Berlin bác bỏ khả năng sẽ tăng đóng góp cho EFSF. Đức là nước không nằm trong số bị S&P hạ mức tín nhiệm và là nền kinh tế hàng đầu châu Âu, thành viên bảo lãnh chính của EFSF. Ban đầu EFSF có 440 tỉ euro, nhưng chỉ còn 250 tỉ euro sau việc giải cứu Bồ Đào Nha và Ireland.
Giờ đây quỹ này bị coi là quá nhỏ để có thể hỗ trợ Ý hay Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ 3 và 4 của khối đồng euro. Trong khi đó, Hi Lạp đang đợi đợt giải cứu thứ 2. Việc S&P đánh tụt mức tín nhiệm của chín nước sử dụng đồng euro cuối tuần qua có thể ảnh hưởng đến mức tín nhiệm của chính EFSF. Quỹ này được bảo trợ bởi các nước sử dụng đồng euro, cho phép quỹ có thể mượn tiền từ các nhà đầu tư với lãi suất thấp, sau đó cho các nước gặp khủng hoảng trong khối vay tiền. Việc đánh tụt tín nhiệm của EFSF có thể sẽ khiến các nhà đầu tư đòi tăng lãi suất khi mua trái phiếu của quỹ này.
AFP dẫn lời một quan chức Liên minh châu Âu nói hiện có hai lựa chọn về việc giữ định mức tín nhiệm cho EFSF. Một là bốn nước vẫn còn giữ được định mức AAA tăng khoản đóng góp, nhưng điều này sẽ gây ra các vấn đề về chính trị. Hai là bơm tiền cho EFSF bằng cách vay thêm ngoài nhu cầu của quỹ này. Dù lựa chọn nào thì các chính phủ cũng phải tăng khoản đóng góp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận