Phim Đảo của dân ngụ cư từng đoạt 3 giải thưởng tại AIFFA 2017, trong đó có giải Phim hay nhất. Trong ảnh: đạo diễn Hồng Ánh (bìa trái) và hai diễn viên chính sau lễ trao giải - Ảnh: ĐPCC
Trong lịch trình đi vòng quanh một số nước Đông Nam Á để giới thiệu về Liên hoan phim quốc tế ASEAN - AIFFA (sẽ diễn ra từ ngày 24 đến 27-4 tại Kuching, Sarawak, Borneo, Malaysia), bà Livan Tajang - giám đốc của Liên hoan phim này - có dịp đến Việt Nam vào chiều 19-2.
Buổi tọa đàm được tổ chức tại ĐH Hoa Sen TP.HCM mang chủ đề ASEAN đa dạng qua nghệ thuật điện ảnh với sự tham gia của bà Livan Tajang, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, diễn viên - đạo diễn Hồng Ánh, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cung cấp nhiều thông tin thú vị.
Theo bà Livan Tajang, trong các nước Đông Nam Á - đối tượng chính của Liên hoan phim AIFFA, Philippines đang là quốc gia có nền điện ảnh phát triển nhất với số lượng phim làm ra mỗi năm ước tính khoảng 200 bộ phim.
Ngược lại, Brunei là quốc gia "nghèo nàn" về phim ảnh nhất khi mỗi năm chỉ sản xuất được 1-2 bộ phim. Sự không đồng đều này khiến các quốc gia trong khu vực đang có xu hướng liên kết với nhau trong việc sản xuất phim, từ đó mở rộng thị trường và cũng là mở rộng doanh thu bán phim trong khu vực.
Điển hình như năm nay Brunei đã liên kết với Lào để sản xuất một bộ phim mới, và bộ phim này cũng tham dự AIFFA.
Một trong những thay đổi lớn nhất của việc phát hành phim ở thời điểm hiện tại được các chuyên gia "đón đầu" đó chính là xu thế phát hành phim qua những kênh chiếu phim trực tuyến, kênh phát hành online.
Nhìn lại thị trường điện ảnh Việt trong ba năm trở lại đây, mỗi năm trung bình ra mắt khoảng 55 bộ phim. Nhưng con số để đưa phim ra thị trường quốc tế, bán được phim với các nhà phát hành nước ngoài thì lại rất khiêm tốn. Gần đây, chỉ phong thanh có một phim bán được cho Netflix.
Cũng theo bà Livan Tajang, giữa các nước Đông Nam Á có thể có sự khác nhau về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, nhưng có một điểm chung là dân số trẻ, thị trường đông đảo (trên 600 triệu người) với nhu cầu về giải trí điện ảnh ngày càng được chú trọng.
Chỉ tính riêng tại Malaysia, nơi Liên hoan phim AIFFA ra đời (năm 2013), hiện đã có khoảng 13 trường đại học công lập và cả dân lập đào tạo chính quy về chuyên ngành điện ảnh, nghệ thuật.
Châu Á đang là "chủ đề" cực kỳ hấp dẫn trong mắt những nhà làm phim quốc tế. Bản sắc không lẫn lộn, sự phong phú về văn hóa chính là những điểm mạnh mà các nhà làm phim cần tự tin để khai thác trên màn ảnh rộng, nhất là khi muốn đưa phim ra nước ngoài.
Đó có lẽ là điều các nhà làm phim muốn nhấn mạnh một lần nữa thông qua tọa đàm lần này.
Song song với dòng phim thương mại, phim độc lập nói chung và phim nghệ thuật nói riêng gặp rất nhiều khó khăn từ khâu sản xuất, kêu gọi đầu tư cho đến việc phát hành.
Thế nhưng sự tồn tại của những bộ phim này lại là điều cực kỳ cần thiết cho sự phát triển lành mạnh của một thị trường điện ảnh bền vững, bởi điện ảnh không chỉ là những con số nhảy múa ở phòng vé, nó còn là cảm giác, là giá trị và câu chuyện gắn bó với một dân tộc. Thế nên, bằng cách này hay cách khác, những nhà làm phim độc lập vẫn "vùng vẫy" đi tìm nguồn tài trợ đến từ khắp nơi đáp ứng cho việc làm phim.
Một khán giả - cũng là nhà đầu tư - chia sẻ thật lòng: "Đầu tư cho phim độc lập sẽ thu hồi vốn bằng cách nào?". Câu trả lời từ tọa đàm: một trong những cách đó là việc tham dự các Liên hoan phim quốc tế.
Tính đến thời điểm hiện tại, dự án Vợ ba mà nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc thực hiện cùng đạo diễn Nguyễn Phương Anh dù chưa ra mắt chính thức đã bán được cho 38 nước khác nhau để chiếu rạp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận