Tổng thống Pháp François Hollande cùng thị trưởng Paris Anne Hidalgo (trái) dự lễ đặt biển tưởng niệm tại quán cà phê A La Bonne Bière ở Paris sáng 13-11 - Ảnh: Reuters |
“Điều tốt đẹp nhất mà chúng ta có thể làm là tiếp tục sống và phải sống hạnh phúc |
Nữ khán giả xưng tên Christine, tại đêm nhạc của Sting |
Đây cũng là lần đầu tiên nhà hát Bataclan, nơi có đến hơn 90 nạn nhân thiệt mạng, mở cửa trở lại sau thời gian tu bổ vì bị tấn công khủng bố cách đây một năm. Khán phòng chật cứng với 1.500 khán giả dù cần biết rằng không phải ai cũng đủ mạnh mẽ để đến nơi từng chứng kiến cuộc thảm sát.
Sting đã phát biểu bằng thứ tiếng Pháp hoàn hảo kêu gọi khán giả dành một phút mặc niệm cho các nạn nhân và sau đó ông chia sẻ: “Chúng ta không quên họ. Đêm nay chúng ta có hai nhiệm vụ: thứ nhất tưởng nhớ những người đã mất trong vụ tấn công và thứ hai là ăn mừng cho cuộc sống và âm nhạc tại địa điểm lịch sử này”.
Nhưng nỗi đau của một năm trước thực sự vẫn còn đó. Chiều tối 13-11-2015, một nhóm khủng bố nhỏ có tổ chức đã tấn công đồng loạt nhiều điểm tại thủ đô của nước Pháp khiến 130 người thiệt mạng và hơn 400 người bị thương.
Một ủy ban điều tra của Pháp đã phân tích tỉ mỉ và đưa ra báo cáo vào mùa hè vừa qua. Dẫu vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp nhưng báo cáo bước đầu chỉ ra sự thất bại của các cơ quan tình báo Pháp và châu Âu giúp bọn khủng bố lọt lưới và tiến hành vụ thảm sát.
Sting đã "cháy" hết mình trong đêm nhạc ở Bataclan - Ảnh: Reuters |
Bản báo cáo đã cho thấy các cơ quan tình báo Pháp thiếu phối hợp với nhau và ở tầm mức châu Âu tình cảnh cũng tương tự. Một số tên khủng bố tại nhà hát Bataclan từng bị kết án vì hành vi cực đoan hoặc đang bị đưa vào diện theo dõi sát vào thời điểm chúng tham gia tấn công. Thế mà chúng vẫn có thể dễ dàng đi lại giữa các nước ở châu Âu.
Ông Pierre Berthelet, chuyên gia an ninh nội địa, nêu trong báo cáo về vụ khủng bố 13-11 như sau: “Khó khăn lớn nhất mà châu Âu đang gặp phải là thiếu sự phối hợp. Thậm chí hai cơ quan tình báo Pháp, một bên cảnh sát và một bên còn lại, không những không phối hợp mà còn cạnh tranh với nhau theo kiểu giữ kín thông tin mình có được”.
Trong khi đó, nhà báo Matthieu Suc của trang mạng Médiapart và là tác giả cuốn sách Nữ binh thánh chiến còn cho rằng các cơ quan tình báo Pháp và châu Âu đã không đánh giá đúng mức tình hình mới liên quan khủng bố Hồi giáo cực đoan.
Gần như ngay lập tức sau vụ khủng bố, các quốc gia ở châu Âu, dưới áp lực của Pháp, đã nhanh chóng đi đến quyết định thực thi các biện pháp tăng cường biên giới của Liên minh châu Âu (EU) và chia sẻ thông tin khách hàng hàng không. Song song đó, việc nhận ra những kẽ hở an ninh cũng đã giúp thực thi các biện pháp khẩn để bịt kín. “Quả thực đã có chuyện chịu chia sẻ thông tin tình báo với nhau tốt hơn và điều đó đã tạo ra ảnh hưởng tích cực”, chuyên gia Pierre Berthelet ghi nhận.
Nhà báo Matthieu Suc cũng nhìn nhận: “Tại Pháp có nhiều thiết chế để các cơ quan có thể giao tiếp với nhau nhưng họ không muốn làm điều đó và đã không chia sẻ thông tin với nhau. Sau sự kiện 13-11, họ hiểu ra rằng phải làm điều đó và quả đã có sự thay đổi thái độ”.
Chuyên gia Pierre Berthelet cho biết các cơ quan tình báo Pháp đã chấp nhận chia sẻ cho Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) đến 7 terabyte dữ liệu. Và chính Europol, vào tháng 1 đầu năm nay đã thông báo thành lập trung tâm chống khủng bố của châu Âu. Cho dù đây chỉ là một dạng trung tâm “cộng lại” từ các cơ quan đã có sẵn nhưng “điều đó cũng gửi đi tín hiệu chính trị cho thấy Europol đặt tập trung cho chuyện chống khủng bố”, chuyên gia Pierre Berthelet ghi nhận.
Trên bình diện rộng, các chuyên gia cho rằng những chuyển động đó đã mang lại kết quả tích cực: không còn xảy ra khủng bố lớn như vụ 13-11 ở Paris, dù sau đó có vụ tấn công phi trường quốc tế ở Bỉ. Những vụ như lái xe đâm vào đoàn người đi xem pháo hoa ở Nice hay vụ tấn công ở nhà thờ Saint-Étienne-du-Rouvray chỉ là những vụ bất thường do khủng bố dạng “sói cô độc” thực hiện.
Tuy nhiên cũng có một vấn đề không nhỏ đặt ra. Pháp và châu Âu có an ninh hơn nhưng nhiều người lo sợ tình trạng đặt an ninh lên hàng đầu, bất chấp các quyền tự do của công dân, một kiểu quản trị khai thác dựa trên nỗi sợ hãi. Nhà báo Matthieu Suc nêu ý kiến: “Chúng ta có thể thấy điều đó qua việc các chính trị gia bắt đầu thổi phồng vấn đề an ninh trong các chương trình vận động của mình khi chiến dịch tranh cử chỉ vừa khởi động”.
Cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, ứng viên bên cánh hữu, chẳng hạn đặt trọng tâm vận động của mình vào việc tăng cường hệ thống hồ sơ kiểm soát các phần tử bị xem là có thể gây nguy hại cho an ninh quốc gia. Mùa hè vừa qua, nước Pháp cũng từng xuất hiện tình trạng một số địa phương cấm phụ nữ Hồi giáo ra biển mặc đồ tắm kiểu che kín toàn thân.
Đó là hiện tượng bắt đầu xuất hiện ở tầm mức châu Âu. Ông Julien Jeandesboz, giáo sư khoa chính trị của Đại học tự do Brussels, ghi nhận: “Hiện đã bắt đầu các chương trình tranh cử cho cuộc tổng tuyển cử năm sau ở nhiều quốc gia thuộc EU như Pháp, Đức, Hà Lan và các đảng chính trị cực hữu đang lợi dụng tình hình an ninh để lôi kéo cử tri”.
Ở Paris hôm qua, Tổng thống Pháp François Hollande cùng thị trưởng Paris Anne Hidalgo đã dự lễ khánh thành các bia tưởng niệm ở sáu địa điểm bị tấn công cách đây một năm. Paris năm nay có vẻ bước vào mùa đông lạnh sớm. Sau một năm, người Pháp vẫn tin tưởng siết chặt tay nhau để nói rằng “không thể để cái ác lấn lướt”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận