Dòng người xếp hàng trước một trung tâm mua sắm tại Watford, Anh - Ảnh: REUTERS
Đầy bất ngờ và bị động khi COVID-19 lan rộng, các nhà lãnh đạo các nước châu Âu, điển hình là Thủ tướng Anh Johnson, đứng trước việc phải lựa chọn chiến lược nào để đối phó với một dịch bệnh hoàn toàn chưa hiểu rõ này.
Một luồng quan điểm ủng hộ việc tạo ra "miễn dịch cộng đồng". Nhưng khác với việc để dịch lan rộng như nhiều người vẫn hiểu, việc này là kiểm soát diễn tiến của dịch một cách từ từ nhằm tạo ra cái gọi là "miễn dịch cộng đồng", theo đó sẽ có nhiều người bị nhiễm bệnh, nhưng những người được điều trị khỏi sẽ miễn dịch (ít nhất trong một thời gian) và tạo nên một bức tường ngăn dịch.
Theo nghiên cứu, những tổn thất của việc tìm kiếm miễn dịch cộng đồng là vô cùng nặng nề. Hệ thống y tế của Anh sẽ sụp đổ, khoảng 250.000 người sẽ chết (con số này tại Mỹ sẽ là hơn 1 triệu người). Gần 80.000 người nhiễm bệnh và hơn 3.000 người tử vong như ở Vũ Hán vẫn chưa đủ để hình thành miễn dịch cộng đồng.
Luồng quan điểm thứ hai là "tiêu diệt" dịch, nói cách khác là dùng tất cả các biện pháp để chặn sự phát triển của dịch, hạn chế tối đa người nhiễm bệnh. Điều này đòi hỏi phải áp dụng những biện pháp cứng rắn, lâu dài, tốn kém và phải thường xuyên đối mặt với việc dịch bệnh quay trở lại cho đến khi tìm ra văcxin hoặc một cách điều trị hữu hiệu.
Cho đến những ngày gần đây, nước Anh theo đuổi chiến lược thứ nhất. Các nước Ý, Pháp, Đức và Tây Ban Nha ban đầu chưa rõ nhưng nay đã quyết liệt hơn. Còn các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, ngay từ đầu đã thực hiện theo cách thứ hai.
Cách đây 3 ngày, một câu trả lời khoa học đã được các nhà nghiên cứu tại Đại học Imperial (Anh) đưa ra. Dựa trên những gì đã diễn ra tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Ý và mô phỏng trên tình hình của Anh, Mỹ, các nhà nghiên cứu kết luận rằng "cách thức hữu hiệu duy nhất" là ngăn chặn dịch.
Như một câu ngạn ngữ nói: nói gì không quan trọng, quan trọng hơn là ai nói. Trước đó nhiều chuyên gia đã có những cảnh báo tương tự, nhưng các nhà lãnh đạo Anh vẫn chưa bị thuyết phục cho đến khi có nghiên cứu của Đại học Imperial - nơi tập hợp 50 chuyên gia hàng đầu về dịch bệnh, đã thực hiện các nghiên cứu cho WHO và nhiều chính phủ về SARS, cúm gà, cúm heo... và được coi là khuôn vàng thước ngọc trong lĩnh vực này.
Nước Anh và Thủ tướng Johnson cuối cùng cũng nhận ra điều cần phải làm này. Ngày hôm qua, chính quyền ở tất cả các vùng tại Anh cũng đã theo chân các nước châu Âu tuyên bố đóng cửa tất cả trường học, kêu gọi không tụ tập đông người, đóng cửa các cửa hàng và đang xem xét phong tỏa thủ đô London những ngày tới.
Những xáo trộn và tổn thất sẽ là chưa có tiền lệ, như nghiên cứu chỉ ra, với việc nhiều thành phố bị phong tỏa, nhiều người dân bị cách ly, nhiều trường học, cửa hàng phải đóng cửa dài hạn, nhưng đây là con đường duy nhất.
Kết luận này càng củng cố hơn những gì mà các nước châu Á và Việt Nam đã làm cho đến nay là đúng hướng. Điều đó không chỉ xuất phát từ lý do nhân đạo mà đến nay còn là dựa trên cơ sở khoa học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận