31/08/2020 20:40 GMT+7

Châu Âu ngăn chặn đợt dịch thứ hai theo cách nào?

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Tình hình hiện nay khác với đợt đầu bùng nổ dịch COVID-19. Song để ngăn chặn đợt dịch thứ hai, các chuyên gia nhất trí các biện pháp: phải mang khẩu trang, giãn cách, truy vết và cách ly khi cần thiết.

Châu Âu ngăn chặn đợt dịch thứ hai theo cách nào? - Ảnh 1.

Nhiều người châu Âu giờ đây đeo khẩu trang cả khi tắm biển. Tại Tây Ban Nha, GS Ignacio López-Goñi lưu ý cá nhân cần ngăn ngừa lây nhiễm bằng cách mang khẩu trang, giãn cách, giữ vệ sinh, tránh không gian chật hẹp đông người - Ảnh: EPA

Số ca nhiễm COVID-19 đang tăng đều ở các nước châu Âu từng kiểm soát được dịch bệnh. Song các nhà dịch tễ học đánh giá rất khiên cưỡng khi nói "đợt dịch thứ hai" vì còn quá sớm để biết điều gì xảy ra.

Ba chuyên gia ở Pháp, Tây Ban Nha và Anh đã nhận định tình hình như sau:

Giáo sư dịch tễ học Dominique Costagliola (Pháp):

Từ giữa tháng 7-2020, số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tăng trở lại ở Pháp, song không thể so sánh bây giờ với tháng 3.  

Trước đây chỉ bệnh nhân nặng mới được xét nghiệm, vì thế số ca nhiễm thực tế cao hơn nhiều.

Còn bây giờ tình hình đã được cải thiện hơn (ít ca nặng phải chữa trong bệnh viện và trang thiết bị ổn hơn) nhưng rất khó đánh giá.  

Chỉ một điều chắc chắn là hiện nay số ca mắc bệnh tăng cùng với số lần xét nghiệm nhiều hơn.

Bởi thế mang khẩu trang và tôn trọng giãn cách là cách tốt nhất để tránh dịch bùng phát trở lại.

Châu Âu ngăn chặn đợt dịch thứ hai theo cách nào? - Ảnh 2.

Nhiều người đeo khẩu trang dưới chân tháp Eiffel (Pháp) - Ảnh: REUTERS

Tại Pháp, từ ngày 20-7, người từ 11 tuổi trở lên đều phải đeo khẩu trang thông dụng ở nơi công cộng khép kín, kể cả trường học.

Đúng ra cần phải bắt buộc mang khẩu trang ở tất cả những nơi khép kín và những nơi công cộng thoáng đãng như đường phố, công viên.

Trong khi chờ đợi phương pháp điều trị hiệu quả hoặc vắc xin, cách duy nhất để tránh dịch bệnh bùng phát là kiểm soát quá trình lưu thông của virus nhờ sàng lọc hàng loạt và nhanh chóng đồng thời tôn trọng giãn cách.

Giáo sư vi sinh vật học Ignacio López-Goñi (Tây Ban Nha):

Mấy tuần gần đây, số ca nhiễm tại Tây Ban Nha lại tăng đáng kể.

Muốn đánh giá tình hình rất khó. Có khác biệt khó hiểu giữa số liệu của các cộng đồng tự trị và của chính phủ, do đó khó có số liệu cập nhật về số ca nhiễm và ca tử vong tại bệnh viện.

Một điều chắc chắn là không thể so sánh tình hình hiện nay với hồi đầu tháng 4.

Châu Âu ngăn chặn đợt dịch thứ hai theo cách nào? - Ảnh 3.

Truy vết và xét nghiệm là các biện pháp ngăn chặn đợt dịch thứ hai bùng phát - Ảnh: SIPA

Lúc trước ít trường hợp được xét nghiệm PCR và xét nghiệm chỉ nhằm chẩn đoán các trường hợp có triệu chứng, nhập viện và bệnh nặng, vì vậy chỉ phát hiện phần nổi tảng băng trôi. Còn bây giờ, mọi tiếp xúc với người dương tính đều phải qua kiểm tra.

Hiện thời dường như không có lý do gì phải báo động. Số ổ dịch bị cô lập do các ca nhiễm từ bệnh nhân không triệu chứng không tăng. Do phong tỏa, chỉ còn một tỉ lệ nhỏ nhiễm bệnh.

Điều đáng yên tâm là virus dường như hoạt động ổn định, không biến chủng ảnh hưởng đến độc lực để dẫn đến đợt dịch thứ hai.

Ngược lại, do tỉ lệ dân số miễn dịch chưa cao, một số ổ dịch có thể vượt khỏi tầm kiểm soát nên có thể dẫn đến đợt dịch mới, vì vậy vẫn phải tăng cường kiểm soát.

Cá nhân phải ngăn ngừa lây nhiễm bằng mọi giá bằng cách mang khẩu trang, giãn cách, giữ vệ sinh tốt, tránh không gian chật hẹp đông người.

Các cơ quan y tế cần điều phối, giám sát, cách ly và củng cố hệ thống y tế, đặc biệt tránh quá  tải.

Bất kể đợt dịch thứ hai có xảy ra hay không, mùa đông này sẽ không có vắc xin nên phải chuẩn bị tình huống xấu nhất.

Châu Âu ngăn chặn đợt dịch thứ hai theo cách nào? - Ảnh 4.

Siêu thị ở London (Anh) trong mùa dịch - Ảnh: AP

Tiến sĩ mô hình toán học Jasmina Panovska-Griffiths (Anh):

Hiện nay, số ca nhiễm tăng trở lại tại Anh, dù không bằng ở Pháp và Tây Ban Nha

Có thể giải thích việc tăng số ca nhiễm mới theo ba cách. Một, đây là đợt dịch thứ hai. Hai, dịch bệnh lây nhiễm theo cụm dưới dạng các ổ khu trú. Ba, do nới lỏng các hạn chế liên quan đến phong tỏa.

Hiện thời còn quá sớm để xác định Anh đang đối phó với kịch bản nào. Nếu đợt dịch thứ hai bùng nổ, chúng ta phải thấy các chỉ số về dịch bệnh tăng mạnh như số ca nhiễm mới, số ca nhập viện hoặc số ca tử vong.

Hiện nay, dù số ca nhiễm mới gia tăng nhưng số ca tử vong và nhập viện không tăng đến báo động.  

Nguyên nhân có thể do số ca nhiễm mới tăng một phần nơi người trẻ. Còn trước đây, COVID-19 chủ yếu ảnh hưởng đến người cao tuổi dễ nhập viện và tử vong hơn.

Ngoài ra còn do Anh đã tăng cường năng lực xét nghiệm hơn so với đầu dịch nên số ca nhiễm được xác nhận gia tăng.

Các nghiên cứu mô hình hóa gần đây của tôi cho thấy có thể tránh đợt dịch thứ hai với điều kiện xét nghiệm người có triệu chứng và truy vết tiếp xúc để cách ly khi cần thiết.

. GS Dominique Costagliola: chuyên gia về dịch tễ học và thống kê sinh học, giám đốc nghiên cứu Viện Nghiên cứu sức khỏe và y học quốc gia Pháp.

. TS Ignacio López-Goñi: giáo sư vi sinh vật học tại Đại học Navarre, từng nghiên cứu tại Đại học Berkeley và Đại học Columbia của Mỹ.

. TS Jasmina Panovska-Griffiths: nghiên cứu viên cao cấp và giảng viên về mô hình toán học tại Đại học London, giảng viên toán ứng dụng tại Trường Queen's College (Đại học Oxford).

COVID-19 ngày 31-8: Tâm dịch thế giới chuyển sang Ấn Độ COVID-19 ngày 31-8: Tâm dịch thế giới chuyển sang Ấn Độ

TTO - Theo báo Times of India, trong ngày 30-8, Ấn Độ có số nhiễm mới trong một ngày cao kỷ lục của thế giới: 80.092 ca.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp