá tại châu Âu, trực tiếp đe dọa ngành công nghiệp xe mà "lục địa già" đã luôn tự hào.
EC ước tính thị phần xe điện Trung Quốc hiện chiếm 8% thị trường Liên minh châu Âu (EU), tăng đáng kể so với chỉ 1% hồi năm 2019. Con số này có thể tăng lên 15% vào năm 2025, khi giá xe Trung Quốc thấp hơn trung bình 20% so với xe sản xuất tại châu Âu cùng phân khúc.
Hãng tin Reuters khẳng định các nghị sĩ châu Âu không muốn lặp lại sai lầm với pin năng lượng mặt trời. Khoảng 10 năm trước, EU đã phản ứng hời hợt trước làn sóng pin mặt trời nhập khẩu từ Trung Quốc, dẫn đến sự phá sản của hàng loạt nhà sản xuất châu Âu.
Ủy viên Thương mại EU Valdis Dombrovskis cho biết: "Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác trước sự tăng vọt của xe điện được trợ giá quá nhiều từ Trung Quốc. Chúng đang đe dọa ngành công nghiệp của chúng tôi".
Ông cũng khẳng định sẽ tận dụng khoảng thời gian từ nay đến ngày 4-7 để đàm phán với Bắc Kinh. Ông chia sẻ: "Chúng tôi cởi mở với việc thảo luận về các biện pháp có thể cứu vãn tình hình này".
Trung Quốc dọa trả đũa cứng rắn
Ngay sau khi thông báo trên được đưa ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm chỉ trích cuộc điều tra của EU là "trường hợp điển hình của chủ nghĩa bảo hộ" và Bắc Kinh sẽ làm mọi biện pháp cần thiết để "kiên quyết bảo vệ" các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Không lâu sau đó, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng tuyên bố quyết định của EU không có cơ sở pháp lý và thực tế, nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nếu thấy cần thiết.
Người phát ngôn bộ này khẳng định: "Động thái trên không chỉ có hại với quyền và lợi ích hợp pháp của ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc, mà còn ảnh hưởng đến việc sản xuất ô tô và chuỗi cung ứng toàn cầu, kể cả EU".
Không chỉ Bắc Kinh, nhiều hãng xe của chính châu Âu cũng đã lên tiếng phản đối việc tăng thuế với xe Trung Quốc. Quốc gia tỉ dân vẫn là thị trường màu mỡ đối với các hãng này và hoạt động của họ hoàn toàn có thể bị gián đoạn nếu Bắc Kinh quyết định áp thuế trả đũa. Riêng với các hãng xe Đức, Trung Quốc chiếm tới 30% doanh số trong quý 1-2024.
Nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu Volkswagen cảnh báo những hệ lụy của việc tăng thuế đối với ngành công nghiệp ô tô Đức có thể lớn hơn nhiều so với bất cứ lợi ích tiềm năng nào.
Trong khi đó, Mercedes-Benz, một ông lớn khác, cũng chỉ ra rằng với việc là quốc gia xuất siêu, Đức không cần tăng cường các hàng rào thương mại. Hãng BMW cũng khẳng định các biện pháp thuế sắp tới là "con đường sai lầm".
Viện nghiên cứu kinh tế thế giới Kiel ước lượng việc tăng thuế 20% với xe điện sản xuất tại Trung Quốc sẽ làm giảm khoảng 25% số xe nhập từ nước này, tương ứng khoảng 125.000 xe với tổng giá trị 4 tỉ USD.
Viện này đánh giá: "Sự sụt giảm trên sẽ chủ yếu được bù đắp bằng việc gia tăng sản xuất trong khối EU và giảm lượng xe điện khối này xuất khẩu. Điều này có thể dẫn đến giá bán lẻ cho người tiêu dùng cuối tăng đáng kể".
Châu Âu tự bắn vào chân mình?
Báo Wall Street Journal nhận định quyết định tăng thuế của EU thể hiện "khiếu hài hước" của các lãnh đạo khối này, và nạn nhân chính của quyết định đó lại là các hãng xe châu Âu.
Năm 2023, EU yêu cầu tất cả các ô tô cá nhân được bán ra từ năm 2035 không được phát thải carbon. Quyết định này khiến nhu cầu với xe điện, nhất là các lựa chọn phải chăng, trong khối tăng mạnh.
Theo đó, các hãng xe châu Âu, đặc biệt ở Đức, phải chuyển hướng sản xuất xe điện sang Trung Quốc, và nhiều liên doanh giữa các doanh nghiệp châu Âu và Trung Quốc ra đời.
Trong số xe điện Trung Quốc xuất đi năm 2023, có đến một nửa là xe của Tesla hoặc các liên doanh nói trên. Riêng tại Đức, trong số xe điện sản xuất tại Trung Quốc được nhập khẩu, chỉ 10% là của Trung Quốc. Do đó, nếu áp thuế như trên, các hãng châu Âu mới là bên phải chi trả nhiều hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận