13/02/2017 11:11 GMT+7

Châu Âu đã thực tế hơn 

QUẾ VIÊN
QUẾ VIÊN

TTO - Tới thời điểm này, vấn đề quan trọng nhất trong chiến dịch tranh cử của các đảng phái tại nhiều nước châu Âu là chính sách nhập cư, tị nạn, đặc biệt là người tị nạn đến từ các quốc gia Hồi giáo.

Huân tước Alf Dubs (hàng thứ hai, thứ tư từ trái qua) cùng đoàn biểu tình chống quyết định của Chính
phủ Anh không tiếp nhận trẻ em không có người đi kèm đến từ châu Âu. Một trong những khó khăn của
giới điều hành ở châu Âu là các chính sách nghiêm khắc luôn bị phản ứng từ những thành phần ủng hộ
chuyện nhân đạo - Ảnh: Reuters
Huân tước Alf Dubs (hàng thứ hai, thứ tư từ trái qua) cùng đoàn biểu tình chống quyết định của Chính phủ Anh không tiếp nhận trẻ em không có người đi kèm đến từ châu Âu. Một trong những khó khăn của giới điều hành ở châu Âu là các chính sách nghiêm khắc luôn bị phản ứng từ những thành phần ủng hộ chuyện nhân đạo - Ảnh: Reuters

Năm 2017, tại châu Âu sẽ diễn ra một số cuộc bầu cử quan trọng có ảnh hưởng đến cục diện chính trị của cả châu lục như bầu cử tổng thống Pháp, thủ tướng Đức, Quốc hội Hà Lan...

Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế Chatham House của Anh vừa qua đã thực hiện một cuộc khảo sát tại 10 nước Anh, Bỉ, Pháp, Hi Lạp, Hungary, Ý, Ba Lan, Tây Ban Nha, Đức và Áo với câu hỏi “Có nên cấm người nhập cư từ các nước Hồi giáo?”.

Theo kết quả công bố ngày 8-2 thì 54,6% người được hỏi đã trả lời “đồng ý”, 20,1% không đồng ý, 25,3% không trả lời câu hỏi này. Đáng chú ý là 44% người được hỏi trong lứa tuổi 18-29 đã trả lời không đồng ý.

Thủ tướng Merkel phải nhượng bộ

Một thí dụ điển hình là Áo, tuy một năm rưỡi nữa mới tổ chức bầu cử nhưng để đảm bảo thắng lợi, Đảng Dân chủ xã hội của Thủ tướng Christian Kern cùng liên minh là Đảng Bảo thủ đã thống nhất một chương trình hành động chung về vấn đề người nước ngoài và an ninh.

Theo đó, Áo sẽ cấm phụ nữ Hồi giáo trùm burka (loại trùm kín từ đỉnh đầu tới chân) nơi công cộng và kiểm soát chặt chẽ biên giới.

Đáng nói là hồi cuối năm 2015, Áo từng nhiệt liệt ủng hộ chính sách mở cửa đón người tị nạn (đa số từ các quốc gia Hồi giáo) của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Cùng với các nước Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và Đức, Áo đã được phép gia hạn kiểm soát tại biên giới tới tháng 5-2017.

Tuy đây chỉ có thể là một biện pháp tạm thời trong một Liên minh châu Âu (EU) không biên giới nhưng đã tỏ ra hữu hiệu. Thí dụ như số người xin tị nạn tại Đan Mạch đã giảm từ 21.316 trường hợp năm 2015 còn 6.235 năm 2016.

Tại Đức, Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel cũng chịu nhiều áp lực.

Tuy đồng minh của họ là Đảng Xã hội Thiên Chúa giáo (CSU) tuyên bố ủng hộ bà Merkel ra tranh chức thủ tướng Liên bang Đức lần thứ tư vào tháng 9, nhưng vẫn yêu cầu CDU phải giới hạn số người tị nạn vào Đức, tối đa là 200.000 người mỗi năm.

Bà Merkel còn chịu một sức ép lớn khi Đảng Dân chủ xã hội (SPD) đưa cựu chủ tịch Quốc hội châu Âu Martin Schulz, 61 tuổi, ra tham gia tranh cử.

Các cuộc thăm dò hiện nay cho thấy bà Merkel chỉ dẫn trước ông Schulz có 1% (39% và 38%). Đảng bài nhập cư AfD được 10%.

Trong nỗ lực tranh thủ cử tri, báo Spiegel đưa tin ngày 9-2 Thủ tướng Merkel đã có cuộc họp với thủ hiến 16 bang để trình bày về quy trình trục xuất những người bị từ chối tị nạn về nguyên quán.

Theo đó, những người bị từ chối sẽ ngay lập tức được đưa vào các trung tâm hồi hương. Chính quyền liên bang cũng sẽ tăng mức trợ cấp cho những người tự nguyện hồi hương, với ngân sách ban đầu là 90 triệu euro trong năm 2017.

Thách thức từ châu Phi

Để đối phó với cuộc khủng hoảng người tị nạn và di cư, từ đầu năm 2016 EU đã đóng cửa biên giới với các nước thuộc bán đảo Balkan và hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ ngăn dòng người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ tràn sang.

Nay các nước lại phải đối đầu với làn sóng di cư từ các nước Tây Phi, Nigeria và Libya vượt Địa Trung Hải đến Ý.

Có một vấn đề khó khăn là nếu những người vượt biên này không được phép tị nạn thì cũng không thể buộc họ quay về Libya, vì luật EU không cho phép đưa người quay về nếu như tình hình chính trị tại nước đó không ổn định.

Do vậy ngày 3-2, lãnh đạo 28 nước EU đã có cuộc họp thượng đỉnh tại Malta - quốc gia hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của EU - để thảo luận cách giải quyết.

Các nước đã thống nhất trên nguyên tắc một kế hoạch 10 điểm với những biện pháp như tăng cường tuần tra trên Địa Trung Hải, giúp Libya kiểm soát bờ biển và biên giới với Nigeria - nằm giữa Tây Phi và Libya, ngăn chặn các tổ chức buôn người, đưa người trái phép, tạo công ăn việc làm cho các nước Tây Phi, đặc biệt là Nigeria.

Tuy vậy, dư luận nhiều nước EU vẫn tỏ ra nghi ngại về hiệu quả của kế hoạch này. Chính phủ Libya được phương Tây ủng hộ chỉ kiểm soát được một phần đất nước nên không thể đảm đương việc kiểm soát bờ biển, đường biên giới hay ngăn chặn các tổ chức đưa người.

Ngoài ra còn có tình trạng nạn tham nhũng hoành hành tại các quốc gia châu Phi. Các khoản tiền do EU hỗ trợ có nguy cơ bị lãng phí hoặc sử dụng sai mục đích.

Chẳng hạn EU đã hỗ trợ Nigeria 140 triệu euro để chống nạn đưa người trái phép, tạo công ăn việc làm cho thanh niên... nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Nigeria vẫn là quốc gia có nhiều người vượt biển tới châu Âu trong các nước châu Phi.

Đáng nói là dân số Nigeria hiện đã lên tới 190 triệu người, trong đó có 50% dưới 15 tuổi và tỉ lệ sinh sản của phụ nữ là 7,5 con mỗi người!

QUẾ VIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp